Gia Lai: Cải thiện môi trường đầu tư

10/01/2011 08:09 AM


Cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động là chủ trương nhất quán và là mối quan tâm thường xuyên của lãnh đạo tỉnh Gia Lai trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, suy giảm kinh tế trong nước và trong tỉnh, vấn đề này càng trở nên quan trọng và đang đặt ra những đòi hỏi cấp thiết.

Cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động là chủ trương nhất quán và là mối quan tâm thường xuyên của lãnh đạo tỉnh Gia Lai trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, suy giảm kinh tế trong nước và trong tỉnh, vấn đề này càng trở nên quan trọng và đang đặt ra những đòi hỏi cấp thiết.
 
 
Nhìn lại năm 2010
 
 
Sau 7 năm, tính từ Hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư tổ chức tại Hà Nội (tháng 3-2003) bằng nhiều chính sách ưu đãi phù hợp, đến nay, Gia Lai đã có đến 147 dự án đầu tư đang triển khai trên địa bàn với tổng vốn đăng ký thực hiện hơn 35.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực công nghiệp-xây dựng có 110 dự án với số vốn 31.365 tỷ đồng; đầu tư cơ sở hạ tầng 19 dự án, 4.161 tỷ đồng; thủy điện vừa và nhỏ 36 dự án, 7.570 tỷ đồng; dịch vụ 10 dự án, 1.820 tỷ đồng.
 
 
Khu dân cư Phú An-dự án đầu tư tại Gia Lai của Công ty Vinh Quang I (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Đức Thụy
Khu dân cư Phú An- dự án đầu tư tại Gia Lai của Công ty Vinh Quang I (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Đức Thụy
Nhiều dự án được triển khai đi vào hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần đáng kể tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn. Cùng với đó, Khu Công nghiệp Trà Đa sau gần 5 năm đi vào hoạt động, đã thu hút 29 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đăng ký, với số vốn đầu tư lên đến 195 tỷ đồng, trong số này đã có 17 doanh nghiệp (DN) đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động tại chỗ, trong số này lao động là người dân tộc thiểu số chiếm 13,2%.
 
 
Không chỉ có vậy, tỉnh còn mạnh dạn tổ chức nhiều hội nghị giới thiệu, quảng bá tiềm năng kinh tế và các dự án kêu gọi đầu tư vào tỉnh với các DN Lào, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Bỉ; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thành công Hội nghị Ủy ban Điều phối chung lần thứ nhất khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam tại TP. Pleiku,...
 
 
Đồng thời, tỉnh tích cực cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến công dân, DN đã được thực hiện quyết liệt. UBND tỉnh đã thành lập đường dây nóng, thường xuyên duy trì các buổi gặp mặt, đối thoại trực tiếp với DN theo định kỳ, lắng nghe và kịp thời giải quyết những vướng mắc của các nhà đầu tư; trong đó coi trọng cải cách TTHC, đặc biệt từ năm 2007, tỉnh đã thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” ở một số lĩnh vực như đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép đầu tư, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
 
 
Đối với khu vực DN, hàng năm đều tổ chức hội nghị đối thoại DN nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN, đặc biệt là các DN trẻ,… qua đó thực hiện việc vinh danh DN kinh doanh giỏi, chấp hành tốt pháp luật và các chế độ chính sách của Nhà nước. Mặt khác, nhờ vận dụng sự đan xen giữa cơ chế tài chính và sử dụng các công cụ tài chính, vận dụng có hiệu quả chính sách tài chính vào điều kiện cụ thể của địa phương điều đó đã tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, khuyến khích các DN, các thành phần kinh tế, các tầng lớp dân cư bỏ vốn đầu tư để phát triển kinh tế- xã hội, đồng thời có biện pháp đa dạng, linh hoạt trong việc xúc tiến đầu tư mà thu hút được lượng vốn lớn từ các địa phương khác về đầu tư tại tỉnh, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Gia Lai luôn giữ được mức hai con số.
 
 
Đối diện với thách thức
 
 
Theo đánh giá của các chuyên gia và các nhà quản lý thì hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh như hiện nay chưa đáp ứng được với xu thế phát triển rất nhanh, rất đa dạng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Và điều đó đã trở thành thách thức lớn, thậm chí còn là lực cản trong tiến trình phát triển của DNNVV giai đoạn hiện nay và những năm tới. Chẳng hạn, chưa có một cơ chế, chính sách hỗ trợ dành riêng cho khối DNNVV mà chỉ quan tâm đến một vài DN trọng điểm. Cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư cũng chưa quan tâm nhiều đến các doanh nhân và DN trong tỉnh, vẫn còn xơ cứng chưa có sự chuyển hướng linh hoạt, kịp thời.
 
 
Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao nhiều năm qua, tốc độ gia tăng số lượng các DN đăng ký lớn hơn mức bình quân của cả nước, nhưng quy mô vốn của hầu hết các DN là rất nhỏ bé, hoạt động chủ yếu bằng vốn vay ngân hàng, nhu cầu đầu tư cao trong khi khả năng tự tích lũy, tự tài trợ thấp; mặt khác, trong tình hình kinh tế vĩ mô không ổn định, có nhiều biến động, tình trạng lạm phát những năm qua luôn giữ ở mức cao và biến động khó lường, lãi suất tín dụng quá cao, vượt quá khả năng chịu đựng của DN, chỉ có thể giúp DN tồn tại mà rất khó có điều kiện tích lũy.
 
 
Gia Lai là tỉnh miền núi, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, nhưng chất lượng nông sản còn thấp và ngành công nghiệp chế biến nông sản vẫn còn ì ạch. Trong 3 lần tổ chức Hội nghị kêu gọi đầu tư, danh mục dự án kêu gọi đầu tư chiếm số lượng lớn là các dự án chế biến nông sản. Trên thực tế, tỉnh đã dành nhiều khuyến khích ưu đãi, quan tâm thiết thực đến các nhà đầu tư. Thế nhưng sau nhiều năm liền, kết quả mang lại vẫn chưa như mong muốn.
 
 
Có rất ít nhà đầu tư tìm đến Gia Lai để thực hiện các dự án mà tỉnh thiết tha mời gọi. Mặc dù Gia Lai đã cố gắng rất nhiều để tạo ra môi trường đầu tư tốt cho DN phát triển, nhưng nhiều chính sách, biện pháp hỗ trợ DN vẫn ở dạng văn bản, giấy tờ chưa đi vào cuộc sống của cộng đồng DN, theo chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thì cơ chế, chính sách của tỉnh có điểm số cao nhất trong 10 chỉ số thành phần nhưng các chỉ số thành phần khác về môi trường đầu tư chỉ ở mức trung bình hoặc không đáp ứng được yêu cầu,... Để các chính sách hỗ trợ thực sự đi vào cuộc sống, các cơ quan hoạch định chính sách và tổ chức thực thi chính sách sẽ còn rất nhiều việc phải làm.

Theo Báo Gia Lai