Đất lành Ia Hrung

21/03/2011 09:10 AM


Xã Ia Hrung (huyện Ia Grai, Gia Lai) bây giờ bạt ngàn cà phê, cao su, hồ tiêu… cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/hộ/năm. Đây là vùng đất trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, gánh chịu nhiều hậu quả chiến tranh.

Xã Ia Hrung (huyện Ia Grai, Gia Lai) bây giờ bạt ngàn cà phê, cao su, hồ tiêu… cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/hộ/năm. Đây là vùng đất trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, gánh chịu nhiều hậu quả chiến tranh.
 
 
Xã có 12 thôn làng, trong đó có 7 thôn người Kinh và 5 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, nơi đây là các điểm kinh tế mới theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước. Những người dân ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương về đây định cư, thổi một luồng sinh khí mới, tạo nên một vùng chuyên canh cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Cùng với các chính sách hỗ trợ định canh định cư của Nhà nước những nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, phương thức sản xuất mới trong nông nghiệp đã tạo nên một vùng quê trù phú. Toàn xã có 1.993 ha cà phê, hàng trăm ha cao su tiểu điền, tiêu, 200 ha lúa nước 2 vụ. 2 thôn Thanh Hà 1 và Thanh Hà 2 vừa trồng cây công nghiệp vừa thành lập vùng chuyên canh rau xanh mang lại giá trị kinh tế cao.
 
 
 Chị Lê Thị Liên, thôn Thanh Hà 1 chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: Đ.Y
Chị Lê Thị Liên, thôn Thanh Hà 1 chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: Đ.Y
Kết quả định hình trên mảnh đất hào hùng càng nhắc chúng ta trân trọng quá khứ gian khổ mà anh hùng. Ông Ksor Hiếu- nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ia Hrung, hiện đang sống ở làng Me, là du kích những năm 1967-1968, Tiểu đội trưởng rồi Xã đội trưởng B15 (xã Ia Dêr hiện nay)-kể lại: “Đất này kiên cường lắm. Là khu vực “bình định”, đồn bốt ấp chiến lược, nhưng rồi bằng cách này, cách kia, bà con tìm cách thoát ra khỏi vòng vây chiến lược vào sống trong rừng để sản xuất, chiến đấu. Mỗi người dân là một du kích, nuôi giấu cán bộ, vững lòng tin vào Đảng, Bác Hồ. Năm 2000, xã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

 
 
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Puih Ping, ở làng Mái. Ngồi trong căn nhà khang trang, ông kể lại quá trình bứt phá vươn lên làm giàu của gia đình: “Tôi khai hoang đồng ruộng, sản xuất lúa nước, trồng cà phê, hoa màu, lấy ngắn nuôi dài…, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Hiện nay, gia đình tôi thu nhập từ cây cà phê, tiêu, bò mỗi năm hơn 100 triệu đồng”. 
 
 
Gia đình anh Lê Văn Vinh và chị Lê Thị Liên, ở thôn Thanh Hà 1 trước đây vốn là hộ nghèo nhưng giờ anh chị vừa xây xong căn nhà hơn 1 tỷ đồng, mỗi năm thu từ cà phê, tiêu lên tới tiền tỷ.
 
 
Ông Ngô Duy Huyến- Chủ tịch UBND xã cho biết: Kế hoạch lâu dài của xã là xây dựng vùng chuyên canh sản xuất cây hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, chăn nuôi theo hướng tập trung trang trại… Tận dụng diện tích ao hồ để nuôi trồng thủy sản. Xã có 7 hồ chứa nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp, là thế mạnh để tạo nên một vùng đất trù phú, phì nhiêu.

Theo Báo Gia Lai