Những công trình văn hóa ý nghĩa

17/12/2010 08:30 AM


Trong nỗ lực kiến tạo lại kiến trúc đặc thù của thành phố cao nguyên trong quá trình đô thị hóa thì những công trình văn hóa mang đậm bản sắc là một trong những điểm nhấn quan trọng làm nên vẻ đẹp riêng của một thành phố trẻ, hiện đại Pleiku.

Những cây thông cổ thụ góp phần định hình cho kiến trúc TP. Pleiku.  Ảnh: H.N
Những cây thông cổ thụ góp phần định hình cho kiến trúc TP. Pleiku. Ảnh: H.N
Trong nỗ lực kiến tạo lại kiến trúc đặc thù của thành phố cao nguyên trong quá trình đô thị hóa thì những công trình văn hóa mang đậm bản sắc là một trong những điểm nhấn quan trọng làm nên vẻ đẹp riêng của một thành phố trẻ, hiện đại Pleiku.

Biểu tượng TP. Pleiku mang dáng dấp của cây nêu trong truyền thống các dân tộc bản địa Tây Nguyên, thẳng vút, kiêu hãnh đặt tại ngã ba Diệp Kính làm xúc động những ai một lần chiêm ngưỡng. Công trình làm hoàn toàn bằng đá sa thạch này mang về từ tận vùng đất Ninh Bình. Biểu tượng Pleiku giàu ý nghĩa bởi bốn mặt trụ đá đều khắc họa biểu tượng văn hóa Tây Nguyên với những hoa văn trên trang phục, trên thân nhà rông, biểu tượng sinh tồn, cồng chiêng… Với chất liệu đá được chọn lọc kỹ càng, sự tinh xảo trong điêu khắc và vẻ đẹp đầy tính biểu tượng của công trình này là điểm nhấn trong hàng loạt những công trình văn hóa trong lòng đô thị trẻ Pleiku.
 
 
Cụm các công trình văn hóa tập trung tại khu vực trung tâm của thành phố như Quảng trường Đại Đoàn Kết, Bảo tàng Hồ Chí Minh- Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, tượng Anh hùng Núp, Công viên Lý Tự Trọng tạo sự hài hòa trong quy hoạch khu trung tâm văn hóa của tỉnh. Nhất là ở mỗi công trình, đều chứa đựng những câu chuyện về văn hóa lịch sử của vùng đất cao nguyên trong cuộc khai phá, xây dựng. Tượng đài Anh hùng Núp đặt tại ngã ba Hoa Lư không chỉ là biểu tượng giàu giá trị thẩm mỹ mà còn có tác dụng giáo dục rất lớn đối với thế hệ tương lai. Biểu tượng đầy tự hào này còn tượng trưng cho sức mạnh, vẻ đẹp của người Tây Nguyên nói chung.
 
 
Đặc biệt, công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên vừa khởi công xây dựng sẽ là một trong những dấu ấn văn hóa quan trọng. Tượng Bác đúc bằng đồng, cao 10,8 mét; bệ tượng cao 4,5 mét. Phù điêu dài 58 mét bằng đá tự nhiên, có nhiều cánh sen cách điệu phía sau và hai bên tượng Bác. Trên bức phù điêu là những hình ảnh đặc trưng trong truyền thống văn hóa, lịch sử của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đây còn được xem là công trình nghệ thuật quan trọng trong quy hoạch tổng thể.
 
 
Những công trình tôn giáo như chùa Minh Thành, nhà thờ Thăng Thiên cũng là một trong những kiến trúc tôn giáo hiện đại nhưng mang đặc trưng riêng. Đặc biệt là nhà thờ ở Plei Choét mang dáng dấp nhà rông truyền thống và sự cách điệu của những nét hoa văn bản địa đem lại nét trang nghiêm, dấu ấn của kiến trúc văn hóa… Bên cạnh những công trình văn hóa, việc trồng lại hàng trăm cây thông trên các tuyến đường lớn của thành phố hứa hẹn sẽ mang lại vẻ đẹp cho thành phố cao nguyên trong tương lai không xa. Còn nhớ cách đây chưa lâu, nhiều người dân TP. Pleiku không khỏi tiếc nuối khi nhiều cây thông cổ thụ trên một số tuyến phố bị đốn, thay vào đó là cây bàng. Nhưng vài năm trở lại đây, các tuyến đường được trồng thông trở lại. Ngoài ra, các loại cây có giá trị tạo cảnh quan xanh sạch cho Pleiku như sao, điệp… cũng được trồng trên một số tuyến phố.
 
 
Phát triển nhanh nhưng không đánh mất đi đặc trưng là mục tiêu được các nhà quản lý nhắc đến nhiều đối với thành phố trẻ Pleiku.

Theo Báo Gia Lai