Nông nghiệp khu vực phía Đông Gia Lai: Còn nhiều nan giải

22/12/2010 07:31 AM


Sự thiếu hụt và xuống cấp của hệ thống thủy lợi, không thể đảm bảo nước tưới trong mùa khô; diện tích đất nông nghiệp bạc màu chiếm tỷ lệ lớn đã làm cho sản xuất của nông dân khu vực phía Đông Gia Lai gặp khó khăn…

Sự thiếu hụt và xuống cấp của hệ thống thủy lợi, không thể đảm bảo nước tưới trong mùa khô; diện tích đất nông nghiệp bạc màu chiếm tỷ lệ lớn đã làm cho sản xuất của nông dân khu vực phía Đông Gia Lai gặp khó khăn…
 
 
Với hơn 100.000 ha đất nông nghiệp, khu vực phía Đông được quy hoạch là một trong những vùng trọng điểm để phát triển nông nghiệp của Gia Lai. Nhưng hiện nay, khu vực này, diện tích đất bạc màu chiếm từ 10% đến 15%, trong đó nhiều nhất tập trung ở 2 huyện nghèo Kông Chro và Đak Pơ.
 
 
Đất bạc màu sản xuất nông nghiệp gặp khó. Ảnh: Lê Anh
Đất bạc màu sản xuất nông nghiệp gặp khó. Ảnh: Lê Anh
Ông Nguyễn Trường- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ cho biết: “Dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng hiện nay, diện tích đất bạc màu chiếm tỷ lệ khá lớn, trải đều trên địa bàn huyện nên để sản xuất những loại cây trồng đạt hiệu quả kinh tế gặp không ít khó khăn. Dù cũng đã có những biện pháp nhằm cải tạo đất, nhưng hiệu quả mang lại không cao…”.
 
 
Do không thể sản xuất trên những diện tích đất bạc màu, nên rất nhiều nơi nông dân đã để cho đất “chết” đi tìm công việc khác hoặc đi thuê lại đất của các hộ người dân tộc thiểu số để sản xuất khiến đời sống của họ luôn bấp bênh. Điển hình như xã Kông Yang (huyện Kông Chro), cả xã có hơn 2.000 ha đất nông nghiệp, thì gần 30% trong số đó chỉ toàn sỏi đá, nông dân không thể sản xuất. Anh Đinh Công- xã Kông Yang (huyện Kông Chro) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1 ha đất nhưng không thể trồng được các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế, nên phải đi vào tận xã An Trung để thuê đất sản xuất. Với 2 ha mỗi năm phải trả tiền thuê hơn 3 triệu đồng”.
 
 
Không những khó khăn về nguồn tài nguyên đất, khu vực phía Đông tỉnh đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn nước sản xuất. Với 223 công trình thủy lợi chia đều cho 4 huyện, đáp ứng nguồn nước tưới cho gần 1.500 ha cây trồng (chủ yếu là lúa nước) đạt tỷ lệ từ 50% đến 60% nhu cầu về lượng nước tưới tiêu. Trong đó, huyện Kbang có 31 công trình (cung cấp nước cho 594 ha), thị xã An Khê 170 công trình (358 ha), Đak Pơ 12 công trình (218,2 ha) và Kông Chro 10 công trình thủy lợi (195,5 ha).
 
 
Bên cạnh đó, những công trình thủy lợi trên khu vực được xây dựng từ khá lâu, chủ yếu theo dạng bán kiên cố nên bị xuống cấp trầm trọng chỉ sau vài đợt mưa lũ. Một số công trình thủy lợi với nhiều lý do khác nhau không đảm bảo lượng nước tưới như năng lực thiết kế ban đầu, nên vào mùa khô, lượng nước các công trình này chỉ đáp ứng tưới hơn 40% diện tích cây trồng.
 
 
Những khó khăn này đã  rất nhiều lần được các địa phương đề cập đến, nhưng do thiếu kinh phí, cùng với địa hình đồi núi nên việc xây dựng thêm hệ thống thủy lợi khó mang lại hiệu quả. Ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro cho biết: “Hiện nay, huyện thiếu nhiều công trình thuỷ lợi, một phần do điều kiện thổ nhưỡng, địa hình của địa phương phức tạp. Hạn hán luôn xảy ra nên để các công trình thủy lợi đạt hiệu quả và xây dựng thêm gặp khó khăn”.
 
 
Để có thể đảm bảo nguồn nước tưới, hàng năm, nông dân phải tự đào ao tích nước hoặc dùng máy bơm làm tăng chi phí sản xuất. Chỉ tính riêng trong 2 đợt hạn năm 2009 và 2010 cũng đã gây thiệt hại cho nông dân hơn 20 tỷ đồng.
 
 

Theo Báo Gia Lai