Nỗi niềm y tế vùng sâu

26/02/2011 07:25 AM


“Ai cũng muốn ở thành phố thì lấy đâu ra người để chăm lo sức khỏe cho người dân ở vùng sâu, vùng xa”- đó là lời tâm sự chân thành của chị Nguyễn Thị Lý- Trưởng trạm Y tế xã Đak Pling (huyện Kông Chro, Gia Lai).

“Ai cũng muốn ở thành phố thì lấy đâu ra người để chăm lo sức khỏe cho người dân ở vùng sâu, vùng xa”- đó là lời tâm sự chân thành của chị Nguyễn Thị Lý- Trưởng trạm Y tế xã Đak Pling (huyện Kông Chro, Gia Lai).
 
 
Câu chuyện Đak Pling
 
 
Đoạn đường 40 km từ trung tâm huyện Kông Chro đến xã Đak Pling là “cực hình” đối với những cán bộ đang công tác tại đây, càng khó hơn với những cán bộ y tế bởi ngoài việc mang vác những vật tư y tế cần thiết phục vụ công tác khám- chữa bệnh cho nhân dân họ còn đảm nhận việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên khi gặp những ca bệnh khó.
 
 
Chị Nguyễn Thị Lý- Trưởng trạm Y tế xã bộc bạch: “Dù mọi người đã chuẩn bị tâm lý trước khi về nhận công tác tại đây nhưng đến rồi mới biết là có quá nhiều khó khăn. Nào chuyện ăn ở, nơi khám-chữa bệnh, nhưng điều làm mọi người ngại nhất là việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên”.
 
 
Khám bệnh cho người dân xã Đak Pling. Ảnh: Nguyễn Giác
Khám bệnh cho người dân xã Đak Pling. Ảnh: Nguyễn Giác
Chị nhớ lại: “Hôm ấy, có một bệnh nhân bị đau nghi do viêm ruột thừa, trời lại mưa bão, chúng tôi phải đến từng nhà gọi các thanh niên khỏe mạnh để cùng đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Rất may bệnh nhân được đưa đến kịp thời sau hơn 10 giờ, được gần hai chục người thay nhau cõng đi liên tục”.
 
 
Từ ngày có trạm y tế xã, ý thức chăm lo sức khỏe của mỗi người dân được nâng cao, mỗi khi trong làng có người đau ốm đều được người thân đưa đến trạm để khám, cấp thuốc điều trị hoặc sớm chuyển viện trước khi bệnh quá nặng.
 
 
Bên cạnh việc túc trực ngày đêm chăm lo sức khỏe cho nhân dân trong vùng và cùng nhau triển khai hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế tại xã thì các cán bộ y tế tại đây (2 điều dưỡng và 1 y sĩ) lập kế hoạch thay nhau về huyện báo cáo (do chưa có mạng viễn thông), nhận thuốc và các vật tư y tế cần thiết. Đây cũng là lúc họ tranh thủ ghé thăm nhà.
 
 
“Điều chúng tôi quan tâm nhất hiện nay là khi nào trạm sẽ có bác sĩ về phụ trách, khi đó nguồn thuốc được phân theo danh mục dành cho bác sĩ sẽ được bổ sung, những ca bệnh tương đối nặng sẽ được chữa trị khi đường đến trung tâm huyện còn quá khó”- chị Lý cho biết thêm.
 
 
Bác sĩ “cắm xã”
 
 
Theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 3.561 cán bộ y tế. Trong đó số có 530 bác sĩ (209 bác sĩ có trình độ sau đại học), tỷ lệ bác sĩ đang công tác tại tuyến xã là 60% và trong năm 2011 con số này sẽ được nâng lên mức 65%. So với quy định, toàn ngành còn thiếu gần 400 bác sĩ.
 
 
Dù là xã xa nhất, nhưng điều luôn làm cho hơn 300 hộ dân sinh sống tại xã Kon Pne (huyện Kbang) yên tâm là có bác sĩ trực tiếp khám-chữa bệnh cho dân.
 
 
Bác sĩ Phan Văn Đôn- Trưởng trạm Y tế xã Kon Pne bày tỏ: “Do tính chất công việc nên nhiều khi cả tháng anh em đang công tác tại trạm mới về thăm nhà một lần. Điều này cũng không phải là chuyện đáng quan tâm bằng việc tại trạm hiện nay còn thiếu một số thiết bị chuyên khoa cần thiết như máy siêu âm phục vụ cho việc chẩn đoán điều trị ngay tại cơ sở và công tác đào tạo bồi dưỡng”.
 
 
Nhận xét về các y- bác sĩ đang làm việc tại xã, anh Đinh A Ngô- giáo viên Trường Tiểu học- Trung học cơ sở Kon Pne cho biết: Việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân trong xã luôn được các cán bộ tại trạm y tế quan tâm. Đối với những người già và trẻ em, cán bộ y tế đến tận nơi để thăm khám.
 
 
Không chỉ ở Đak Pling hay Kon Pne, tại nhiều xã vùng sâu ở Gia Lai, một đội ngũ cán bộ y tế đang ngày đêm bám thôn làng tận tình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân với tấm lòng “Lương y như từ mẫu”.

Theo Báo Gia Lai