Hội Phụ nữ xã Đông: “Nhiều người giúp một người”

31/03/2011 07:10 AM


Trong những năm qua, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình được chị em trong Hội Phụ nữ xã Đông (huyện Kbang, Gia Lai) đồng tình hưởng ứng. Với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả.

Trong những năm qua, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình được chị em trong Hội Phụ nữ xã Đông (huyện Kbang, Gia Lai) đồng tình hưởng ứng. Với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả.
 
 
Chị Vũ Thị Ngân- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông cho biết: Hội Phụ nữ xã có 11 chi hội với 876 hội viên. Trước đây, cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn do chỉ biết phát rừng làm nương, thuần canh lúa nương và bắp, chăn nuôi gia súc theo kiểu thả rông nên năng suất thấp; cuộc sống bấp bênh, nghèo đói. Thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, Hội phụ nữ xã giúp nhau thay đổi tập quán sản xuất, cây trồng, vật nuôi theo hướng năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Để mọi hội viên có thể tham gia chuyển dịch cây trồng vật nuôi, các chi hội phân công 2 đến 3 hội viên khá giúp đỡ một hội viên nghèo. Nhờ cách làm này, tất cả số hội viên nghèo trong thôn đều được hỗ trợ giống, vốn, sức kéo, công lao động... để phát triển kinh tế gia đình.
 
 
Một buổi tuyên truyền của Hội Phụ nữ xã. Ảnh: Thanh Long
Một buổi tuyên truyền của Hội Phụ nữ xã. Ảnh: Thanh Long
Hội còn phối hợp với cơ quan khuyến nông huyện, tỉnh xuống tận thôn, làng mở lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chăn nuôi. Hiện Hội quản lý 10 tổ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với 384 thành viên, với số vốn vay 7,672 tỷ đồng. Để giúp số chị em này thoát nghèo, chi hội phụ nữ thôn đã tập trung hỗ trợ dứt điểm từng chị em theo phương châm “nhiều người giúp một người”, giúp heo giống, giúp công lao động... Tiêu biểu như hộ chị Hương ở thôn 7, nhà có 4 khẩu rất khó khăn, không có nhà để ở... Năm 2003, chị được vay vốn 7 triệu đồng từ nguồn vốn lồng ghép dân số với tín dụng gia đình để mua bò sinh sản, năm 2006 vay thêm 7 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đầu tư trồng mía, mì. Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo, đời sống ổn định, đến nay đã làm được nhà và mua sắm một số đồ dùng sinh hoạt có giá trị.
 
 
Trong những năm qua, Hội còn duy trì tốt công tác kết nghĩa đỡ đầu giữa chi hội phụ nữ ở các thôn Kinh với chi hội dân tộc Bahnar ở các làng. Qua công tác kết nghĩa đỡ đầu đã giúp các chi hội dân tộc thiểu số có điều kiện giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về công tác củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động, phương pháp vận động giáo dục phụ nữ, tăng cường tình đoàn kết, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế.
 
 
Trao đổi ý kiến về kinh nghiệm xóa nghèo, chị Ngân cho biết thêm: Trong những năm qua, Hội đã quản lý tốt nguồn vốn vay, duy trì hoạt động của 11 tổ tín dụng-tiết kiệm với 605 thành viên tham gia, số vốn tiết kiệm trong một quý được 32 triệu đồng, cho 16 thành viên vay vốn. Vốn cho hội viên là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn là 59 triệu đồng cho 13 hộ vay để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thông qua hoạt động đó,  đã có rất nhiều  hội viên thoát nghèo.
 
 
Ngoài ra, Hội  quản lý tốt  nguồn vốn vay “Ô dinh dưỡng”  hỗ trợ cho gia đình có trẻ suy dinh dưỡng. Duy trì hoạt động các câu lạc bộ phát triển kinh tế ở các thôn, làng và nhân rộng phong trào “ Hũ gạo tình thương” và “Hũ tiền tiết kiệm”, toàn xã Đông đã có 450 hũ gạo tiết kiệm, số gạo tiết kiệm được 475 kg giúp cho chị em nghèo, khó khăn. Xây dựng được 619 hũ tiền tiết kiệm hỗ trợ cho 3 phụ nữ nghèo với số tiền 1.700.000 đồng. Duy trì 2 mô hình Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 với 60 thành viên tham gia thực hiện tốt công tác dân số-KHHGĐ, vận động nhân dân trong làng, trong thôn thực hiện chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong công tác dân số-KHHGĐ. Xây dựng 1 Câu lạc bộ tư vấn và tuyên truyền pháp luật để vận động có hiệu quả phong trào nhân dân thực hiện tốt công tác dân số-KHHGĐ, hiểu biết về pháp luật của Nhà nước, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”.
 
 
Ông Nguyễn Hữu Na-Bí thư Đảng ủy xã Đông đánh giá rất cao các hoạt động của tổ chức Hội trong việc góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở xã Đông, đặc biệt là đã giúp rất nhiều gia đình người dân tộc Bahnar ở các làng vốn trước đây rất nghèo, lạc hậu nay đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.
 
 
Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ xã Đông tiếp tục phát huy vai trò định hướng và cầu nối hỗ trợ hiệu quả để giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, xóa nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, Hội cũng đang cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, đoàn thể để thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo hiệu quả và bền vững.

Theo Báo Gia Lai