Đưa internet vào trường học

23/12/2010 10:41 AM


Sau 2 năm triển khai chương trình kết nối internet trường học của Chi nhánh Viettel phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo Gia Lai, đến nay đã hoàn thành 100%. Chương trình đã đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác giảng dạy tại các trường học, đặc biệt là đối với học sinh vùng sâu, vùng xa.

Sau 2 năm triển khai chương trình kết nối internet trường học của Chi nhánh Viettel phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo Gia Lai, đến nay đã hoàn thành 100%. Chương trình đã đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác giảng dạy tại các trường học, đặc biệt là đối với học sinh vùng sâu, vùng xa.
 
 
Có mặt tại buổi học tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng của học sinh lớp 9A Trường THCS Trưng Vương (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện), tận mắt chứng kiến các em hồ hởi, hứng thú với những hình ảnh được tải trực tiếp từ internet, mới thấy hết sự thiệt thòi, thiếu thốn của học sinh vùng xa. Bởi không phải em nào cũng có thể dễ dàng truy cập internet khi mà điều kiện sống vẫn còn khó khăn.
 
 
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Khuôn mặt rạng ngời, ánh mắt luôn chăm chú vào màn hình của em Nguyễn Thị Thu Hà đã nói lên tất cả. “Đây là tiết học mà em mong chờ nhất, vì qua những buổi học trực tiếp từ internet này, ngoài những kiến thức được thầy-cô giáo truyền đạt thì em có thể tự tìm hiểu ngay những điều mình còn thắc mắc mà thầy cô vừa dạy”- Hà vui vẻ nói.
 
 
Internet còn là giải pháp hữu hiệu để tra cứu tư liệu, tìm kiếm thông tin đối với các thầy-cô giáo, nhất là giáo viên ở xã, ở huyện-nơi mà muốn tìm nhà sách phải “đỏ con mắt”. Thầy Nguyễn Ngọc Quốc- giáo viên Trường THCS Trưng Vương tâm sự: “Trước đây những tiết học như thế này rất nhàm chán, khó lôi cuốn học sinh vì không có ví dụ minh họa. Nhưng giờ đây việc lấy thêm tư liệu, hình ảnh cụ thể trên mạng để giảng dạy đã giúp rất nhiều cho việc giảng dạy. Nhờ vậy tiết học cũng sinh động, trực quan hơn, các em dễ hiểu bài hơn”...
 
 
Trường THCS Trưng Vương chỉ là một trong 420 trường học mà Viettel triển khai kết nối internet miễn phí, sự kết nối này không chỉ hỗ trợ cho việc giảng dạy và học tập của thầy và trò mà đối với đội ngũ quản lý ngành Giáo dục chương trình đã mang lại những hữu ích thiết thực. Bà Nhan Thị Hằng Nga- Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết: “Đây là chương trình mang tính nhân đạo và xã hội sâu sắc, không những giúp ích cho việc giảng dạy, công tác quản lý của ngành Giáo dục mà internet còn mở ra cho học sinh một cánh cửa… “.
 
 
Tuy nhiên, điều khiến bà trăn trở nhất là việc “duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ và đường truyền”. Bởi trên thực tế để bảo quản tốt các thiết bị, đảm bảo đường truyền của nhà cung cấp là vấn đề được nhiều lãnh đạo trường học quan tâm. Ông Trần Văn Thế- Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa) là trường mới tách chưa được hưởng hỗ trợ từ chương trình cho biết:  “Mọi thiết bị phục vụ nối mạng internet hiện vẫn do nhà trường tự mua và trả cước, trong đó có đến 1/4 giáo viên trong trường sử dụng D-Com 3G nhưng rất tiếc là họ chỉ dùng được ở nhà (thị trấn Phú Túc) còn khi đến trường thì không dùng được vì chưa có sóng 3G. Nhà trường rất mong muốn Viettel sẽ phủ sóng 3G trong thời gian tới”.
 
 
Đây cũng là vấn đề được các cấp lãnh đạo của Viettel quan tâm, theo ông Trịnh Quốc Dũng- Phó Giám đốc Chi nhánh Viettel Gia Lai: Để nâng cao chất lượng, vừa qua Chi nhánh Viettel Gia Lai thực hiện chuyển đổi phủ sóng 3G cho 70% trường học (thay cho sóng 2,5G trước đây).
 
 
Dự kiến, trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai phủ sóng 3G ở các trường còn lại, đạt mục tiêu 100% các trường học có sóng 3G của Viettel, đồng thời những trường mới tách chưa có danh sách sẽ được bổ sung vào chương trình sắp tới...

Theo Báo Gia Lai