Tết này ở Ia Blang

26/01/2011 07:55 AM


Xã Ia Blang là “cái nôi” của thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) nổi tiếng thế giới. Hạt tiêu tuy bé nhỏ nhưng đã mang lại sự đổi thay lớn lao trong cuộc sống cho người dân nơi đây.

Xã Ia Blang là “cái nôi” của thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) nổi tiếng thế giới. Hạt tiêu tuy bé nhỏ nhưng đã mang lại sự đổi thay lớn lao trong cuộc sống cho người dân nơi đây.
 
 
Trong khí trời se lạnh Tây Nguyên, chúng tôi về thăm xã Ia Blang (huyện Chư Sê). Ông Rah Lan Huy- Phó Chủ tịch UBND xã vui mừng khoe: “Xã vừa nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là thành tích được Đảng và Nhà nước ghi nhận trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, còn thành tựu kinh tế- xã hội thì phải đến tận làng, ra ngoài vười mới biết”.
 
 
Ia Blang phấn đấu đến năm 2012 trở thành xã văn hóa. Ảnh: Q.H
Ia Blang phấn đấu đến năm 2012 trở thành xã văn hóa. Ảnh: Q.H
Rồi ông dẫn chúng tôi đi thăm các làng trên những con đường nhựa phẳng lỳ, nhà xây san sát, xen lẫn những vườn hồ tiêu, xanh ngắt và những lô cà phê bung hoa trắng xóa. Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Rmah Jong, ở làng Nhă. Chủ nhà phấn khởi cho biết, căn nhà xây xong, vừa kịp đón Tết, chủ yếu là nhờ tiền bán hồ tiêu, cà phê, bò. Rmah Jong khiêm tốn: “Mình thuộc dạng kém cỏi nên giờ mới làm được nhà xây, còn bà con ở đây, nhà lầu nhiều rồi. Nhờ chịu khó học hỏi anh em người Kinh nên trồng được vài ngàn trụ tiêu, hơn 1 ha cà phê, kết hợp nuôi bò nên kinh tế bây giờ cũng kha khá”.
 
 
Ông Rah Lan Huy tự hào: Ia Blang  là “cái nôi” của thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê. Nhờ phát triển loại cây này mà ở đây đã hình thành những “làng tỷ phú”, có những gia đình thu nhập mỗi năm từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng như ông Nguyễn Văn Luyến, Lê Phước Tuấn, Nguyễn Văn Thương. Còn các hộ dân tộc thiểu số như gia đình ông Siu Nhăn ở làng Mung, ông Rơ Mah Brê ở làng Nhă, Siu Gan ở làng Tok, Rah Lan Lao ở làng Roh... thu nhập hàng năm từ vài trăm triệu đồng đến nửa tỷ đồng.
 
 
Để chứng minh điều này, ông Huy dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Luyến ở thôn 6. Ông Luyến kể một cách vắn tắt về quá trình trở thành tỷ phú: Năm 1988, gia đình từ Thừa Thiên- Huế vào Chư Sê xây dựng kinh tế mới, việc đầu tiên là trồng cây dong riềng. Đến năm 1999, bắt đầu trồng 200 trụ tiêu, mỗi năm phát triển một ít; đến thời kỳ cao điểm nhất là 17 ngàn trụ, năng suất đạt hơn 8 tấn/ha, sản lượng hàng năm khoảng 65 tấn tiêu hạt. Sau đó, tiêu già cỗi và dịch bệnh, chết dần, hiện chỉ còn khoảng 12 ngàn trụ. Niên vụ vừa qua tuy mất mùa nhưng gia đình ông vẫn thu được khoảng 40 tấn, bán được hơn 3 tỷ đồng, sắm thêm một chiếc xe ô tô gần 1 tỷ đồng.
 
 
Chúng tôi ghé sang thăm gia đình ông Siu Nhan ở làng Mung, ông đang chăm sóc vườn hồ tiêu quanh nhà. Ông Nhan tự hào là người Jrai đầu tiên trong làng biết trồng hồ tiêu, đó là vào năm 1995. Từ 100 trụ ban đầu, sau 3 năm chăm sóc, ông thu được gần 2 tạ. Tích lũy được một ít vốn cùng với sự giúp đỡ của các hộ người Kinh về kỹ thuật, ông Nhan mở rộng diện tích trồng tiêu lên 1.200 trụ, cùng với gần 1 ha cà phê, 7 sào lúa nước,... thu nhập mỗi năm nửa tỷ đồng, xây được căn nhà trị giá vài trăm triệu đồng, mua sắm được xe công nông, máy cày, máy tưới, phục vụ sản xuất.
 
 
Nhờ biết trồng hồ tiêu và cà phê nên gia đình ông Rmah Jong ở làng Nhă, xã Ia Blang xây được nhà mới. Ảnh: Q.H
Nhờ biết trồng hồ tiêu và cà phê nên gia đình ông Rmah Jong ở làng Nhă, xã Ia Blang xây được nhà mới. Ảnh: Q.H
Nhân dân trong xã Ia Blang không chỉ tự hào về truyền thống Anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ mà còn vinh dự là một trong những xã có thu nhập cao nhất của huyện Chư Sê và tỉnh Gia Lai. Hiện nay, hầu hết các hộ người dân tộc thiểu số trong xã đã biết trồng tiêu và cà phê. Bên cạnh đó, nhờ nguồn nước từ thủy lợi Ia Ring nên lúa nước và hoa màu phát triển rất tốt. 
 
 
Ông Đặng Ngọc Anh- Chủ tịch UBND xã Ia Blang cho biết: Hiện tỷ lệ hộ nghèo trong xã là dưới 10%, không còn hộ đói, thu nhập bình quân đầu người trong năm vừa qua đạt 13,7 triệu đồng, phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân đạt 18 triệu đồng. Từ sự giàu có của dân nên nguồn thu của xã mỗi năm cũng xấp xỉ 30 triệu đồng, xây được sân vận động của xã. Hầu hết đường nhựa trong xã là có sự đóng góp của nhân dân. Hiện nay đã có 15/17 thôn, làng văn hóa và đang phấn đấu hai năm nữa sẽ ra mắt xã văn hóa đầu tiên ở huyện Chư Sê.
 
 
Xã Ia Blang trong những ngày giáp Tết, không khí vui tươi, nhộn nhịp. Dọc con đường nhựa xuyên suốt từ đầu đến cuối xã, chúng tôi liên tiếp bắt gặp những cổng chào “Làng văn hóa”, “Nhà sinh hoạt cộng đồng”, được trang trí hoa văn dân tộc Tây Nguyên rất đẹp, khẩu hiệu “Đại đoàn kết các dân tộc”, “Mừng Đảng- Mừng Xuân”, “Chúc mừng năm mới”,...  với nhiều màu sắc rực rỡ.
 
 
Tết đến- Xuân về, mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thành công tốt đẹp, đồng bào các dân tộc ở xã Ia Blang ra sức thi đua lao động sản xuất, đoàn kết xây dựng cuộc sống thêm ấm no, hạnh phúc. 

Theo Báo Gia Lai