Vượt suối mang chữ về buôn

25/02/2011 07:46 AM


Ngược về cánh tả suối Ia Rsai, buôn Ia Rsai, xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, Gia Lai) là Trường Tiểu học Ia Rsai- nơi các thầy- cô giáo trẻ nhiều năm liền miệt mài như con ong cần mẫn đưa con chữ về buôn.

Ngược về cánh tả suối Ia Rsai, buôn Ia Rsai, xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, Gia Lai) là Trường Tiểu học Ia Rsai- nơi các thầy- cô giáo trẻ nhiều năm liền miệt mài như con ong cần mẫn đưa con chữ về buôn.
 
 
Trong cái nắng gắt của mùa khô hạn, suối Ia Rsai nước còn lấp xấp nửa gối. Tạt hai bên bờ là dải cát lầy. Một thoáng chùn bước rồi chúng tôi theo người đi đường, xe cài số một vào hết ga vượt suối. Điểm trường chính nằm ngay đầu buôn, qua hết suối là chạm cổng trường, ngoài điểm trường chính còn 8 điểm trường lẻ nằm rải rác trên 8 thôn, buôn của xã, trong đó 6 điểm trường muốn đến nơi phải vượt qua suối. Riêng điểm trường buôn E Kia, khó khăn còn nhân đôi khi phải vượt suối hai lần và nằm tận cùng trong xã.
 
 
Cô giáo Quyên thường xuyên bị ngã xe khi vượt suối đến trường. Ảnh: Hồng Sơn
Cô giáo Quyên thường xuyên bị ngã xe khi vượt suối đến trường. Ảnh: Hồng Sơn
Con suối đã tạo ra sự trắc trở và đằng sau đấy chứa nhiều kỷ niệm trong hành trình đưa chữ về buôn. Tập thể 45 cán bộ, nhân viên, giáo viên của trường chỉ có 5 người địa phương, các giáo viên còn lại tề tựu về trường từ mọi miền đất nước, trong đó có 18 giáo viên nữ.
 
 
Kỷ niệm đầy ăm ắp trong quá trình giảng dạy tại trường, cô giáo trẻ Dương Thị Quyên nhớ lại: “Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, sinh ra tại Thanh Hóa, chưa một lần đặt chân lên vùng đất Gia Lai, nhưng mình tình nguyện về trường. Những ngày đầu mình luôn phải vật lộn trong cuộc chiến giữa bám trụ và rời bỏ. Một năm bám trường vừa qua, mất 2 tháng tập lái xe máy, vô số lần té ngã, mang cả gấu quần ướt sũng nước đứng trên bục giảng, rồi cũng dần thích nghi với mỗi lần qua suối đến trường. Hành trang đến trường chỉ là những bộ đồ đơn giản, những ngày lễ muốn diện bộ áo dài cũng phải bọc vào túi ni lông mang đến trường. Tưởng chừng khó khăn quật ngã ý chí con người, ấy vậy mà sau một năm lại càng thêm yêu và gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây. Tự hào nhất khi mình đã cống hiến cho một xã vùng III khó khăn là tình cảm chân thành của học sinh nơi đây đã tạo niềm tin và tình yêu với công việc mà mình đang gắn bó”.
 
 
Thâm niên như thầy Kpă Thiu còn nhiều điều để kể về ngôi trường mình đang công tác. Đặt chân về trường từ ngày đầu thành lập (năm 1995), hành trình theo thời gian đã khắc lên nhiều kỷ niệm trong tâm trí. Vui có, buồn có, đôi lúc dở khóc dở cười, thầy Thiu nhớ lại: “Khi mới về trường điều đáng nói không phải là sự cách trở trên đường đến trường mà là học sinh nơi đây. Trước ngày trường thành lập, các em chỉ học tại các điểm tạm bợ, trong khi học phải kéo bàn chạy theo bóng râm của cây. Các em không quen với những phương pháp giảng dạy mới nên thầy cô phải học lại từ các thầy-cô giáo cũ rồi xen kẽ các kỹ năng mới truyền đạt cho các em.
 
Còn nhiều cái đau đáu khác như học sinh tiểu học lúc bấy giờ có em tới mười sáu, mười bảy tuổi. Mùa nước lớn các thầy cô chỉ dám cõng những em còn bé, các nữ sinh lớn tuổi, thầy trò nhìn nhau cười rồi cùng lội qua suối. Có bữa mặc quần đùi tới trường, sau đó mới thay đồ để đứng lớp. Oái oăm nhất là tình trạng bị “tháo vặt” các linh kiện của xe. Nhiều bữa nước to phải đi đò sang suối để đến trường, xe để lại tại bãi cát bên này suối, khi ra về nhiều linh kiện đã “không cánh mà bay” phải dắt bộ hàng mấy cây số. Đó là những lúc có đò, còn không có đò thì tệ hơn, thầy trò đứng hai bên bờ suối nhìn nhau rồi ra về, buổi học phải chuyển qua dạy bù vào ngày thứ bảy. Nhắc đến chuyện xe bị nước vào chết máy phải dắt bộ đó là chuyện cơm bữa của chúng tôi”.
 
 
Một tiết học tại Trường Tiểu học Ia Rsai. Ảnh: Hồng Sơn
Một tiết học tại Trường Tiểu học Ia Rsai. Ảnh: Hồng Sơn
“Dù khó khăn nhưng tập thể giáo viên nơi đây vẫn yêu quý mái trường của mình, yêu nghề và yêu học trò”- Hiệu trưởng nhà trường- Chu Sỹ Lin nhận định. Những kết quả mà trường đạt được trong những năm vừa qua là sự cố gắng của cả tập thể thầy và trò nhà trường.
 
 
Tỷ lệ giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện từ 1 giáo viên năm học 2008-2009 đã tăng lên 3 giáo viên vào năm sau và năm nay có 5 giáo viên chuẩn bị dự thi. Tỷ lệ duy trì sĩ số tăng trung bình 1% qua các năm, hiện tại trường có 731 em đang theo học, trong đó 662 em là người dân tộc thiểu số. Học sinh giỏi của trường qua các năm đều tăng, kết thúc năm học vừa rồi, trường có 57 em đạt danh hiệu học sinh giỏi, chiếm 7,9% và tăng 10 em so với năm học trước.
 
 
Bên cạnh đó tỷ lệ học sinh yếu cũng giảm dần qua từng năm, năm học vừa qua con số này đã giảm 3%... Điều đó cho thấy, chính tình yêu và sự gắn kết của thầy trò đã làm nên chất xúc tác cho sự phát triển của trường cả về quy mô và chất lượng giáo dục…
 
 

Theo Báo Gia Lai