Chương trình giảm nghèo: Cần tầm nhìn chiến lược

23/12/2010 10:43 AM


Qua 5 năm, hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi thuộc Chương trình 135 giai đoạn II do Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai triển khai đã về đích.

Qua 5 năm, hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi thuộc Chương trình 135 giai đoạn II do Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai triển khai đã về đích.
 
 
Xuất phát từ đặc điểm công tác hỗ trợ phát triển sản xuất cho người nghèo trải rộng trên cả triệu ha khu vực nông thôn toàn tỉnh, địa bàn phân cắt phức tạp; hạng mục đầu tư nhỏ lẻ phân tán, đối tượng đầu tư chủ yếu là cây trồng, vật nuôi có đời sống sinh học đa dạng… để giúp cơ sở xây dựng các dự án mang tính thống nhất, khoa học, ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động ban hành Hướng dẫn số 506/SNN-HTX, ngày 20-10-2006 “Hướng dẫn xây dựng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thuộc Chương trình 135 giai đoạn II”. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số văn bản quản lý các dự án.
 
 
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Từ sự chỉ đạo tích cực sát sao của Sở Nông nghiệp và PTNT, các dự sán hỗ trợ sản xuất 135 giai đoạn II đã được chú trọng đầu tư trực tiếp đến tận thôn, làng và hộ người dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn. Trong quá trình triển khai dự án, người dân được trực tiếp bàn bạc bình bầu hộ nghèo hưởng lợi, tham gia lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương mình. Người dân được tự lựa chọn các loại máy móc thiết bị phù hợp, có trách nhiệm đóng góp thêm công sức tiền của, nên đã phát huy hiệu quả của nguồn vốn.
 
 
Trong 5 năm (2006-2010), dự án đã hỗ trợ cho các hộ nghèo thực hiện khá thành công nhiều nội dung chương trình: Xây dựng các mô hình thâm canh lúa nước, mô hình cắt tạo tán cà phê, mô hình đào ao nuôi cá, mô hình khử chua phèn. Hỗ trợ trồng trọt, cấp giống cây bời lời, giống lúa, giống bắp, giống rau, cây ăn quả, dây tiêu, giống mì, cây bạch đàn. Hỗ trợ chăn nuôi, cấp con giống heo, gà, vịt, cá, bò cái sinh sản, dê sinh sản. Hỗ trợ máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và thu hoạch chế biến như máy cắt lúa, máy cắt cỏ, máy sạc tiêu, máy sạ lúa, máy tuốt lúa, máy cày. Tập huấn cho các hộ nghèo về kiến thức khuyến nông-lâm, khoa học kỹ thuật…
 
 
Kết quả đã thực hiện hỗ trợ 84,32 tỷ đồng cho 56.623 hộ; tập huấn 11.127 lượt người; xây dựng 434 mô hình sản xuất các loại. Trong 5 năm đã cấp cho các hộ nông dân nghèo gần 1.500 tấn hạt giống lúa và bắp; gần 1.900.000 cây giống các loại; gần 10.000 con giống gia súc và gần 2.000 con giống gia cầm các loại; hơn 2.000 kg cá giống; hơn 10.000 máy nông nghiệp và 4.000 công cụ thủ công...
 
 
Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cùng với các nguồn vốn xóa đói giảm nghèo khác đầu tư trên địa bàn các huyện và thị xã đã giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số các xã, làng đặc biệt khó khăn từng bước thoát nghèo và phát triển kinh tế. Nhiều hộ đã có tích lũy, đầu tư xây dựng nhà kiên cố, mua sắm trang-thiết bị và các vật dụng gia đình.
 
 
Tuy nhiên, cùng với những thành tựu rất khả quan, quá trình triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất vẫn còn khá nhiều tồn tại, khó khăn. Chương trình chưa có cơ chế hợp lý trong chỉ đạo, quản lý và triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, phải thay đổi quá nhiều lần trong quá trình thực hiện. Vai trò của Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ kiểm tra đôn đốc, tổng hợp báo cáo dẫn đến thiếu tầm nhìn thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh, các dự án khó gắn với quy hoạch ngành Nông nghiệp và PTNT, khó gắn kết với định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trên bình diện chung toàn tỉnh; khó khăn trong công tác chỉ đạo, tổng hợp tình hình chung. Vai trò của người nghèo, vai trò của các tổ chức kinh tế-xã hội như hợp tác xã, tổ hợp tác trong công tác xóa đói giảm nghèo ở nông thôn còn mờ nhạt...
 
 
Tiếp tục Chương trình 135 giai đoạn tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư cần phải có một số giải pháp phù hợp hơn. Cần phát huy hơn nữa vai trò của người nghèo trong sự nghiệp giảm nghèo, đặt người nghèo ở vị trí trung tâm, tăng tính chủ động tích cực của các hộ hưởng lợi.

Theo Báo Gia Lai