Cao su mùa “thay áo”

13/04/2011 08:50 AM


Như một quy luật của tự nhiên, khi đất rừng Tây Nguyên bước vào thời điểm “chính vụ” của mùa khô thì cũng là lúc cây cao su thay lá để khoác lên mình “chiếc áo” mới; trẻ khỏe và tràn đầy sức sống hơn. Đối với những người lính công nhân Binh đoàn 15, đây cũng chính quãng thời gian tạm ngừng việc khai thác mủ để tập trung làm công tác dân vận, với niềm mong mỏi góp thêm công sức của mình dệt nên những “chiếc áo” mới nơi thôn, làng…

Như một quy luật của tự nhiên, khi đất rừng Tây Nguyên bước vào thời điểm “chính vụ” của mùa khô thì cũng là lúc cây cao su thay lá để khoác lên mình “chiếc áo” mới; trẻ khỏe và tràn đầy sức sống hơn. Đối với những người lính công nhân Binh đoàn 15, đây cũng chính quãng thời gian tạm ngừng việc khai thác mủ để tập trung làm công tác dân vận, với niềm mong mỏi góp thêm công sức của mình dệt nên những “chiếc áo” mới nơi thôn, làng…
 
 
Công tác dân vận xây dựng địa bàn đối với các đơn vị lực lượng vũ trang luôn được xem là nhiệm vụ thường xuyên, yêu cầu người cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở phải thực hiện được… “nhiều cùng” với nhân dân. Quanh năm bám lô, bám vườn, bám địa bàn vừa lao động sản xuất, vừa công tác dân vận, hơn ai hết những người lính công nhân  Binh đoàn 15 thấu hiểu bà con cần gì ở mình. Gần 150 ngôi làng đồng bào dân tộc thiểu số trải dọc hơn 300 cây số đường biên giới trên địa bàn Tây Nguyên từ lâu đã trở thành địa chỉ thân quen của các công ty, đơn vị trực thuộc.
 
 
Đại tá Đỗ Văn Sang-Giám đốc Công ty 75 và Chỉ huy Đội sản xuất trò chuyện với nhân dân. Ảnh: T.K.N
Đại tá Đỗ Văn Sang- Giám đốc Công ty 75 và Chỉ huy Đội sản xuất trò chuyện với nhân dân. Ảnh: T.K.N
Đặc biệt kể từ ngày phong trào kết nghĩa đỡ đầu giữa hộ gia đình công nhân người Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ phát triển sâu rộng, công tác dân vận của người lính Binh đoàn 15 được nâng lên một tầm cao mới. Đây có thể xem là bước phát triển của chủ trương “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện, Công ty gắn với huyện, xã, đội sản xuất gắn với thôn, làng” được đặt ra ngay từ những ngày đầu mới được thành lập. Giờ đây, cái chủ thể nhỏ nhất mà quan trọng nhất ấy được gắn kết lại với nhau tạo thêm một mô hình dân vận khéo, thực hiện được “nhiều cùng” với bà con: Cùng ăn, cùng ở, cùng nói, cùng làm, cùng vui chơi, chia sẻ và thậm chí là cùng góp vốn đầu tư để cùng nhau phát triển. Tính đến nay đã có trên 4.300 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tham gia vào dự án của Binh đoàn, trong số này có gần một nửa số hộ tổ chức kết nghĩa với công nhân người Kinh.
 
 
Sau một thời gian dài dìu dắt hỗ trợ nhau trong cuộc sống, gia đình anh Nguyễn Văn Quyến và Rơ Mah Síu ở Đội 16- Công ty 74 quyết định làm giàu bằng cách cùng góp vốn đầu tư trồng và chăm sóc 2 ha cao su tiểu điền. Với vốn kinh nghiệm và kỹ thuật tích lũy hàng chục năm tham gia vào dự án, cộng với yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nên vườn cao su của hai gia đình phát triển tốt, bước đầu có những tín hiệu rất lạc quan. Cũng từ vườn cao su này, việc chuyển giao kỹ thuật cho bà con trong làng cũng trở nên thuận lợi hơn và từ đây gợi mở cách làm ăn mới cùng góp vốn đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình- một lợi thế to lớn tại các vùng nông thôn biên giới mà hiện tại vẫn còn nằm ở dạng tiềm năng.
 
 
Trò chuyện với chúng tôi, Rơ Mah Síu vui vẻ cho biết: “Nhờ có phong trào kết nghĩa mà chúng tôi có điều kiện gần gũi giúp đỡ nhau nhiều hơn. Nhiều hộ gia đình trong làng mình được anh chị em công nhân hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, cây con giống, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, vườn cây ăn quả, trồng rau xanh... Trẻ em trong làng bỏ học cũng được công nhân của Công ty đến vận động khuyên bảo trở lại trường lớp. Một số tập tục lạc hậu, thói hư tật xấu cũng được đẩy lùi. Đồng bào Kinh, Jrai trong làng, trong xã đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng đời sống văn hóa mới”.
 
 
Mùa cao su “thay áo” là mùa của những người lính công nhân Binh đoàn 15 đẩy mạnh công tác dân vận xây dựng địa bàn cho tình quân dân nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới nở rộ và bền vững trong tình đoàn kết dân tộc. Những ngày cao điểm mùa khô này tại Công ty 75, một trong những nơi khởi nguồn của phong trào “Gắn kết hộ gia đình” công tác dân vận tựa như bức tranh đa sắc màu, với hàng loạt các chương trình hành động cụ thể thiết thực. Trên địa bàn 46 thôn, làng thuộc 3 huyện biên giới: Đức Cơ, Ia Grai và Chư Prông, các hoạt động tập huấn bồi dưỡng nâng cao tay nghề, chuyển giao kỹ thuật cho công nhân người dân tộc thiểu số tại chỗ, sửa chữa nâng cấp cầu, đường giao thông nội vùng, xây dựng nhà rông văn hóa, khu giải trí thể thao, nạo vét kênh mương, hỗ trợ lương thực thực phẩm, trợ giúp y tế, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao... đang “chạy đua” cùng người lính.
 
 
Đại tá Đỗ Văn Sang- Giám đốc Công ty 75 vui vẻ cho biết: “Năm 2010, các chỉ tiêu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Công ty đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, riêng mức thu nhập bình quân đã đạt đến con số trên 6,2 triệu đồng/người/tháng. Đây là cơ sở giúp cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên và người lao động trong toàn Công ty an tâm bám sát địa bàn để thực hiện tốt công tác dân vận, mang nhiều niềm vui hơn nữa đến với bà con nhân dân. Từ những kết quả đạt được trong sản xuất kinh doanh, Công ty đã hỗ trợ nguồn kinh phí gần 2,3 tỷ đồng phục vụ công tác dân vận, xây dựng địa bàn”.
 
 
Theo chân người lính Công ty 75 làm công tác dân vận suốt từ ngày cây cao su vẫn còn trắng non màu lá, ông Rah Lan Vinh- già làng Sung, xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ) thấu hiểu tình cảm của Bộ đội Cụ Hồ dành cho buôn làng mình. Theo ông, tình cảm đó được nâng niu và giờ đây đã bám rễ vững chắc như cây kơnia cổ thụ tỏa bóng mát giữa đại ngàn. Giá trị bền vững của tình quân dân được trải nghiệm và đúc kết suốt một quá trình dài mà ở đó công sức của người lính thật khó có thể đưa ra con số ước lượng.
 
 
Trò chuyện với chúng tôi tại buổi lễ tổng kết công tác dân vận năm 2010 do Công ty 75 tổ chức mới đây, già làng Rah Lan Vinh tự tin cho biết: “Ở đâu có vườn cao su của bộ đội là ở đó có điện, đường, trường học, trạm y tế giúp phục vụ tốt nhu cầu cuộc sống người dân trong buôn làng”.

Theo Báo Gia Lai