Kông Chro: Lại khai thác quặng chì trái phép

27/12/2010 07:42 AM


Hơn 10 ngày trở lại đây, huyện Kông Chro (Gia Lai) lại bắt đầu “nóng” lên khi rất nhiều đối tượng từ thị xã An Khê, huyện Kbang và Kông Chro đã tập trung đến mỏ quặng chì ở xã Ya Ma, huyện Kông Chro để khai thác trái phép nguồn tài nguyên này.

Hơn 10 ngày trở lại đây, huyện Kông Chro (Gia Lai) lại bắt đầu “nóng” lên khi rất nhiều đối tượng từ thị xã An Khê, huyện Kbang và Kông Chro đã tập trung đến mỏ quặng chì  ở xã Ya Ma, huyện Kông Chro để khai thác trái phép nguồn tài nguyên này.
 
 
Từ trung tâm xã Ya Ma, vượt hơn 2 km, chúng tôi rẽ vào lối mòn dẫn đến mỏ quặng chì phía sau làng Tờ Nùng 1. Khi vừa đến đầu con đường mòn, chúng tôi gặp 3 người đàn ông và 1 phụ nữ đang đứng cảnh giới vòng ngoài. Có lẽ vì thời gian này, lực lượng liên ngành của huyện Kông Chro truy quét khá gay gắt, nên các đối tượng vào khai thác quặng chì trái phép  tỏ ra thận trọng hơn trong hoạt động. Người phụ nữ cất tiếng hỏi: “Đi đâu vậy em?”, để tránh sự nghi ngờ tôi biện lý do vào kiểm tra đàn bò đang được thả rong.
 
 
Những bao quặng được cất giấu (ảnh chụp lúc 18 giờ 12 phút ngày 22-12-2010). Ảnh: Lê Anh
Những bao quặng được cất giấu (ảnh chụp lúc 18 giờ 12 phút ngày 22-12-2010). Ảnh: Lê Anh
Vượt thêm khoảng 3 km đường đồi dốc, đến điểm khai thác cũng đã xế chiều. Lúc này, chúng tôi gặp 12 thanh niên đang xếp các vật dụng lên 5 chiếc xe máy để chuẩn bị ra về. Hành trang mà những người này mang theo chỉ có nồi nấu cơm, cuốc chim, xẻng, thuổng và mấy chiếc đục được bỏ gọn trong 3 chiếc bao tải, nhưng không thấy dấu hiệu của quặng chì vừa mới khai thác. Thấy chúng tôi, một thanh niên tóc dài búi ngược sau gáy tiến đến hỏi chuyện. Do đã quen đối phó với những màn dò hỏi thế này, nên cuộc trò chuyện của chúng tôi  tỏ ra khá cởi mở. Sau một hồi thanh niên này cho biết mình ở huyện Kbang, vừa mới ra tù, nghe các chiến hữu giới thiệu nên dạt vào làm.
 
 
Những ngày trước khi chưa bị truy quét, 12 người đào 3 hầm cũng thu được gần 5 tạ quặng chì. Số quặng chì khai thác được chở ra bán cho các đầu mối tại thị xã An Khê với giá 3.000 đồng đến 4.000 đồng/kg. Còn số quặng này được đưa đi đâu thì… không ai biết.
 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, quặng chì ở đây nằm lộ thiên, nên dễ khai thác bằng phương pháp thủ công. Chỉ cần bắt được mạch chì, cứ thế dùng cuốc đào thành hầm rộng khoảng 1 mét sâu hơn 2 mét rồi lấy quặng chì bỏ vào bao tải… Dù đã bị truy quét khá gay gắt, nhưng để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng khai thác quặng đã cắt cử người cảnh giới và liên lạc với nhau bằng điện thoại di động. Khi thấy động, những đối tượng này tản vào các rẫy mì, rừng bạch đàn xung quanh, nên cơ quan chức năng cũng đành… bó tay.
 
 
Trời bắt đầu nhá nhem tối, nên các đối tượng khai thác cũng nhanh chóng rút lui. Sau khi những người này ra về, phải mất gần 30 phút lùng sục chúng tôi mới phát hiện 3 hầm quặng chì đã bị lấp kín, chỉ còn lại một vài dấu vết đào bới của những người khai thác. Cách điểm khai thác gần 1 km, chúng tôi phát hiện có gần 10 bao tải chứa đầy quặng chì (khoảng 5 tạ) được các đối tượng phủ sơ sài bằng lá cây sát bên lối mòn vào các hầm khai thác (số quặng này sau đó đã được thông báo cho cơ quan chức năng thu giữ). Có lẽ đây là số quặng chì mà 12 thanh niên đã khai thác được trong ngày.
 
 
Điều đáng nói ở đây, dù đã được huyện chỉ đạo và phân công trực vào những thời điểm nhạy cảm, nhưng trong thời gian chúng tôi vào đến điểm khai thác lúc 16 giờ 45 phút đến 18 giờ 30 phút vẫn không thấy bóng dáng của lực lượng liên ngành mà chỉ có 1 kiểm lâm viên tên Viễn đang… đứng đợi đoàn.
 
 
Tình trạng khai thác quặng chì trái phép tại huyện Kông Chro không chỉ bây giờ mới xảy ra. Năm 2007 đã rất nhiều lần các đối tượng vào khai thác, trong giai đoạn này cũng đã có 3 đơn vị đến để xin được khai thác mỏ quặng chì trên địa bàn huyện, nhưng không được sự đồng ý của Sở Tài Nguyên và Môi trường với lý do không nằm trong quy hoạch và trữ lượng thấp.
 
 
Trao đổi với ông Tô Thành Năm- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kông Chro được biết: “Các đối tượng vào đây khai thác đều từ nơi khác đến. Hiện nay, lực lượng liên ngành do Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì đang tiến hành truy quét để ngăn chặn tình trạng này. Trong thời gian tới, sẽ xin ý kiến cấp trên để có biện pháp ngăn chặn triệt để hơn…”.
 
 
Không biết cơ quan chức năng huyện sẽ ngăn chặn triệt để bằng cách nào, vì sau khi hết thời điểm truy quét các đối tượng khai thác quặng chì sẽ tiếp tục hoạt động. Nếu dùng biện pháp này, e rằng chỉ là trò chơi “mèo đuổi chuột” tốn tiền của nhà nước. Nên chăng, tỉnh cần có giải pháp để khảo sát kỹ lưỡng tạo đường cho các doanh nghiệp vào đầu tư để tránh tình trạng chảy máu khoáng sản như hiện nay.

Theo Báo Gia Lai