Gia Lai: Nhiều mặt hàng “ăn theo” tỷ giá

16/02/2011 01:24 PM


Thị trường sau Tết vẫn đang biến động do tác động của việc điều chỉnh tăng tỷ giá. Nhiều mặt hàng tiêu dùng vẫn đang ở mức cao, cùng với đó là việc tăng giá nhiều mặt hàng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.

Thị trường sau Tết vẫn đang biến động do tác động của việc điều chỉnh tăng tỷ giá. Nhiều mặt hàng tiêu dùng vẫn đang ở mức cao, cùng với đó là việc tăng giá nhiều mặt hàng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.
 
 
Ngay sau khi tỷ giá USD/VND được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng, giá các mặt hàng trong nước liền chịu ảnh hưởng nhiều từ quyết định này, Giá gas trong mấy ngày qua tăng thêm 17.000-20.000 đồng, hiện ở mức 340.000-370.000 đồng/bình 12 kg.
 
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thời điểm áp Tết, giá gas được điều chỉnh giảm nhưng không đáng kể, tuy nhiên sau đó không lâu lại tăng mạnh. Giá thép tăng thêm 800.000 đồng/tấn, giá bán xi măng tăng 60.000 đồng/tấn… Nhìn chung, các mặt hàng như sắt thép, xi măng, gas có mức tăng mạnh do ảnh hưởng từ việc tăng tỷ giá ngoại tệ, mặt khác do nhu cầu xây dựng tăng cao vào đầu năm.
 
 
Quyết định tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa USD và VND thêm 9,3% đã ảnh hưởng tức thì đến giá các mặt hàng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu bởi những mặt hàng như gas và thép không thuộc diện quản lý giá như điện, xăng dầu. Phân bón, vật tư nông nghiệp cũng đang rục rịch tăng giá.
 
 
Giá nhiều mặt hàng nhập khẩu như điện máy, điện tử, linh kiện xe đã bị đẩy lên cao ở một số nơi, tuy nhiên một số cửa hàng lại cho biết giá vẫn như cũ, bởi lượng hàng nhập từ trước vẫn đang tồn nhiều. Mặt khác do nhu cầu tiêu dùng sau Tết không nhiều nên giá chỉ biến động nhẹ.
 
 
Cùng thời điểm, giá thực phẩm, hàng tiêu dùng chỉ giảm nhẹ, một số lại tăng giá. Việc chuẩn bị hàng sau Tết của hầu hết các cửa hàng, siêu thị đảm bảo hơn, nên giá tương đối bình ổn.
 
 
Theo báo cáo của Sở Công thương Gia Lai, chỉ số giá tiêu dùng chung toàn tỉnh tháng 1-2011 tăng 2,03% so với tháng trước và tăng 11,46% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 18,21%, nhóm may mặc- mũ nón- giày dép tăng 9,54%, nhóm nhà ở- điện- nước- chất đốt- vật liệu xây dựng tăng 16,68%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 11,29%, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 4,98%, riêng nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 7,3%... Chỉ số giá trong tháng 2 dự tính nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống sẽ giảm, nhưng ngược lại  chỉ số nhóm nhà ở, điện nước, vật liệu xây dựng và chất đốt sẽ tăng cao.
 
 
Tỷ giá USD liên ngân hàng tăng là một biện pháp nhằm hạn chế nhập siêu, thu hẹp khoảng cách giữa giá USD ở ngân hàng và thị trường tự do. Tăng tỷ giá phần nào tác động đẩy chi phí nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện ngoại nhập của nhiều ngành sản xuất trong nước, tác động đến giá cả hàng hóa trên thị trường.   

Theo Báo Gia Lai