Gia Lai: Vật liệu xây dựng tiếp tục tăng giá

15/02/2011 01:11 PM


Trong khi nhiều công trình xây dựng vẫn chưa khởi động sau khi nghỉ Tết Nguyên đán thì vật liệu xây dựng đã lại lên “cơn sốt”. Trong đó, giá thép tăng từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/tấn (tùy loại), xi măng tăng 5-6%.

Trong khi nhiều công trình xây dựng vẫn chưa khởi động sau khi nghỉ Tết Nguyên đán thì vật liệu xây dựng đã lại lên “cơn sốt”. Trong đó, giá thép tăng từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/tấn (tùy loại), xi măng tăng 5-6%.    
 
 
Khảo sát thị trường Gia Lai sáng 14-2, thép Pomina phi 6+8 có giá 17.800-18.500 đồng/kg; các loại thép từ phi 10 đến phi 20 có giá dao động từ 130.000 đồng đến 515.000 đồng/cây; xi măng Nghi Sơn giá 1.360.000 đồng/tấn (nếu đặt tiền trước giá 1.340.000 đồng/tấn), các loại vật liệu khác như: Đá, gạch, cát cũng đều tăng.
 
 
Theo nhân viên của Cửa hàng Vật liệu Xây dựng Thế Tạo (Lê Thánh Tôn- TP. Pleiku) thì giá có thể thay đổi liên tục trong ngày, khả năng ngày mai sẽ tăng 3.000-5.000 đồng/kg thép. Như vậy, hầu hết các công trình lớn, công trình sử dụng vốn thuộc ngân sách nhà nước, thì đây là điều khá bất lợi đối với nhà thầu.
 
 
Nhập thép tại kho Công ty cổ phần Vật liệu và Xây lắp Gia Lai. Ảnh: Lê Lan
Nhập thép tại kho Công ty cổ phần Vật liệu và Xây lắp Gia Lai. Ảnh: Lê Lan
Ông Phan Hữu Hiếu- Trưởng ban Quản lý các dự án Đầu tư và Xây dựng chuyên ngành Giao thông- Vận tải (Sở Giao thông-Vận tải) nhận định: Giá vật liệu xây dựng tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu, lớn nhất là các công trình hợp đồng trọn gói, trong khi tại tỉnh ta phần lớn các công trình đều hợp đồng theo hình thức này. Hiện tại sự ảnh hưởng chưa thấy rõ, do các đơn vị còn chưa triển khai sau dịp nghỉ Tết. Dự báo trong thời gian tới, ảnh hưởng giá vật liệu xây dựng lên các công trình sẽ rất lớn. Tại thời điểm này, Sở vẫn chưa nhận được thông báo điều chỉnh giá mới của Sở Xây dựng.
 
 
Trong khi đó, theo dự báo khả năng sắt thép, xi măng trên thị trường sẽ tiếp tục tăng giá do giá sắt thép trên thế giới tăng đột biến. Hiện giá nhập khẩu phôi thép thế giới đã lên tới 685-690 USD/tấn. Ngay cả sắt thép phế thải, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất phôi trong nước cũng tăng lên 560 USD/tấn.
 
 
Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng cũng đã tăng thêm khoảng 1,5 lần. Điều này càng khiến các nhà thầu lo lắng, nhất là đối với các nhà thầu nhỏ, ít vốn. “Những công trình đang thi công vẫn phải chấp nhận làm, thu lại được bao nhiêu thì thu vì đã trót ký hợp đồng. Còn những công trình mới thì vẫn chưa thể tiến hành vì chưa có thông báo điều chỉnh giá”- một nhà thầu cho biết.
 
 
Nhiều nhà thầu ở Gia Lai khá bức xúc trước quy định chỉ điều chỉnh giá vật liệu xây dựng khi mức giá tăng chênh lệch lên đến 20% của liên sở Xây dựng- Tài chính và khoản trích lại 3% tiết kiệm mỗi công trình... Nếu công trình bạc tỷ, một phần trăm cũng là con số lớn huống chi là những con số này đến 3%, 20%.
 
 
Điều đó khiến các nhà thầu tại Gia Lai bị thiệt thòi, trong khi các tỉnh lân cận là Kon Tum, Đak Lak đều có thông báo điều chỉnh giá vật liệu xây dựng theo từng tháng. Ngay cả các đơn vị tư vấn thiết kế cũng gặp khó khăn mỗi khi lập dự án, vì không thể theo giá thị trường (thường cao hơn 15% so với giá trong bảng thông báo giá của liên sở Xây dựng- Tài chính).
 
 
Riêng đối với một số dự án thuộc nguồn vốn Trung ương thì các nhà thầu thi công “dễ thở” hơn do được điều chỉnh giá kịp thời. “Hiện Sở đang quản lý dự án nâng cấp và sửa chữa quốc lộ 25 (đoạn từ cầu Lệ Bắc đến đèo Tô Na) dài 13 km với tổng mức đầu tư 101 tỷ đồng, tiến độ hiện đã đạt được trên 60%, theo kế hoạch đến cuối năm 2011 sẽ hoàn thành. Dù vậy, Sở vẫn đang đốc thúc các đơn vị thi công phấn đấu hoàn thành vào cuối quý III-2011 không để vì giá vật liệu xây dựng tăng mà chậm tiến độ”- ông Phan Hữu Hiếu cho biết thêm.

Theo Báo Gia Lai