Ia Grai: Nơi lưu giữ nhiều chiêng quý

23/01/2011 02:22 PM


Theo điều tra của Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, huyện Ia Grai (Gia Lai) là nơi còn lưu giữ nhiều cồng chiêng nhất tỉnh, trong đó có nhiều chiêng quý, với 1.113 bộ chiêng các loại. Có những bộ chiêng trị giá ngang voi trắng, phải đổi bằng nhiều trâu, bò.

Theo điều tra của Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, huyện Ia Grai (Gia Lai) là nơi còn lưu giữ nhiều cồng chiêng nhất tỉnh, trong đó có nhiều chiêng quý, với 1.113 bộ chiêng các loại. Có những bộ chiêng trị giá ngang voi trắng, phải đổi bằng nhiều trâu, bò.
 
 
Từ xa xưa những chủ nhân người bản địa huyện Ia Grai luôn coi cồng chiêng như báu vật không gì sánh được. Chiêng đối với họ không chỉ là nhạc cụ mà nó là di vật tâm linh tức là có thần chiêng. Vì thế, bất chấp sự tác động của cuộc sống hiện đại, những báu vật ấy luôn được người dân nơi đây lưu giữ cẩn thận.
 
 
Ông Rơ Châm Luyến giới thiệu bộ chiêng cổ của gia đình. Ảnh: Đinh Yến
Ông Rơ Châm Luyến giới thiệu bộ chiêng cổ của gia đình. Ảnh: Đinh Yến
Còn sống còn lưu giữ chiêng
 
 
Trong căn nhà khá kiên cố ở đầu làng O, xã Ia O (huyện Ia Grai) ông Rơ Châm Luyến rinh 2 bộ chiêng Pát cổ và 3 bộ chiêng Doăn được giấu kín trong phòng ra "khoe": Giá trị mỗi bộ chiêng cổ lên đến 120 triệu đồng, còn 3 bộ chiêng Doăn (chiêng cải tiến) cũng có giá từ 35 triệu đồng đến 70 triệu đồng/bộ.
 
 
Ông nói, trước đây nhà ông còn nhiều chiêng nữa, nhưng theo phong tục mỗi khi trong nhà có một thành viên qua đời, tài sản sẽ đem chia một phần cho họ; rồi chia cho con cháu khi lớn lên có vợ, có chồng ra ở riêng để bọn chúng biết giữ gìn.
 
 
Để lưu giữ được những bộ chiêng cổ này, ông Rơ Châm Luyến kể cho tôi nghe lời căn dặn của bố vợ ông trước khi về với thế giới atâu: “Đời tao đã giữ những bộ chiêng quý của ông bà, bây giờ truyền lại cho con cháu đời sau. Con là người kế tục phải cất giữ nó như báu vật”. Từ đó, ông Luyến không chỉ lưu giữ những bộ chiêng cổ truyền lại mà còn tích cóp mua thêm được 3 bộ chiêng Doăn, với giá 40 triệu đồng/bộ. Có nhiều cồng chiêng trong nhà ai cũng tự hào.
 
 
Già Rơ Châm Blêh, ở làng Dê Chí, xã Ia Pếch; Ksor Man, ở làng Mít Chép-ở xã Ia O cũng là những người luôn ý thức giữ gìn cồng chiêng cho muôn đời sau. Dù gia đình già Blêh hiện vẫn ở trong căn nhà tôn cũ kỹ nhưng già luôn tự hào về 8 bộ chiêng: 2 bộ chiêng Pát, 2 bộ chiêng Hanh, 3 bộ chiêng Doăn và một bộ Pơ Sơi, trị giá gần nửa tỷ đồng.
 
 
Già kể, từ thuở nhỏ ông đã đam mê cồng chiêng nhưng khi ấy gia đình già nghèo lắm chẳng có tiền để mua chiêng. Sau này, hai vợ chồng già làm được bao nhiêu đều tích cóp mua chiêng. Mỗi khi trong làng có việc gì, già đều cho mượn chiêng để chơi. Có chiêng rồi còn phải biết đánh chiêng nữa, không chơi được thì coi như bộ chiêng đó vô hồn. Bây giờ thì già đã mãn nguyện được ước mơ. Những bộ chiêng này già sẽ tiếp tục giữ gìn, khi không còn sức nữa già sẽ truyền lại cho con cháu. 
 
 
Và bảo tồn “gia sản” như thế nào?
 
 
Ông Lý Kỳ Chung- Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ia Grai trăn trở: “Tiếng lành đồn xa”-mảnh đất huyện Ia Grai luôn nằm trong “tầm ngắm” của giới buôn đồ cổ hay những tay buôn chiêng công khai  như “công ty hai sọt” vào đổi mắm muối, vật dụng ở các buôn làng để đem đi những di vật quý. Vì thế nhân dân các làng rất ngại tiết lộ các bộ chiêng của gia đình mình (nhất là các hộ có những bộ chiêng quý) cho người lạ. Do vậy, việc điều tra số lượng cồng chiêng trên địa bàn chưa đầy đủ so với thực tế.
 
 
Hơn nữa, việc lưu giữ cồng chiêng của những chủ nhân như ông Luyến, già Blêh… thật đáng tự hào song không chỉ dừng lại việc lưu giữ mà phải thường xuyên phát huy được giá trị của “gia sản” này. Có nghĩa là ở các làng phải duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống.
 
 
Việc lưu giữ và bảo tồn văn hóa cồng chiêng không chỉ mỗi người dân bản địa Tây Nguyên mà cần có những chính sách khuyến khích, quan tâm nhiều hơn nữa của các ngành chức năng. Việc bảo tồn cồng chiêng ở đây không chỉ tổ chức các cuộc liên hoan giao lưu dưới hình thức trình diễn mà nó phải được lưu giữ và phát huy từ chính những người bản địa thì báu vật linh thiêng ấy mới có sức sống.

Theo Báo Gia Lai