Gia Lai: Rộn ràng ngày hội non sông

23/05/2011 08:09 AM


Sáng 22-5, như tin GLO đã đưa, cùng với hàng chục triệu cử tri cả nước, trên 800.000 cử tri Gia Lai đã nô nức tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Sáng 22-5, như tin GLO đã đưa, cùng với hàng chục triệu cử tri cả nước, trên 800.000 cử tri Gia Lai đã nô nức tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
 
Từ sáng sớm, trên khắp mọi ngả đường từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu cũng rợp ngời cờ hoa, biểu ngữ, băng-rôn… Nhiều cử tri đến các tổ bầu cử từ rất sớm để chờ đợi giây phút trọng đại này. Theo quy định, lễ khai mạc sẽ bắt đầu đồng loạt lúc 7h sáng, song nhiều nơi Ban Bầu cử và cử tri đã tiến hành chào cờ, khai mạc sớm từ lúc 6h30.
 
 
Ảnh: Phương Duyên
Ảnh: Phương Duyên
Nô nức từ nông thôn đến thành thị…

 
 
Tại các đơn vị bầu cử tại các xã vùng sâu, vùng xa như Đak Hlơ, Đak Sma, Lơ Ku (huyện Kbang) hay Đak Kơ Ning, Ya Ma, Đak Song, Chư Krei, Yang Nam, Chơ Long, Đak Tpang (huyện Kông Chro), mới khoảng hơn 8 giờ 100% cử tri đã bỏ phiếu. Đặc biệt, ở xã Kon Pne- Kbang, xã xa xôi nhất huyện và nhất tỉnh, đến 8h30 đã có 100% cử tri đi bầu.
 
 
Còn tại xã Yang Nam- Kông Chro, ông Phạm Trung Đông- Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử xã- cho biết: "Do điều kiện vùng sâu, vùng xa và đang vào mùa gieo trồng bận rộn, để tạo điều kiện cho các cử tri thuận lợi trong việc bầu cử, từ 5h30 phút chúng tôi đã tổ chức khai mạc và bỏ phiếu, đến hơn 8 giờ sáng 100% cử tri trên địa bàn xã đã đi bỏ phiếu xong. Tuy nhiên, để đảm bảo theo đúng luật bầu cử, chúng tôi vẫn sẽ chờ đến 19 giờ mới tiến hành kiểm phiếu…".
 
 
Ảnh: Nguyễn Dung
Ảnh: Nguyễn Dung
Cùng chung không khí rộn ràng, từ tờ mờ sáng, 1.858 cử tri của xã vùng 3 Ia Mlăh, huyện Krông Pa, đã tập trung về 7 tổ bầu cử để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Tại tổ bầu cử số 2, ông Kpă Thoa, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, trang trọng bỏ lá phiếu đầu tiên. Ông nêu kỳ vọng: “Trong nhiệm kỳ tới, Quốc hội và HĐND các cấp cần đẩy mạnh thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ…”.
 
 
Là một cử tri của thị trấn Phú Thiện, Sư thầy Quảng Như- trụ trì chùa Bửu Thắng- chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên việc bầu cử HĐND các cấp được tổ chức cùng ngày với bầu cử Quốc hội. Vì vậy, tôi luôn nhắc nhở các cử tri là đạo hữu cần nghiên cứu, sáng suốt lựa chọn cho mình những người tiêu biểu, đủ đức đủ tài đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân”. Còn tại làng Nhing, xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah), vì ngày bầu cử 22-5 rơi vào đúng Chủ nhật nên trưởng thôn Siu Ayưng đã vận động bà con có đạo sắp xếp thời gian đi lễ nhà thờ sớm từ lúc 5h sáng để đi bầu cử đúng giờ. 7 giờ sáng, người đầu tiên có mặt tại tổ bầu cử số 2 là già làng Myui, tiếp đó là 237 cử tri của làng.
 
 
Ảnh: Thu Huế
Ảnh: Thu Huế
Trong niềm hân hoan, già Myui cho biết: “Mấy ngày nay, mình tranh thủ đến nhà trưởng thôn để đọc thật kỹ tiểu sử từng ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp để thầm chọn trước người mình gởi gắm tình cảm, người mình tín nhiệm để họ chăm lo cho đất nước, cho địa phương, cho cuộc sống nhân dân thật tốt”. Chỉ trong khoảng hơn một giờ đồng hồ, các cử tri của làng đã hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình.
 
 
Có mặt tại xã biên giới Ia Dom (huyện Đức Cơ), chúng tôi đã chứng kiến, vào 6h30, ngay tại điểm bầu cử số 2 ở làng Ó, rất đông cử tri, trong đó hầu hết là bà con người dân tộc thiểu số, đã có mặt chờ lễ khai mạc. Anh Trần Thanh Phước- Tổ trưởng tổ bầu cử số 2, phấn khởi: “Kỳ bầu cử lần này trúng vào mùa gieo trồng, tưởng bà con bận bịu sẽ ảnh hưởng đến việc đi bầu cử; nhưng ngược lại, bà con đã đến rất sớm để bầu cử trước rồi mới quay trở về lo việc nhà. Có thể thấy, bà con đã ý thức rất tốt quyền và trách nhiệm công dân của mình”.
 
 
Ảnh: Hồng Sơn
Ảnh: Hồng Sơn
Nhiều cử tri vẫn còn chưa nắm chắc trình tự thủ tục bầu cử, nhưng nhờ được các cán bộ trong tổ hướng dẫn nên mọi việc đều diễn ra suôn sẻ, trật tự, đảm bảo đúng nguyên tắc. Trong khi đó, tại xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai), Đại úy Nguyễn Thế Bất, Đồn trưởng Đồn biên phòng 717, báo cáo với đoàn kiểm tra do đồng chí Nay Lan- Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh: Cán bộ chiến sĩ của đồn đã phối hợp với Ban Bầu cử xã Ia O tích cực vận động cử tri đi bỏ phiếu; cho đến 10h30 cử tri đi bầu đã đạt trên 96%. Tất cả các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh cũng đã phối hợp tốt với Ban Bầu cử các địa phương để vận động bầu cử và đảm bảo an ninh trật tự vùng biên. Tại huyện Chư Prông, nhiều nơi mặc dù mưa lớn, kéo dài nhưng cử tri các làng vẫn có mặt đông đủ để bỏ phiếu; đặc biệt, tại 2 xã Ia Mơr và Ia Puch, hơn 8h, 100% cử tri đã đi bầu.
 
 
Ảnh: Lê Nam
Ảnh: Lê Nam
Tại TP. Pleiku, các vị lãnh đạo tỉnh cũng đã có mặt tại các điểm bầu cử từ rất sớm để thực hiện quyền công dân: Ông Hà Sơn Nhin- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh- bỏ phiếu tại tổ bầu cử số 2, phường Hội Thương; ông Phạm Đình Thu, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Bầu cử tỉnh- bỏ phiếu tại tổ bần cử số 3, phường Hoa Lư; ông Phạm Thế Dũng- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- bỏ phiếu tại tổ bầu cử số 3, phường Yên Đổ; ông Bùi Văn Cường- Phó Bí thư Tỉnh ủy- bỏ phiếu tại tổ bầu cử số 1, phường Tây Sơn…
 
 
Ảnh: Nguyễn Dung
Ảnh: Nguyễn Dung
Sau khi bỏ xong lá phiếu đầu tiên, các vị lãnh đạo tỉnh đã đến kiểm tra tình hình bầu cử ở một số xã phường trên địa bàn TP. Pleiku và các huyện, thị xã trong tỉnh. Theo ghi nhận của P.V, không khí bầu cử vô cùng náo nức, khẩn trương từ các phường nội thành như Hoa Lư, Diên Hồng, Hội Thương… cho đến các xã, phường vùng ven như phường Thống Nhất, Yên Thế, xã Biển Hồ, Tân Sơn, Trà Đa…
 
 
Cử tri…từ trẻ đến già
 
 
Đến với kỳ bầu cử lần này có không ít bạn trẻ lần đầu tiên được cầm lá phiếu thực hiện quyền công dân của mình. Vì thế, em Ksor H’Blach, tròn 18 tuổi ở buôn Broái, xã Ia Broái (Ia Pa) xúc động cho biết: “Lần đầu tiên em được tự mình bỏ phiếu để lựa chọn ra những người đại diện cho quyền lợi của mình. Em thấy vui và tự hào lắm. Em đã tìm hiểu rất kỹ tiểu sử của các vị ứng cử viên để lựa chọn ra những người xứng đáng nhất đại diện cho quyền lợi của mình”.
 
 
Tại tổ bầu cử số 3- phường Yên Thế (TP. Pleiku), em Rơmah H’Nhi, một học viên của trường Trung cấp nghề tỉnh, cũng không giấu được vẻ hồi hộp khi lần đầu tiên đi bỏ phiếu. H’Nhi cho biết em cũng đã được tham khảo danh sách và tìm hiểu về tiểu sử các ứng cử viên tại trường để từ đó có thể “chọn lựa được những người xứng đáng, đủ tâm và tầm”.
 
 
Ảnh: Đức Phương
Ảnh: Đức Phương
Kỳ bầu cử lần này cũng ghi nhận nhiều cử tri rất lớn tuổi nhưng vẫn hăng hái đi bầu. Đó là trường hợp của bà Rơmah H’Lup, năm nay khoảng gần 70 tuổi ở làng Mooc Đen, xã Ia Dom. Bà vui vẻ giải thích về bộ trang phục truyền thống Jrai đang mặc: “Đây là bộ quần áo tôi tự dệt, nó chỉ để dùng khi nào có dịp lễ, hội quan trọng thôi. Hôm nay bầu cử, với tôi và dân làng, đây là ngày lễ trọng đại lắm”. Còn tại tổ bầu cử số 3- phường Yên Đổ (TP. Pleiku), bà Hà Thị Quý- 84 tuổi, người có 60 năm tuổi Đảng- tuy tuổi cao, sức yếu, phải có người dìu đỡ từng bước nhưng bà vẫn muốn tự tay mình bỏ phiếu vào thùng.
 
 

Chiều ngày 22-5, Đại tá Trần Đình Thu- Giám đốc Công an tỉnh- cho biết, qua công tác kiểm tra và thông tin các đơn vị báo về, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và trật tự giao thông tại các điểm bầu cử nói riêng và toàn tỉnh nói chung trong ngày bầu cử đã được giữ vững an toàn tuyệt đối.
 

“Tôi rất hồ hởi khi chọn bỏ phiếu cho những người biết vì Đảng, vì dân. Chỉ mong được sống thêm mấy năm nữa để tiếp tục được… đi bỏ phiếu nhiệm kỳ sau”- bà Quý móm mém cười. Bỏ phiếu xong, nhiều người phải đỡ bà ra cửa để một cán bộ cùng địa bàn đưa về nhà. Ông Lê Thảng, 88 tuổi, cử tri tổ bầu cử số 3, phường Hoa Lư có lẽ là cử tri cao tuổi nhất ở đây, cũng gửi gắm những mong muốn: “Mong các đại biểu sẽ thực hiện những lời hứa hẹn với cử tri. Mong Quốc hội tận tâm, tận lực, tạo tiền đề để nước ta sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại”.
 
 
“Dân chủ, nghiêm túc”
 
 
Đó là nhận xét của tất cả các cử tri tham gia bầu cử. Già Kpăh Thung, buôn Broái, xã Ia Broái (huyện Ia Pa) tự hào cho hay: Già sống ở đất này đã 75 năm rồi, đã từng tham gia bầu cử cả dưới thời chế độ ngụy Sài Gòn. Nhưng không có thời nào được tự do dân chủ như ngày nay.
 
 
Ảnh: Đức Phương
Ảnh: Đức Phương
Già nhớ lại: “Ngày xưa, trước khi chế độ ngụy quyền tổ chức bầu cử, mấy ông dân biểu thường mời các chức sắc trong làng lại cho ăn uống no say mấy ngày liền rồi tung tiền ra để dụ dỗ người dân bỏ phiếu cho họ; thậm chí bọn lính ngụy còn vác súng vào làng lùa người dân chúng tôi ra ngã ba Cây xoài để bỏ phiếu cho chúng… Còn bây giờ dưới sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước ta, người dân được quyền tự do, dân chủ để tự mình bỏ phiếu bầu chọn ra những người có đủ đức, tài đại diện cho quyền và lợi ích của mình vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước”. Đặc biệt, cử tri thuộc các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đi bỏ phiếu tập trung nhất và hoàn thành công tác bỏ phiếu rất sớm.
 
 
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ công dân, các cử tri ra về trong niềm vui hân hoan và lại tiếp tục bắt tay vào sản xuất. Người thì ra đồng xem đám lúa Đông Xuân đã tới ngày thu hoạch chưa, người thì ở nhà sửa chữa các phương tiện sản xuất. Tại nhà trưởng thôn Siu Ayưng ở làng Nhing (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah), các con của ông sau khi đi bầu cử về cũng bắt tay vào tu sửa lại chiếc xe công nông để chuẩn bị cho việc vận chuyển lúa, phân bón.    
 
 
Ảnh: Lê Lan
Ảnh: Lê Lan
16h ngày 22-5, UBND phường Phù Đổng phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh đưa thùng phiếu lưu động đến từng khoa để những bệnh nhân chưa bỏ phiếu thực hiện quyền công dân. Ông Trần Văn Hạnh, thôn 3, xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh), nhập viện đã 4 ngày do bị chấn thương ở ngực, cho biết: “Được quan tâm như thế này tôi thật sự rất cảm động. Tôi rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp, mong rằng các đại biểu trúng cử lần này sẽ thực hiện tốt những nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân đã tin tưởng giao phó”. Đặc biệt hơn cả, thùng phiếu lưu động còn tiếp nhận 2 lá phiếu của vợ chồng chị Trần Thị Lê Ngân, tổ 6, phường Yên Thế, một sản phụ ở khoa Sản.
.

Theo Báo Gia Lai