Cần “trẻ hóa” vườn cà phê

29/04/2011 07:30 AM


Phát biểu tại Hội nghị “Đánh giá kết quả sản xuất cà phê năm 2010 và giải pháp phát triển cà phê bền vững trong thời gian tới” mới đây tại TP. Buôn Ma Thuột (Đak Lak), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Bùi Bá Bổng khẳng định: “Tất cả các nước có trồng cà phê trên thế giới đều tái canh vườn cây. Ta cũng phải làm để duy trì chất lượng vườn cây và chất lượng sản phẩm cà phê Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội nghị “Đánh giá kết quả sản xuất cà phê năm 2010 và giải pháp phát triển cà phê bền vững trong thời gian tới” mới đây tại TP. Buôn Ma Thuột (Đak Lak), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Bùi Bá Bổng khẳng định: “Tất cả các nước có trồng cà phê trên thế giới đều tái canh vườn cây. Ta cũng phải làm để duy trì chất lượng vườn cây và chất lượng sản phẩm cà phê Việt Nam”.

Trong diện tích trên 500 ngàn ha cà phê của cả nước, hiện có không ít vườn cà phê hoặc đã già cỗi do “tuổi cao sức yếu”, hoặc do điều kiện kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc không phù hợp đã cho năng suất thấp, kém hiệu quả. Những diện tích ấy cần được trẻ hóa bằng cách cưa, ghép, tạo hình  trẻ lại hoặc bằng cách củng cố trồng vườn mới. Theo đề án quy hoạch ngày 31-12-2010 của Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam thì: Có khoảng 137 ngàn ha cà phê cần được tái canh gấp, chiếm khoảng 27,4% tổng diện tích cà phê cần được tái canh trong 10 năm tới. Đây là việc làm khó khăn đối với các doanh nghiệp, các địa phương trồng cà phê bởi việc tái canh đòi hỏi đầu tư khá lớn, kỹ thuật cao.

 
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Ở Gia Lai có 77.200 ha cà phê (71.700 ha kinh doanh) thì cũng đã có đến 86% diện tích là cà phê tư nhân. Ông Văn Phú Bộ-Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai), cho biết: Tiềm lực tái canh của nông dân là rất hạn chế bởi đa phần người trồng cà phê ở đây không đủ lực-cả vốn lẫn kỹ thuật-dẫn đến việc làm bừa, việc này sẽ gây hậu quả khôn lường cho vườn cà phê trong tương lai. 


Việc trẻ hóa vườn cà phê gặp không ít khó khăn như trên, tuy nhiên không thể không làm bởi vườn cà phê đang ngày một già cỗi, xuống cấp và cho năng suất, chất lượng thấp. Năm 2010, qua nghiên cứu và tổng kết kinh  nghiệm thực tiễn của các doanh nghiệp đã thực hiện tái canh, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã có Quyết định 254/QQĐ-TT-CCN, ngày 20-7-2010, ban hành “Quy trình tái canh cà phê vối”. Quy trình này đã trình bày chi tiết tất cả các kỹ thuật về việc tái canh cây cà phê vối. Thực tế những năm qua, bên cạnh nhiều mô hình chưa thành công, đã có những mô hình cho hiệu quả cao, cụ thể là một số công ty thuộc Vinacafe.

Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai là một điển hình trong việc trẻ hóa vườn cây.  Hiện Công ty đang quản lý khoảng 1.000 ha cà phê, trong đó 320 ha phải thực hiện tái canh do già cỗi (diện tích này trồng từ những năm 1982-1986). Năm 2006, Công ty làm thử nghiệm 1 ha bằng phương pháp cắt ghép. Với phương pháp này, những năm đầu cây phát triển rất tốt vì chưa phải nuôi quả. Tuy nhiên sau đó cây xuống cấp rất nhanh bởi phải tập trung sức nuôi quả. Thêm vào đó, mầm bệnh ủ dưới đất cũ tái phát, tấn công làm cây phát triển kém. Những năm sau, Công ty mạnh dạn phá bỏ vườn cây cũ, xử lý đất, tuyển chọn giống tốt để trồng. Năm 2007, Công ty trồng 9,8 ha, năm 2008 trồng 29,38 ha, năm 2009 trồng 56,09 ha và năm 2010 thực hiện 8,28 ha. Với 1 ha tái canh bằng phương pháp cắt ghép năm 2006, sau 2 năm, thu bói chỉ đạt hơn 5 tấn/ha. Còn với vườn cây tái canh bằng phương pháp trồng mới (được tiến hành theo một quy trình hết sức chặt chẽ) năm 2007, đến nay thu bói đạt trên 10 tấn/ha.

  Công ty Cà phê 706 (đóng tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai), từ năm 2005-2010 đã trồng tái canh khoảng 180 ha cà phê. Đến nay hầu hết đều sinh trưởng và phát triển tốt, năm thứ 3 đã cho thu hoạch với năng suất 10-12 tấn tươi/ha (tương đương 2,5 tấn nhân/ha).

Như vậy, việc tái canh nhằm trẻ hóa vườn cà phê-tuy có khó nhưng không phải là không làm được. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đại Ngọc-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai thì: “Muốn trẻ hóa vườn cây phải có vốn lớn. Bằng phương pháp trồng mới, mỗi ha “ngốn” hết 142 triệu đồng cho một năm trồng mới và 2 năm chăm sóc. Số tiền này là hoàn toàn không nhỏ trong điều kiện nhiều doanh nghiệp còn hết sức khó khăn trong vấn đề tài chính. Và càng khó khăn hơn đối với nông hộ bởi đối tượng này ít vốn. Giải quyết khó khăn trên, rất cần được sự tiếp sức của Nhà nước thông qua hệ thống ngân hàng; sự hướng dẫn kỹ thuật kịp thời của các ngành chức năng.

Theo Báo Gia Lai