Y tế Gia Lai- Những bước tiến dài

04/05/2011 07:36 AM


Theo số liệu thống kê từ Sở Y tế, đến nay tuyến tỉnh có 5 bệnh viện; 2 chi cục (Dân số- Kế hoạch hóa gia đình và An toàn Vệ sinh Thực phẩm); 7 trung tâm thuộc hệ y tế dự phòng, Trường Trung cấp Y tế, Trung tâm Giám định Sức khỏe và Ban Quản lý dự án Đầu tư Chuyên ngành Y tế. Tuyến huyện có 17 Phòng Y tế, 17 Trung tâm Y tế (TTYT) huyện; 17 Trung tâm Dân số- Kế hoạch hóa gia đình; 222 xã, phường, thị trấn có y tế hoạt động

Theo số liệu thống kê từ Sở Y tế, đến nay tuyến tỉnh có 5 bệnh viện; 2 chi cục (Dân số- Kế hoạch hóa gia đình và An toàn Vệ sinh Thực phẩm); 7 trung tâm thuộc hệ y tế dự phòng, Trường Trung cấp Y tế, Trung tâm Giám định Sức khỏe và Ban Quản lý dự án Đầu tư Chuyên ngành Y tế. Tuyến huyện có 17 Phòng Y tế, 17 Trung tâm Y tế (TTYT) huyện; 17 Trung tâm Dân số- Kế hoạch hóa gia đình; 222 xã, phường, thị trấn có y tế hoạt động (trong đó có 208 trạm y tế xã và 14 trạm y tế trung tâm cấp xã).
 
Và cho đến nay, tổng số giường bệnh toàn tỉnh tính đến năm 2010 là 3.060 giường, trong đó tuyến tỉnh: 1.040; tuyến huyện: 980 và tuyến xã: 1.040 giường. Toàn ngành Y tế tỉnh có 3.561 cán bộ y tế, trong đó, bác sĩ 530 (bác sĩ có trình độ sau đại học là 209), có 145 dược sĩ, 853 điều dưỡng. Tỷ lệ bác sĩ đang công tác tại tuyến xã đạt tỷ lệ 60%, 100% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 1.901 nhân viên y tế thôn làng. Hiện toàn tỉnh đã có 64 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, chiếm tỷ lệ 29%.
 
Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác
Việc thực hiện công tác y tế hàng năm luôn được đảm bảo, chú trọng thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, đặc biệt là tiêm chủng mở rộng, phòng- chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, phòng-chống sốt rét, sốt xuất huyết, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình… Theo đó, nhiều dịch bệnh được khống chế và đẩy lùi, từng bước khống chế các bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm; dịch hạch, dịch tả nhiều năm liền không xảy ra; tình hình mắc sốt rét và tử vong do sốt rét giảm đáng kể (năm 2000, tỷ lệ mắc sốt rét/1.000 dân là 19,1; năm 2010, giảm xuống còn 2,24). Công tác tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi được triển khai thường xuyên, đạt trên 90%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm rõ rệt, từ 42,9% (năm 2000) xuống còn 33,4% (năm 2005) và năm 2010, con số này là 25%. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản có nhiều tiến bộ với tỷ lệ phụ nữ có thai được khám đủ 3 lần tăng từ 21,4% (năm 2001) lên 75,3% (năm 2010); tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ y tế tăng từ 40% (năm 2001) lên 90% (năm 2010)…
 
 
Bên cạnh đó, các cơ sở điều trị trong toàn tỉnh đã đảm bảo duy trì tốt việc cấp cứu, khám và điều trị bệnh nhân đồng thời đã nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. 100% cơ sở điều trị đã đảm bảo cung ứng đủ thuốc chủ yếu, vật tư tiêu hao trong danh mục quy định của Bộ Y tế để phục vụ công tác điều trị. Riêng trong năm 2010, công suất sử dụng giường bệnh bình quân toàn tỉnh là 106,8%. Đến nay, hầu hết các BV, TTYT đều đã triển khai các kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng mới. Riêng TTYT huyện Đức Cơ, năm 2010 đã triển khai phòng mổ, bước đầu thực hiện thành công các trường hợp mổ cấp cứu như: U nang buồng trứng, GEU, viêm ruột thừa, mổ đẻ. Bệnh viện Đa khoa tỉnh và BV khu vực An Khê đã ứng dụng có hiệu quả thiết bị nội soi để phục vụ công tác chẩn đoán bệnh, riêng BVĐK tỉnh vẫn tiếp tục sử dụng có hiệu quả máy CT Scanner để chẩn đoán và điều trị.
 
  

Bác sĩ Phùng Xuân Quýnh- Giám đốc Sở Y tế: “36 năm sau ngày giải phóng, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tỉnh ta luôn đạt được những kết quả quan trọng. Mạng lưới y tế, nguồn nhân lực, đặc biệt là y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển. Tỉnh đã tranh thủ nhiều nguồn vốn để tăng cường cơ sở vật chất và trang-thiết bị cho các cơ sở tuyến tỉnh, huyện và trạm y tế xã, từng bước chuẩn hóa dần và đảm bảo được khả năng thực hiện các dịch vụ phòng bệnh, khám- chữa bệnh cho nhân dân.

Cùng với sự phát triển của hệ thống y tế công, các cơ sở y tế tư nhân cũng đã hình thành và có vai trò tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng dẫn người dân phòng-chữa bệnh và sử dụng thuốc an toàn, hợp lý…”.

Thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang- thiết bị y tế và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ.
 
Theo đó, cần tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát các bệnh truyền nhiễm, kịp thời khống chế và dập tắt khi có dịch xảy ra. Đầu tư trang-thiết bị và củng cố, phát triển hệ thống y tế dự phòng, ưu tiên đầu tư nâng cấp phòng xét nghiệm của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, Trung tâm Kiểm nghiệm; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, các bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS.
 
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng khám- chữa bệnh, triển khai tốt công tác khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhất là tuyến xã. Tăng cường đầu tư các trang- thiết bị hiện đại, ứng dụng những kỹ thuật mới, đồng thời đầu tư xây dựng các BV: Sản- Nhi, Tâm thần, Trung tâm Ung bướu, Trung tâm Da liễu… và tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp trang- thiết bị cho các BV tuyến huyện…
 
 
 

 

Theo Báo Gia Lai