Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Gia Lai

16/05/2011 07:25 AM


Cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế có quan hệ chặt chẽ tới tăng trưởng kinh tế, hiệu quả sử dụng các nguồn lực và các vấn đề xã hội, môi trường có liên quan. Nhưng các tác động đa chiều của chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở phát huy có hiệu quả lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh thường ít được tính toán đầy đủ trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch ở các địa phương.

Cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế có quan hệ chặt chẽ tới tăng trưởng kinh tế, hiệu quả sử dụng các nguồn lực và các vấn đề xã hội, môi trường có liên quan. Nhưng các tác động đa chiều của chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở phát huy có hiệu quả lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh thường ít được tính toán đầy đủ trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch ở các địa phương. Dưới đây xin nêu một vài khía cạnh về tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong giai đoạn 2001-2010.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành và tăng trưởng kinh tế

Trong giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng GDP Gia Lai đạt 12,3%/năm, tỷ trọng trong cơ cấu GDP của nhóm ngành nông-lâm-thủy sản đã giảm từ 57,8%/năm 2000 xuống 48,8%/năm 2005 và 41,2%/năm 2010, mức đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP trên địa bàn tỉnh của nhóm ngành này đã giảm từ 41% trong thời gian 5 năm (2001-2005) xuống còn 21,7 % trong thời gian 2006-2010. Ngược lại tỷ trọng của nhóm ngành công nghiệp-xây dựng đã tăng từ 17,9 %/năm 2000 lên 23,7%/năm 2005 và 31,1%/năm 2010, mức độ đóng góp vào tăng trưởng GDP đã tăng từ 28,5%/(2001-2005) lên 48,0%/(2006-2010), tương tự như vậy nhóm ngành dịch vụ có tỷ trọng là 24,3%, 27,5%, 27,7%, mức độ đóng góp vào tăng trưởng chung là 30,5% và 30,3%.

 
Vào mùa thu hoạch Ảnh: Hà Sự
Vào mùa thu hoạch. Ảnh: Hà Sự
Có thể nhận thấy mức độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế Gia Lai trong 10 năm qua có tác động rất nhỏ tới tăng trưởng kinh tế với mức độ tác động của các yếu tố khác như vốn, lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo. Trong giai đoạn 2000-2010, GDP (theo giá so sánh) tăng khoảng 4.632 tỷ đồng, tỷ trọng của nhóm ngành công nghiệp-xây dựng-dịch vụ tăng 16,6%. Sự thay đổi về mức đóng góp vào tăng trưởng GDP Gia Lai của nhóm ngành công nghiệp-dịch vụ-xây dựng chủ yếu do tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành chứ không phải do mức độ tăng lên về tỷ trọng của nhóm ngành này trong cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh.
 
Trên thực tế từ nhiều năm qua Gia Lai đã tập trung phát triển nhanh các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên và chế biến thô, đặc biệt là thủy điện, khai thác khoáng sản, khai thác rừng và sơ chế nguyên liệu nông-lâm sản. Đây là những ngành có đóng góp lớn vào tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp nhưng là những ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ thấp, đang đạt tới ngưỡng giới hạn phát triển, tác động trực tiếp thúc đẩy lan tỏa đối với các ngành kinh tế khác, đặc biệt là nông-lâm-thủy sản không lớn. Số liệu thống kê Gia Lai cho thấy, sản lượng thủy điện năm 2010 trên địa bàn tỉnh gấp gần 100 lần năm 2000, sản lượng xi măng gấp hơn 2 lần; là một tỉnh giàu về trữ lượng của rừng nhưng phần lớn diện tích rừng đã phải đóng cửa rừng, tuy nhiên với chủ trương trồng cao su trên đất rừng thì sản lượng gỗ khai thác rừng tự nhiên (kể cả tận thu) năm 2010 vẫn gấp 2,4 lần năm 2000; ba nhóm ngành bao gồm sản xuất phân phối điện, sơ chế nông-lâm sản, khai thác mỏ chiếm gần 60% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
 
Trong khi đó các ngành công nghiệp-dịch vụ có tác động trực tiếp thúc đẩy nông nghiệp và nông thôn phát triển bền bững như công nghiệp chế biến có hàm lượng công nghệ trung bình và cao, dịch vụ tài chính tín dụng nông thôn, dịch vụ khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp lại phát triển chậm và gặp nhiều khó khăn trở ngại.  

Chuyển dịch chậm về cơ cấu lao động

Trong vòng 10 năm, tỷ trọng nhóm ngành nông-lâm-thủy sản đã giảm gần 16,6%/năm (bình quân gần 1,7%/năm) nhưng tỷ trọng lao động của nhóm ngành này chỉ giảm từ  77,7 %/năm 2000 xuống còn 76,4%/năm 2009. Điều đó cho thấy các ngành công nghiệp-xây dựng-dịch vụ không chỉ tác động thúc đẩy rất hạn chế tới kinh tế nông nghiệp nông thôn, mà còn thu hút rất ít lao động từ nông nghiệp nông thôn.
 
Có lẽ do quỹ đất tiềm năng và diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người tương đối cao nên áp lực giải quyết việc làm trong khu vực nông nghiệp nông thôn Gia Lai tuy có tăng nhưng chưa đến mức gay gắt. Tuy vậy, nếu tiếp tục kéo dài sẽ gây ra những hậu quả xấu và ngày càng nghiêm trọng như: Áp lực phá rừng để lấy đất sản xuất ngày càng lớn; diện tích đất nông nghiệp trên đầu người và năng suất lao động nông nghiệp giảm dần, thu nhập thấp, tạo ra một lượng lao động dư thừa ngày càng lớn và có xu hướng thoát ly khỏi các hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống; phân hóa giàu nghèo và bất bình đẳng giữa nông thôn và thành thị ngày càng lớn.

Do cơ cấu lao động chuyển dịch chậm nên tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế tới cơ hội tạo việc làm, thu nhập cũng hạn chế, thậm chí việc tăng tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp-xây dựng còn làm giảm cơ hội về việc làm cho người lao động tính trên nguồn vốn đầu tư. Số lao động làm việc trên 1 tỷ đồng vốn đầu tư (giá so sánh) đã giảm từ 294 người/năm 2000 xuống còn 154 người/năm 2010.

  Tóm lại, không phải mọi sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế ở Gia Lai trong thời gian 2000-2010 đều đúng hướng và tích cực. Tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành tới tăng trưởng kinh tế, sự dịch chuyển cơ cấu lao động, khả năng tạo việc làm và tăng thu nhập của nguồn vốn đầu tư là không lớn. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế 10 năm qua ở Gia Lai tập trung chủ yếu vào phát triển các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên, dịch vụ thông thường có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ thấp, sử dụng ít lao động, phân bố tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị. Sự nỗ lực tăng tỷ trọng của các khu vực công nghiệp-xây dựng-dịch vụ chủ yếu dựa vào tăng nguồn vốn đầu tư chứ không phải nỗ lực tạo ra ngày càng nhiều việc làm mới có thu nhập cao để thu hút lao động nông nghiệp chuyển sang. Vì vậy, cơ cấu kinh tế Gia Lai hiện nay thực chất vẫn là cơ cấu kinh tế tương đối lạc hậu và chuyển dịch chưa bền vững

Theo Báo Gia Lai