Xanh ngát Bờ Ngoong

09/05/2011 07:19 AM


Cuối tháng 4- 2011, tôi có dịp trở lại mảnh đất Bờ Ngoong (huyện Chư Sê, Gia Lai)- nơi tôi đã gắn bó suốt hơn 2 năm với tư cách cán bộ tỉnh tăng cường giúp xã. Anh Lưu Hồng Quế, trước là Phó Chủ tịch UBND xã, giờ đã là Bí thư Đảng ủy đưa tôi đi thăm thú vài nơi.

Cuối tháng 4- 2011, tôi có dịp trở lại mảnh đất Bờ Ngoong (huyện Chư Sê, Gia Lai)- nơi tôi đã gắn bó suốt hơn 2 năm với tư cách cán bộ tỉnh tăng cường giúp xã. Anh Lưu Hồng Quế, trước là Phó Chủ tịch UBND xã, giờ đã là Bí thư Đảng ủy đưa tôi đi thăm thú vài nơi.
 
 
Quả thật so với những năm đầu thập niên cuối cùng của thế kỷ trước, Bờ Ngoong bây giờ đã thay đổi “một trời một vực”. Con đường dẫn vào xã vốn sình lầy vào mùa mưa- bụi mù vào mùa khô giờ đã được thảm nhựa phẳng phiu, từ Pleiku chỉ cần 40 phút xe máy là đến. Qua khỏi địa phận xã Ia Tiêm là bạt ngàn cà phê, hồ tiêu và những lô cao su xanh mướt, đều tăm tắp. Dân làng Ngol 2 ngày nào còn quanh quẩn với lúa rẫy, vườn tạp, nay đã biết tạo nên những vườn cà phê cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
 
 
Nhiều gia đình giàu lên nhờ trồng cây công nghiệp. Ảnh: Đức Thụy
Nhiều gia đình giàu lên nhờ trồng cây công nghiệp. Ảnh: Đức Thụy
Cũng trên con đường vào trung tâm xã, tôi đặc biệt ấn tượng về ngôi biệt thự tiền tỷ của Chủ tịch Hội Nông dân xã Phạm Phú Hoan. Hoan vốn xuất thân từ gia đình nghèo khó ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Nghèo, lại thiếu đất sản xuất nên anh đăng ký đi xây dựng kinh tế mới tại mảnh đất này. Là Chủ tịch Hội Nông dân xã nhiều khóa, được tham quan nhiều mô hình kinh tế, cùng với tính cần cù, anh quyết tâm đầu tư phát triển vườn cây công nghiệp theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.
 
 
Trong mắt của mọi người, chớp mắt một cái ấy vậy mà “lão Hoan” vốn ít chữ lại giàu lên trông thấy. Chức Chủ tịch Hội Nông dân xã lương thấp, vậy thì chỉ có sự “biết làm ăn” mới giúp Hoan có được như ngày hôm nay. Hiện tại, tính sơ bộ Hoan đã có trong tay 10 ha cao su tiểu điền, 3 ha cà phê và hàng trăm trụ tiêu. Nhờ thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nên “lão nông” đất Bờ Ngoong này đàng hoàng “xí” một ngôi nhà đẹp tại TP. Hồ Chí Minh. Có được cơ ngơi như ý, ông trưởng họ Phạm Phú Hoan bắt tay vào việc “kiến thiết” họ Phạm thôn 16- Ninh Giang bằng cách thuê mướn nhân công nhàn rỗi, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, đặc biệt là bày biểu cách làm ăn. Thôn 16- Ninh Giang trước đây vốn tồn tại nhiều tệ nạn xã hội vậy mà giờ đây ai ai cũng chí thú làm ăn phát triển kinh tế, phấn đấu trở thành thôn điển hình của Bờ Ngoong về mọi mặt.
 
 
Trường THPT Nguyễn Văn Cừ mới được đầu tư xây dựng. Ảnh: Đức Thụy
Trường THPT Nguyễn Văn Cừ mới được đầu tư xây dựng. Ảnh: Đức Thụy
Nếu thôn 16- Ninh Giang, thôn Tân Tiến và thôn Đoàn Kết lấy việc phát triển vườn cây công nghiệp để phát triển kinh tế gia đình thì thôn Đồng Tâm hướng mạnh về dịch vụ. Gọi là thôn nhưng khu vực này phát triển như một thị tứ. Đường sá, chợ, hàng quán, cơ sở tiểu thủ công nghiệp… được quy hoạch bài bản và phát triển nhanh chóng. Nhờ nguồn thu từ hoạt động dịch vụ mà nhiều hộ mua được ô tô con hàng nửa tỷ đồng, tậu nhà tại TP. Pleiku cho con cái học hành. Nhiều người còn vanh vách nói về giá đất, giá ô tô, chuyện học hành ở Pleiku… rành hơn cả dân TP. Pleiku.
 
 
Học tập mô hình làm ăn của người Kinh, các làng đồng bào dân tộc thiểu số trong xã cũng tiến bộ vượt bậc. Con đường vào làng Pa Pếch giờ đã nâng cấp rộng rãi và nối liền với trung tâm huyện Chư Sê. Nhờ cây cà phê mà nhiều hộ trở nên khá giả. Những hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ vốn xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Đời sống phát triển mọi mặt, nhân dân càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, những luận điệu xuyên tạc của bọn phản động khó có cơ hội thâm nhập và phát triển.
 
 
Trong niềm vui chung của những người một thời cùng nhau bám làng xây dựng hệ thống chính trị, Bí thư Đảng ủy xã Lưu Hồng Quế cho biết thêm: Hiện nay, trên địa bàn xã đã có trường THPT, 2 trạm y tế, phần lớn các thôn làng được công nhận văn hóa, hệ thống chính trị được củng cố vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, tình trạng thiếu đất sản xuất đã cơ bản được giải quyết, tình hình an ninh chính trị- trật tự an toàn xã hội ổn định… Bao nhiêu đó cùng với những điều mắt thấy, tai nghe, trong tôi chợt dấy lên niềm tin về tương lai vùng đất một thời được xem là mô hình kinh tế-xã hội điểm của cả tỉnh-“Bờ Ngoong hóa”.

Theo Báo Gia Lai