Gia Lai: Giúp dân làm giàu từ nghề rừng

10/05/2011 07:29 AM


Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (gọi tắt là dự án 661) được kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI điều chỉnh và tổ chức thực hiện giai đoạn 1998-2010; trong đó Gia Lai được phân bổ chỉ tiêu trồng mới 12.385 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và 9.800 ha rừng sản xuất. Đến thời điểm này, dự án 661 trên địa bàn tỉnh đã kết thúc.

Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (gọi tắt là dự án 661) được kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI điều chỉnh và tổ chức thực hiện giai đoạn 1998-2010; trong đó Gia Lai được phân bổ chỉ tiêu trồng mới 12.385 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và 9.800 ha rừng sản xuất. Đến thời điểm này, dự án 661 trên địa bàn tỉnh đã kết thúc.
 
 
Theo đánh giá của UBND tỉnh diện tích trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đạt 13.712,3 ha, bằng 110,7% kế hoạch và trồng mới 31.271 ha rừng sản xuất đạt 319% kế hoạch. Cùng với trồng mới rừng, tổng diện tích rừng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh đạt gần 85.708 lượt ha, đạt 135,1% và diện tích khoán bảo vệ rừng gần 966.660 ha, đạt 115,1% kế hoạch.
 
 
Chuẩn bị cây giống
Chuẩn bị cây giống
Dự án 661 kết thúc với những con số vượt chỉ tiêu Trung ương giao xuất phát từ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự chung tay của các doanh nghiệp và nhân dân. Trước khi triển khai thực hiện dự án, UBND tỉnh xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, từ đó, sớm cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương phù hợp với thực tiễn địa phương, phê duyệt 18 dự án trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại cơ sở, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp đổi mới lâm trường quốc doanh, giao đất giao rừng… làm cơ sở pháp lý cho các địa phương, doanh nghiệp, nhân dân triển khai trồng, phát triển, làm giàu vốn rừng. Để hoàn thành vượt chỉ tiêu dự án, hàng năm tỉnh cân đối vốn ngân sách 9-10 tỷ đồng bổ sung vào tổng vốn 175,825 tỷ đồng Trung ương đầu tư cho dự án; huy động vốn vay tín dụng, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, vốn ODA của dự án Flitch đầu tư trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng… gần 409 tỷ đồng; nâng tổng mức vốn Trung ương, tỉnh, vốn huy động trồng rừng từ năm 1998- 2010 trên 692 tỷ đồng.
 
 
Hiệu quả nguồn vốn đầu tư dự án 661 mang lại lợi ích kinh tế-xã hội thiết thực. Tiến độ trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bình quân đạt 1.142,7 ha/năm; rừng sản xuất trồng mới đạt diện tích bình quân hơn 2.600 ha/năm. Chất lượng rừng trồng mới sau thời kỳ xây dựng cơ bản đều đảm bảo mật độ theo quy định, cây trồng phát triển tốt. Điển hình như trồng rừng phòng hộ khu vực đèo Mang Yang, đồi Phượng Hoàng (huyện Mang Yang), đồi Hàm Rồng (TP. Pleiku), xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah), đồi thông huyện Đak Pơ… Nhờ vậy, độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 0,28%/năm, từng bước nâng cao khả năng phòng hộ, khắc phục thực trạng xói mòn đất, suy giảm nguồn nước ngầm, môi trường sống con người được cải thiện theo hướng tích cực.
 
 
Dự án đã tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho 2.075 lao động, giao khoán bảo vệ rừng cho 1.712 hộ nông dân định cư vùng nông thôn, miền núi, mức nhận khoán bình quân 30 ha/hộ, thu nhập của các hộ nhận khoán tăng thêm 3 triệu đồng/hộ/năm. Hạ tầng cơ sở và trang-thiết bị phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) được cải thiện một bước nhờ xây dựng hơn 3.114 km đường băng cản lửa; 1.215 bảng tuyên truyền, biển báo, bảng quy định PCCCR tại các vùng được xác định là trọng điểm xảy ra cháy rừng gắn với kiện toàn 223 tổ đội quần chúng tham gia PCCCR tại cơ sở, nhờ vậy đã hạn chế tối đa nạn cháy rừng vào mùa khô.
 
 
Dự án đã dần hình thành vùng sản xuất lâm nghiệp chuyên canh; khắc phục một bước thực trạng phát triển rừng thiếu quy hoạch tồn tại nhiều năm trước đây. Khu vực huyện Kbang, Chư Pah dần hình thành rừng tự nhiên. Rừng khu vực phía Đông và một phần phía Tây Nam của tỉnh là rừng trồng. Đi cùng quá trình trồng mới rừng phòng hộ, đặc dụng và rừng sản xuất, các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa vào trồng thử nghiệm nhiều giống cây lâm nghiệp mới cho từng loại rừng, làm phong phú vốn rừng. Hiện tại, diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trồng mới xuất hiện thêm các loại cây lâm nghiệp chủ lực như: Sao đen, thông 3 lá, muồng đen; các loại cây keo lá tràm, keo tai tượng, cây ăn quả giữ vai trò là cây lâm nghiệp trồng hỗ trợ cho 2 loại rừng trên. Rừng sản xuất trồng mới có thêm nhóm cây keo lá tràm, keo tai tượng, bạch đàn E.Urophylla, keo lai trồng bằng phương pháp mô hôm năng suất gỗ đạt bình quân 20 m3/ha/năm…
 
 
Nghiên cứu đặc tính sinh học và xây dựng quy trình gieo ươm một số cây lâm nghiệp bản địa mọc nhanh như: Xoan mộc, gáo vàng, gòn mò cua, xà cừ, lát Mêxicô, hồng… Tất cả đang trong giai đoạn trồng thử nghiệm để theo dõi sự thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng đất trước khi chính thức đưa vào trồng đại trà trong thời gian tới, cung cấp cho 80 doanh nghiệp chế biến gỗ dân dụng, nhất là gỗ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh hoạt động. Sơ bộ ước tính, tổng sản lượng gỗ khai thác từ diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt từ 80.000 m3 đến 95.000 m3/năm, giá trị kinh tế từ bán gỗ nguyên liệu đạt 31-35 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào giá trị sản xuất lâm nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân làm giàu chính đáng từ nghề trồng, bảo vệ và phát triển rừng.

Theo Báo Gia Lai