Gia Lai: Nhiều lỗ hổng trong quản lý bảo vệ rừng

10/12/2010 07:16 AM


Năm 2010, các cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện 1.641 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tăng 142 vụ so với năm 2009. Tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng xảy ra hầu hết ở các địa phương trong tỉnh.

 
Năm 2010, các cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện 1.641 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tăng 142 vụ so với năm 2009. Tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng xảy ra hầu hết ở các địa phương trong tỉnh.

 
 
Trước vấn nạn “chảy máu” tài nguyên rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Xuân Liên yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của chủ rừng, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương.
 
Sở dĩ phải “mổ xẻ” đến nơi, đến chốn là vì những giải pháp bảo vệ rừng được UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể, hỗ trợ kinh phí, phương tiện, giải quyết kịp thời vướng mắc nhưng vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng thậm chí hình thành điểm nóng. Có những vụ UBND tỉnh chỉ đạo địa phương triển khai lực lượng chốt chặn vây bắt, song thông tin lại sớm đến tai “lâm tặc”(?). Rồi chuyện người dân huyện Mang Yang lấn chiếm đất rừng thông xây nhà, lấy đất sản xuất nhưng vẫn được UBND huyện cấp quyền sử dụng đất(?). Tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép tại huyện Đak Pơ và thị xã An Khê trong khi đó chủ rừng, chính quyền địa phương vẫn không giải quyết dứt điểm.

Liên quan đến nạn lấn chiếm đất rừng tại thị xã An Khê và huyện Đak Pơ, lãnh đạo 2 địa phương này cho rằng trách nhiệm thuộc về Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê. Mặc dù chính quyền nhiều lần yêu cầu đơn vị phối hợp với Hạt Kiểm lâm giải quyết dứt điểm tình trạng lấm chiếm đất rừng nhưng Ban Quản lý không làm.
 
 
Không chỉ có Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê, nhiều ban quản lý rừng và chủ rừng buông lỏng công tác giữ rừng. Việc thiếu kiểm tra, giám sát gián tiếp tạo cơ hội cho một số người lấn chiếm rừng, lâm tặc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Trên thực tế vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức cấp xã nể nang, ngại va chạm. Sự phối, kết hợp giữa Đội Kiểm lâm cơ động, Đoàn kiểm tra liên ngành chưa chặt chẽ.
 
 
Xây dựng giải pháp giữ rừng hiệu quả, hạn chế tối đa nạn “chảy máu” tài nguyên rừng là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Theo lãnh đạo các địa phương có rừng, UBND tỉnh sớm tổng kết các chương trình giao khoán quản lý bảo vệ rừng, nâng mức hỗ trợ cho người nhận khoán. Bên cạnh đó cần củng cố lại năng lực các ban quản lý rừng, chủ rừng, lực lượng kiểm lâm; hỗ trợ kinh phí cho lực lượng dân quân, Công an xã trực tiếp giữ rừng và kiên quyết xử lý các ban quản lý rừng phòng hộ, chủ rừng không hoàn thành trách nhiệm giữ rừng.

Theo Báo Gia Lai