Người giữ nhiều cổ vật của đồng bào dân tộc thiểu số

22/02/2011 07:59 AM


Nghe nhiều người kể chuyện sưu tầm cổ vật, tôi cứ nghĩ đến những đại gia dư giả tiền bạc, nhà cửa khang trang, thế nhưng khi tìm đến anh Nguyễn Văn Hưng ở làng Thái, xã Ia Kly (huyện Chư Prông) thì hoàn toàn ngược lại. Nhà thấp, vách ván tạm bợ, mọi thứ trong nhà tuềnh toàng, duy chỉ có hơn 1.500 cổ vật mà anh sưu tầm được là quý nhất.

Nghe nhiều người kể chuyện sưu tầm cổ vật, tôi cứ nghĩ đến những đại gia dư giả tiền bạc, nhà cửa khang trang, thế nhưng khi tìm đến anh Nguyễn Văn Hưng ở làng Thái, xã Ia Kly (huyện Chư Prông) thì hoàn toàn ngược lại. Nhà  thấp, vách ván tạm bợ, mọi thứ trong nhà tuềnh toàng, duy chỉ có hơn 1.500 cổ vật mà anh sưu tầm được là quý nhất.
 
 
Một bảo tàng tại gia đình. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Một bảo tàng tại gia đình. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Đã nghe nhiều người kể về anh, về cái sở thích khác người khi cầm cố tài sản, lao động kiệt sức để kiếm tiền mua những cổ vật của người dân tộc thiểu số chỉ để cho người ta ngắm. Đến lúc gặp anh, nghe anh kể về cái sở thích khác người của mình tôi lại càng ngạc nhiên hơn.
 
 
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tuyên Quang, vì mưu sinh anh tìm vào huyện Chư Prông để lập nghiệp. Ở vùng đất mới, anh khám phá thêm nhiều thứ, trong đó tâm đắc nhất là văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Với anh mỗi cái chiêng, ché, vòng đeo tay của dân tộc bản địa hàm chứa cả một kho tàng văn hóa mà không phải ai cũng khám phá ra.
 
 
Đượm buồn, anh tâm sự: “Bây giờ những ché, chiêng cổ, hay vòng tay của người dân tộc thiểu số đã dần mai một, nhiều người trẻ đã không hiểu được giá trị của nó. Tôi đi mua và đổi lại nhưng không có ý định bán đi mà lưu giữ để con cháu hiểu được vốn quý truyền thống xưa. Cũng chính vì tâm nguyện như vậy nên anh đã bỏ công sức đi tìm”.
 
 
Chiếc chiêng có đường kính 1,3 mét. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Chiếc chiêng có đường kính 1,3 mét. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Sự trăn trở cùng với niềm đam mê sẵn có nên anh đã cất công đi khắp các làng để sưu tầm. Những lúc tìm được vật quý, anh lại chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi để kiếm tiền mua về. Trong câu chuyện kể với tôi, anh không quên nhắc đến người vợ chịu nhiều khổ cực vì thú đam mê khác người của chồng.
 
 
Hiện gia đình anh Hưng có hơn 1.500 cổ vật, trong đó nhiều cổ vật cực kỳ quý hiếm. Nhà anh có 5 bộ chiêng cổ gần 100 cái, đặc biệt có một cái chiêng đường kính hơn 1,3 mét. Nhiều người cho rằng đây là cái chiêng to và cổ còn sót lại ở Gia Lai. Anh cũng đổi được hàng chục cái ghè cổ, có cái đến hàng trăm năm tuổi, hay những vật dụng dùng để đào củ, chẻ củi của người Bahnar, Jrai xưa… Anh kể rằng nhiều thứ khi có được vẫn chưa hiểu hết tính năng, chỉ đến khi đưa về nhà nghiên cứu và tìm hiểu thêm thì mới biết giá trị của nó.
 
 
Nhà anh có hơn trăm cái còng mà thiếu nữ xưa dùng đeo cổ tay hay cổ chân, hay như thanh kiếm cổ anh đổi bằng cả con bò của một gia đình ở huyện Chư Prông. Khi tìm hiểu anh mới biết đây là thanh kiếm của một vị tộc trưởng người Jrai xưa. Thanh kiếm này cùng con voi, cái tẩu dài thể hiện uy quyền của người đứng đầu một vùng đất. Đặc biệt, trong nhà anh có 2 cái gùi được đan và trám bằng một thứ nhựa cây, nước không thể thấm qua được. Đây là những chiếc gùi có nắp đậy dùng để đựng đồ của người xưa. Anh cất công đi nhiều nơi tìm các nghệ nhân nhờ đan một cái tương tự nhưng ai cũng lắc đầu.
 
 
Trong tài sản của anh có cả những cái đĩa và chén từ thời Hán, ché bằng gốm sứ Đồng Nai cổ, cơi đựng trầu của người dân Bắc bộ xưa…
 
 
Đề cập đến số phận của những cổ vật thì anh Hưng buồn buồn. Nhiều người tìm mua nhưng tôi không bán, tôi muốn trưng bày để mọi người hiểu thêm văn hóa truyền thống. Đặc biệt, tôi mong muốn sẽ để lại “gia tài” này để đứa con gái Y Na của tôi hiểu thêm về văn hóa nơi nó đang sống, hy vọng nó sẽ hiểu niềm đam mê của cha.

Theo Báo Gia Lai