Hiệu quả bước đầu thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ

05/05/2011 07:13 AM


Cùng với các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, ngành Tài chính tỉnh đã có những cố gắng nhất định trong thời gian qua

 
Cùng với các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, ngành Tài chính tỉnh đã có những cố gắng nhất định trong thời gian qua. Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính xung quanh nội dung này.
 
 
* Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, ngành Tài chính tỉnh đã có những động thái gì?
 
 
- Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch “về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội” thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, ngành Tài chính đã  nghiêm túc chấp hành ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh,  tổ chức quán triệt Kế hoạch trong toàn ngành.
 
 
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Cụ thể, Cục Thuế đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát chi tiết các khoản thu, từng sắc thuế, các khoản nợ đọng thuế có khả năng thực hiện để xây dựng chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2011 tăng  10% so với dự toán đầu năm. Tập trung rà soát xử lý trên 370 tỷ đồng nợ tồn đọng, hướng dẫn giải quyết kịp thời các vướng mắc về thuế nhằm chống thất thu, hạn chế phát sinh số nợ thuế mới, góp phần lành mạnh hóa tài chính ở địa phương.
 
 
Kho bạc Nhà nước tỉnh triển khai hướng dẫn các đơn vị dự toán, các cấp ngân sách quản lý tập trung tại ngân sách tỉnh số tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại năm 2011 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Kiểm soát thanh toán và đề xuất việc thực hiện chủ trương tạm dừng mua sắm mới ô tô, máy điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng, đã tạm dừng trang bị mới 11 xe ô tô và thiết bị văn phòng với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng.
 
 
Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh xử lý số tiền tạm ứng ngân sách tỉnh còn tồn đọng. Đôn đốc thu hồi dứt điểm số tiền nợ bán đấu giá gỗ, các nguồn thu từ bán tài sản tịch thu, tiền sử dụng đất, thuê đất, tiền bị chiếm dụng, chi sai mục đích phải thu hồi theo kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước, kết quả đã thu trên 12,8 tỷ đồng.             
 
 
Sở hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố lập dự toán bổ sung, cân đối nguồn kinh phí để chi trả kịp thời, đúng đối tượng các chính sách hỗ trợ, trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi, người có công và hộ nghèo đời sống khó khăn. Đã ứng 140 tỷ đồng cho Bảo hiểm Xã hội tỉnh để thực hiện chính sách mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, Hội Cựu chiến binh; miễn giảm thủy lợi phí cho nông dân, chính sách hỗ trợ học nghề, chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/QĐ-TTg, hỗ trợ bù giá điện cho hộ nghèo. Lập dự toán cân đối nguồn để đảm bảo chi trả kịp thời mức tiền lương mới (830.000 đồng/tháng) và điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc từ tháng 5-2011. Tính toán, xác định đối tượng, chuẩn bị nguồn kinh phí cấp bù tiền miễn, giảm học phí khoảng trên 162 tỷ đồng và hỗ trợ chi phí học tập cho 337.883 học sinh với số tiền dự kiến trên 212 tỷ đồng theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP. Thống nhất với Sở Giáo dục-Đào tạo triển khai ký kết với các trường để hỗ trợ kịp thời 3,5 tỷ đồng đã bố trí trong dự toán năm 2011 cho học sinh, sinh viên học cử tuyển.
 
 
Phân khai ứng vốn kịp thời cho các đơn vị cung ứng hàng trợ cước, trợ giá với số tiền trên 55,3 tỷ đồng để chủ động mua hàng đưa về nông thôn. Cùng với Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, lập thủ tục trình UBND tỉnh xuất trên 5 tỷ đồng từ quỹ dự phòng hỗ trợ giống cây trồng kịp thời cho nông dân vùng bị hạn để khôi phục sản xuất, hướng dẫn các địa phương sử dụng quỹ dự phòng để mua gạo cứu đói cho dân.
 
 
* Yêu cầu tiết kiệm 10% ngân sách chi thường xuyên để thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, nội dung tiết kiệm là gì, con số tiết kiệm cụ thể của toàn tỉnh là bao nhiêu và làm thế nào để việc tiết kiệm được đảm bảo thực hiện  trong thực tế?  
 
 
- Yêu cầu chung là phải thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại năm 2011 ngoài 10% số đã giao trong dự toán đầu năm nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao. Số tiền tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên trong 9 tháng còn lại năm 2011 của tỉnh là 74,533 tỷ đồng được quản lý tập trung tại ngân sách tỉnh, chờ hướng dẫn xử lý của Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND tỉnh. Để việc tiết kiệm được đảm bảo thực hiện trong thực tế, các cơ quan, đơn vị dự toán phải tự rà soát, điều chỉnh, sắp xếp lại nhiệm vụ chi của đơn vị, đảm bảo mức tiết kiệm theo mức tối thiểu được thông báo. Thực hiện tiết kiệm tối đa đối với các khoản chi hội nghị, tiếp khách, xăng dầu, điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, công tác phí… Các đơn vị cần động viên, quán triệt cho cán bộ, công chức viên chức Nghị quyết của Chính phủ và Kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh để cùng nhau khắc phục khó khăn.
 
 
Đối với các huyện, thị xã, thành phố, trên cơ sở số tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên 9 tháng còn lại năm 2011 mà UBND tỉnh đã giao, cần tính toán và thông báo ngay cho các đơn vị cấp dưới để chủ động thực hiện.
 
 
Các cấp ngân sách không bổ sung kinh phí ngoài dự toán, trừ các trường hợp thực hiện chính sách, chế độ và các trường hợp cấp bách khác theo chỉ đạo của Trung ương và yêu cầu của tỉnh thì không sử dụng quỹ dự phòng ngân sách, nguồn tăng thu để chi cho các nhiệm vụ chưa thật cần thiết.
 
 
* Theo đồng chí, tỉnh ta cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào để mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội đạt kết quả cao nhất?
 
 
- Theo tôi, đối với tỉnh ta cần quan tâm đến 3 nguyên nhân chủ yếu có tính biện chứng gây ra lạm phát ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Đó là: “Chi phí đẩy”, “cầu kéo” và  tiền tệ. Vì vậy cần tập trung tiết kiệm chi, cắt giảm đầu tư công, giảm cầu. Tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát việc chấp hành pháp luật nhà nước về giá; bổ sung kịp thời vốn điều lệ cho doanh nghiệp nhà nước theo chủ trương của Chính phủ. Áp dụng biện pháp gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Chủ động dự báo nhu cầu và khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân để có biện pháp kịp thời xử lý trong trường hợp mất cân đối. Tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng hóa, dịch vụ theo giá niêm yết, kiểm tra việc thu các loại phí dịch vụ, phát hiện kịp thời các trường hợp gian lận thương mại, trốn lậu thuế, đầu cơ trục lợi. Xử lý kịp thời và nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.
 
 
Thực hiện chi trả kịp thời các chế độ chính sách của Nhà nước, nhất là các chính sách mới về hỗ trợ, trợ cấp, lương hưu, bảo hiểm xã hội cho các đối tượng, hộ nghèo đời sống khó khăn, cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên, công nhân-lao động trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, cung ứng kịp thời hàng trợ cước, trợ giá, giống sản xuất, gạo cứu đói cho dân vùng bị hạn, thuốc chữa bệnh ở các bệnh viện và các trạm y tế...
 
 
Kiểm soát lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng; giảm tốc độ và tỷ trọng cho vay lĩnh vực phi sản xuất, nhất là bất động sản, chứng khoán, chuyển hướng cho vay và tăng dư nợ tín dụng sản xuất kinh doanh, khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng sản phẩm xã hội, tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng thu ngân sách.
 
 
Thực hiện đồng bộ và quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm nói trên tỉnh ta sẽ góp phần cùng cả nước kiềm chế được lạm phát, duy trì sản xuất, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo đời sống nhân dân theo mục tiêu đã đề ra.
 
 
* Xin cảm ơn Giám đốc.

Theo Báo Gia Lai