Xuân kết đoàn

28/01/2011 08:07 AM


Gắn bó mật thiết với sự nghiệp của dân tộc, vận mệnh của đất nước nên rất tự nhiên, mùa Xuân luôn gắn liền với Đảng ta và người sáng lập Đảng- Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng- Bác Hồ- mùa Xuân, từ lâu vốn là đề tài quen thuộc của nghệ thuật, văn chương và báo chí.

Gắn bó mật thiết với sự nghiệp của dân tộc, vận mệnh của đất nước nên rất tự nhiên, mùa Xuân luôn gắn liền với Đảng ta và người sáng lập Đảng- Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng- Bác Hồ- mùa Xuân, từ lâu vốn là đề tài quen thuộc của nghệ thuật, văn chương và báo chí.
 
 
Đối với tỉnh Gia Lai, năm qua diễn ra nhiều sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng trong đời sống xã hội tỉnh nhà. Và trong hàng loạt sự kiện đó, ta bất ngờ nhận ra: Tất cả đều có một sự liên hệ xuyên suốt với nhau để làm bật lên một bài học, một chân lý, một niềm mong mỏi, tin tưởng và hy vọng-vấn đề đại đoàn kết.
 
 
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy
Trung tuần tháng 7 năm rồi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Hà Nội làm việc với Bộ Chính trị về công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ tỉnh. Nội dung làm việc có việc xin ý kiến về dự thảo văn kiện trình đại hội và đề án nhân sự. Đại diện Bộ Chính trị khóa X gồm có các đồng chí: Trương Tấn Sang- Thường trực Ban Bí thư, Phạm Quang Nghị- Bí thư Thành ủy Hà Nội, Lê Hồng Anh- Bộ trưởng Bộ Công an, đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương-khi làm việc với lãnh đạo tỉnh đã bàn bạc, trao đổi, thảo luận, cân nhắc rất kỹ 2 nội dung quan trọng nói trên.
 
 
Và dù là yêu cầu của văn kiện hay nhân sự đại hội, Bộ Chính trị đều quán triệt vấn đề đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên trong ngôi nhà đại đoàn kết Việt Nam. Bài học đại đoàn kết, lựa chọn ai, làm thế nào để có thể tập hợp, tổ chức và đoàn kết, thể hiện ý chí, nguyện vọng cao nhất của Đảng, của bà con các dân tộc trong tỉnh luôn là yêu cầu cấp thiết, thường xuyên, liên tục đặt ra.
 
 
Trong những ngày làm việc tại thủ đô, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn có chương trình làm việc với Trung ương về việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên và tham quan Khu Di tích Phủ Chủ tịch. Cùng với tượng Bác Hồ xây dựng ở Gia Lai, Bộ Chính trị cũng đã cho phép thủ đô Hà Nội dựng tượng Bác Hồ với Bác Tôn. Điều đó thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với mỗi địa phương, đối với Gia Lai.
 
 
Cùng với lãnh đạo tỉnh, các nhà điêu khắc, kiến trúc sư hàng đầu đã dành nhiều tâm huyết góp ý, lựa chọn chủ đề, phác thảo mẫu tượng ưng ý nhất để dựng ở chính quảng trường trung tâm thành phố Pleiku. Từ chủ đề-tên công trình “Tượng Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”, tượng được dựng ở quảng trường mang tên” Đại đoàn Kết”: Bài học kết đoàn đã trở thành nhiệm vụ quan trọng là tinh thần xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh.
 
 
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XIV. Ảnh: Đức Thụy
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XIV. Ảnh: Đức Thụy
Trong Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV vừa qua, từ việc phát huy dân chủ, trí tuệ, đổi mới, đại hội đã diễn ra thành công, thuận lợi, bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới với những nhân tố ưu tú nhất. Đặc biệt, đại hội đã làm rõ hơn tư tưởng đại đoàn kết, sự đồng thuận xã hội, đúc rút bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng bộ. Phát biểu chỉ đạo đại hội, đồng chí Nông Đức Mạnh-Tổng Bí thư khóa X nhấn mạnh đến yêu cầu tăng cường và giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng “như giữ gìn con ngươi của mắt mình” như lời dạy của Bác Hồ; tăng cường đoàn kết giữa Đảng với dân, đoàn kết giữa các dân tộc.
 
 
Đồng chí đã rất say sưa khi đề cập đến vấn đề này. Nhắc lại thư Bác gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946 họp tại Pleiku, đồng chí đã phân tích làm rõ ý nghĩa của bức thư lịch sử đó đối với Gia Lai- Tây Nguyên và đất nước trong thời điểm lịch sử 1946 cũng như cả chiều dài lịch sử dân tộc và đề nghị trong bất kỳ nhiệm vụ nào, hoàn cảnh nào, Đảng bộ tỉnh cũng phải ra sức gìn giữ và phát huy sự đoàn kết thống nhất trong đảng, trong dân, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với dân, lúc nào cũng phải gần dân, trọng dân, kính yêu dân, xứng đáng là công bộc của dân.
 
 
Trước đó, khi dự lễ khởi công xây dựng Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, đồng chí Nông Đức Mạnh cũng đã dành nhiều tâm sự, trao đổi về ý nghĩa của công trình giàu tính nhân văn này và cũng đã nhắc lại nội dung, ý nghĩa bức thư Bác Hồ gửi đến đại hội năm nào, tin tưởng hy vọng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh mãi mãi ghi nhớ và làm theo vốn quý tinh thần đã được thực tiễn kiểm nghiệm và chứng minh một cách hùng hồn, thuyết phục.
 
 
Như vậy là xuyên suốt một loạt sự kiện quan trọng, bài học kết đoàn luôn được đề cập và quán triệt thực hiện. Thực ra, ý thức giá trị của bài học này không còn là một nhiệm vụ mà đã là tình cảm, quyết tâm, hành động của mọi người, của toàn Đảng. Nó cứ luôn mới mẻ, thời sự, đặc biệt là trong nhiệm vụ xây dựng Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong bối cảnh đất nước, khu vực và thế giới đang có nhiều biến động, thời cơ thuận lợi và khó khăn thách thức luôn đan xen.
 
 
Kỳ diệu thay bài học kết đoàn!
 
 

Theo Báo Gia Lai