Tây Nguyên mùa Ning nơng

07/03/2011 08:20 AM


Tháng này đang mùa lễ hội dân gian trên khắp nước ta. Phía Bắc thì có đền Trần, Yên Tử, Hoàng Mười, Linh tinh tình phộc, Bà chúa Kho, cướp phết, hội Gióng, Phủ Dầy..., phía Nam thì bà chúa Xứ, núi Sam...

Tháng này đang mùa lễ hội dân gian trên khắp nước ta. Phía Bắc thì có đền Trần, Yên Tử, Hoàng Mười, Linh tinh tình phộc, Bà chúa Kho, cướp phết, hội Gióng, Phủ Dầy..., phía Nam thì bà chúa Xứ, núi Sam...
 
 
Thực ra, Giáo sư Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh- Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam không gọi là lễ hội. Ông cho rằng chỉ có hội thôi, dân gian gọi là đám. Làng tôi vào đám, làng tôi đóng đám... Dân rủ nhau cũng đơn giản là đi hội này hội nọ không chứ không trịnh trọng lễ hội như các nhà nghiên cứu. Ông cho rằng lễ là do các nhà văn hóa sau này thêm vào chứ với nhân dân, đơn giản chỉ có hội mà thôi.
 
 
Ảnh: Minh Dưỡng
Ảnh: Minh Dưỡng
Tây Nguyên cũng bắt đầu vào mùa Ning nơng. Sau mùa rẫy, sau mùa mưa, người Tây Nguyên làm hội. Đấy là những tháng ngày ăn năm uống tháng. Hầu như mọi biến dịch trong đời người, đời cây ở Tây Nguyên đều được hành lễ, rồi từ lễ ấy mà nên hội. Mấy hội lễ lớn ở Tây Nguyên là Cơm mới (ăn cốm), tiếng Bahnar là Sa mơk, tiếng Jrai là Huă axơi mrăo,  Pơ thi (hoă lui pơxat) người Kinh hay gọi là bỏ mả...

 
 
Chúng tôi đã nghe rất nhiều người có trách nhiệm giới thiệu rằng đây là “lễ hội cồng chiêng”, “lễ hội đâm trâu”?... trong khi thực ra cồng chiêng, ăn trâu là một thành tố của một hội nào đó chứ nó không riêng rẽ là một lễ hay hội. Bất cứ một việc nào mang yếu tố lễ, hội là đều có chiêng tham gia vào với tư cách vừa là một yếu tố tâm linh vừa mang yếu tố giải trí. Ngược lại ăn trâu chỉ xuất hiện khi có các việc lớn của làng như khánh thành nhà rông, mừng chiến thắng... Xoang là múa, thế mà rất nhiều nhà báo vẫn say sưa miêu tả “nhân dân múa xoang mừng đổi mới”, cũng như Plei là làng mà nhiều người có trách nhiệm vẫn “làng Pleiku Roh”...
 
 
Hội, lễ hội là của dân, do dân tổ chức ra từ chính nhu cầu thực tại của họ. Đang có hiện tượng là Nhà nước làm thay nhân dân và đấy chính là yếu tố làm nó biến tướng, vì những người được giao tổ chức, nhiều khi nhảy vào “đạo diễn” các lễ hội dân gian theo ý của mình, theo hiểu biết lơ mơ của mình. Những người này phần lớn rất lười nghiên cứu, chỉ đọc loảng thoảng rồi cóp nhặt vào.
 
Có người lễ hội nào cũng nhảy vào đạo diễn hoặc xí phần tổ chức. Thế nên nhiều lễ hội dân gian mà cứ na ná nhau. Tây Nguyên thì thế nào cũng vòng tròn cồng chiêng có đội xoang phụ họa, có đống lửa, có rượu ghè mời khách, có hú hét... mấy gương mặt quá quen bao giờ cũng dẫn đầu đánh trống, mấy đứa trẻ bé choắt mới được phát hiện tiếp theo. Thiếu nữ thì đeo gùi, đàn ông thì lông cài đầu, chứng tỏ mình văn minh thì bện khố ra ngoài... quần đùi. Cận cảnh hơn thì lắc vai lắc mông hoặc brem bram... tất cả những điều ấy được dẫn dắt trên giọng đọc giới thiệu véo von của người dẫn chương trình mà nhiều khi là... sai bét. Chỉ có được đắm mình trong nhân dân, được diễn ra trên chính mảnh đất đã sinh ra nó, hội và lễ hội dân gian mới sống, tồn tại đúng bản chất của mình. Và tất nhiên, cùng với sự phát triển của lịch sử, của thời đại, cái nào nhân văn, tiến bộ, có lợi cho dân làm phong phú cho đời sống tinh thần của dân thì nó tồn tại, còn không thì nó tự triệt tiêu. Dù có cấm nhưng nếu có lý và dân đồng tình thì nó vẫn âm ỉ trong đời sống, còn cứ cố khuếch trương nhưng nếu nhân dân không ủng hộ thì lễ hội ấy sẽ chết hoặc bị biến tướng.
 
 
Và, nói dẫu gì thì các lễ hội dân gian vẫn phát triển, vẫn song hành với đời sống hôm nay...
 
 
Tháng này Tây Nguyên mây ngăn ngắt xanh, nắng sánh như mật rót, pơ lang miên man nở, dã quỳ tạm dụi màu vàng bất tử đi để ngơ ngác lá miệt mài biếc..., và các làng rậm rịch vào hội. Hội ở Tây Nguyên khác hội ở các vùng người Kinh. Nó đơn lẻ của từng làng, từng cộng đồng chứ không miên man rộng lớn như của người Kinh. Tất nhiên cũng có những hội mà có sự hiện diện của các làng lân cận. Ngày xưa người ta dùng tiếng chiêng mời nhau, bây giờ thì điện thoại, xe máy. Các làng đến góp hội thường là một đội chiêng kèm xoang, các ghè rượu và đôi khi cả những con heo hoặc bò.
 
 
Những cái hội tự phát của làng ấy, nó vừa vui vừa đầm ấm và tự nhiên dân dã, hòa nhập một cách hữu cơ với núi với rừng với người với cảnh, với tâm linh và truyền thống ngàn đời của nhân dân.
 
 
Xin lại trích ra đây ý kiến của Giáo sư Tô Ngọc Thanh để kết thúc bài viết này: “Còn như bây giờ, chính những người làm văn hóa lại góp phần “cải biên” hội cổ truyền thì còn nói được ai? Người soạn văn bản luật quy định về hoạt động văn hóa lại không hiểu rõ văn hóa. Cấm đủ thứ chuyện không đáng cấm thì làm sao có thể chấn chỉnh được hoạt động lễ hội? Xin hãy trả lại quyền sáng tạo văn hóa cho người dân và hãy trở về học dân xem họ hiểu thế nào là hội!”...

Theo Báo Gia Lai