Tản mạn về những vùng đất anh hùngBài 2: Cái nôi của xứ hồ tiêu

28/12/2010 07:20 AM


Nói về thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Ia Blang- cái nôi của cả vùng chuyên canh hồ tiêu rộng lớn của Chư Sê và các địa phương lân cận như các huyện: Chư Pưh, Đak Đoa, Chư Prông… Hồ tiêu ở đây nổi tiếng cả về năng suất, sản lượng và chất lượng.

Nói về thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Ia Blang- cái nôi của cả vùng chuyên canh hồ tiêu rộng lớn của Chư Sê và các địa phương lân cận như các huyện: Chư Pưh, Đak Đoa, Chư Prông… Hồ tiêu ở đây nổi tiếng cả về năng suất, sản lượng và chất lượng.
 
 
Những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, Ia Blang là một xã nghèo, hộ nghèo chiếm đến trên 90%. Ngoài cộng đồng dân cư tại chỗ, thực hiện chủ trương đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng, Ia Blang đã đón nhận hàng trăm hộ đến từ các huyện Hương Thủy, Phú Vang của Thừa Thiên- Huế và một số huyện của Bình Định. Những ngày đầu đến ở nơi rừng thiêng nước độc, chưa kịp thích nghi với môi trường, bệnh tật phát sinh, làm ăn thất bát, đói nghèo đeo bám… không ít người nản chí vội “chia tay” với mảnh đất này.
 
 
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy
Bây giờ, Ia Blang đã thay đổi quá nhiều. Kinh tế-xã hội không ngừng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của tuyệt đại đa số người dân đã được cải thiện với thu nhập bình quân đầu người hàng năm lên đến con số mà nhiều vùng nông thôn khác chỉ có trong ước mơ-13,3 triệu đồng và chỉ còn 8% hộ nghèo! Hạ tầng phục vụ cho sản xuất và xã hội trên địa bàn được người dân và chính quyền chung tay, góp của đầu tư xây dựng. Cùng với đó là an ninh chính trị-trật tự xã hội thuộc vào danh sách của những địa phương yên bình nhất. Gần 2 ngàn hộ, trên 9,3 ngàn bà con các dân tộc chung sống trên cùng một quê hương đã như máu thịt, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau trong sản xuất và sinh hoạt… Có người ví Ia Blang là làng biệt thự, xã tỷ phú, một địa chỉ “mở rộng” của thị trấn Chư Sê giàu có nổi tiếng trong vùng.
 
 
Anh Hoàng Phước Bính- một trong những chàng trai xứ Huế có mặt ở Ia Blang từ những ngày đầu- nguyên là Chủ tịch xã, gặp tôi mới đây, trong câu chuyện của mình anh không khỏi bồi hồi và vui mừng khi những thay đổi từng ngày của nơi anh từng tin yêu gởi gắm cả tuổi xuân vào đó. Lăn lộn với đất, với người dân vùng mới lập địa, anh đã không một ngày thôi nghĩ về chuyện làm gì để cho mình, cho mọi người thoát nghèo đi lên làm giàu. Và mơ ước, sự quyết tâm ngày ấy giờ đã là hiện hữu, đất đã không phụ lòng anh, không phụ lòng người.
 
 
Một lần dạo quanh những con đường làng trong xã, tôi như lạc vào mê cung của vườn tược cây trái, đâu đâu cũng bát ngát cà phê, cũng tăm tắp những vườn tiêu đang mùa cho hạt. Chen lẫn với đó là những tòa biệt thự nối biệt thự để trở thành… làng biệt thự như ai đó từng ví von trong câu chuyện làm giàu mà Ia Blang là hình mẫu để noi theo… Những thành quả hiện hữu đó do chính những bàn tay, khối óc của cộng đồng người dân Ia Blang làm nên. Họ đã biến những vùng đất hoang đầy cỏ dại, vốn chịu nhiều hậu quả của chiến tranh thành vùng quê trù phú, thành cái nôi của xứ sở hồ tiêu!
 
 
Nói về thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê, người ta biết đến Ia Blang, nhưng vùng đất này còn có một “thương hiệu” của riêng mình thời trước đó- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 
 
Khi Chư Sê chưa có tên trên bản đồ của tỉnh, Ia Blang thuộc Chư Prông. Thời chống Mỹ, Ia Blang có tên gọi E14 của khu 5. Cả xã có 24 làng, chủ yếu là bà con Jrai với trên 3,2 ngàn người sống dọc bên Tây đường 14. Suốt cả chặng dài trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nơi đây là vùng giáp ranh giữa ta và địch, thường xuyên xảy ra những cuộc càn quét, đánh phá, dồn dân lập ấp của Mỹ-ngụy.
 
 
Tuy vậy, chiến tranh và gian khổ đã tôi luyện cho người E14 trở nên anh hùng. Hàng trăm chàng trai cô gái đã tự nguyện tham gia cách mạng, vào du kích, dân công, đóng góp sức mình cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước. Ngay từ những ngày đầu sau Hiệp định Giơnevơ ký kết, chàng trai trẻ-đảng viên Kpă Gòng đã đứng ra nhận trọng trách Bí thư chi bộ, cùng các đảng viên của mình lo xây dựng tổ chức, gầy dựng phong trào, động viên bà con vừa chăm lo làm ăn xây dựng cuộc sống, vừa tham gia hoạt động trong các tổ chức cách mạng, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh đòi thực hiện Hiệp định, thống nhất nước nhà…
 
 
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy
Từ những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ XX, Ia Blang đã có những cán bộ, du kích kiên trung như Rơ Mah Van, Rah Lan Bố, Rah Lan Mik… Sau này, đội ngũ phát triển lên đến hàng trăm, được trang bị cả những vũ khí hiện đại như B40, B41 cùng lực lượng chủ lực trên địa bàn đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 450 tên giặc.
 
 
Cho dù giặc ráp giặc vây, muôn vàn khó khăn ác liệt nhưng người dân Ia Blang luôn một lòng thủy chung với cách mạng, trong đói khổ, cơm chưa đủ bữa nhưng vẫn dành hàng vạn gùi lúa gạo cho cách mạng nuôi quân, tổ chức gần trăm cuộc đấu tranh chính trị, kêu gọi, vận động 140 người lầm đường lạc lối trở về với dân làng…
 
 
Còn biết bao chiến công thời kháng chiến và thời xây dựng trong hòa bình mà người dân E14 lập nên không thể liệt kê trong một bài báo nhỏ, cho dù người viết muốn làm điều đó. Nhưng dù sao những con số “biết nói” trên đây cũng đã làm cho chúng ta khâm phục, kính trọng và yêu quý một vùng đất, một cộng đồng kiên trung, anh dũng trong mọi giai đoạn phát triển của quê hương, đất nước… Ghi nhận công lao ấy, mới đây Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ của xã…
 
 
Tưng bừng và long trọng trong lễ đón nhận phần thưởng cao quý này vào một ngày cuối năm, Ia Blang như khoác trên mình thêm một lần áo mới, hứa hẹn trong tương lai không xa sẽ trở thành vùng quê kiểu mẫu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Khi đó, Ia Blang sẽ trở thành xã Anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Chúng ta hy vọng và chờ đợi điều đó đến từ Ia Blang!

Theo Báo Gia Lai