Kỳ họp 21- HĐND tỉnh khóa IX: “Nóng” nhiều lĩnh vực

09/12/2010 07:19 AM


Chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su còn nhiều bất cập, hỗ trợ giống không đúng nhu cầu địa phương, ngành điện còn biểu hiện độc quyền, thất thoát trong đấu thầu thuốc, giáo dục vẫn chạy theo thành tích, nạn ô nhiễm môi trường… là những nội dung được các đại biểu nêu lên trong phần thảo luận tổ như những vấn đề cấp bách tại kỳ họp thứ 21- HĐND tỉnh khóa IX vào ngày làm việc thứ hai, 8-12.

Chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su còn nhiều bất cập, hỗ trợ giống không đúng nhu cầu địa phương, ngành điện còn biểu hiện độc quyền, thất thoát trong đấu thầu thuốc, giáo dục vẫn chạy theo thành tích, nạn ô nhiễm môi trường… là những nội dung được các đại biểu nêu lên trong phần thảo luận tổ như những vấn đề cấp bách tại kỳ họp thứ 21- HĐND tỉnh khóa IX vào ngày làm việc thứ hai, 8-12.

Chú trọng đầu tư cho “tam nông”

“Mổ xẻ” câu chuyện chuyển rừng nghèo sang trồng cao su, đại biểu Đinh Duy Vượt, Phó Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh, khẳng định: Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, một trong những mục tiêu của chủ trương này là tiếp nhận lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân nhằm nâng cao cuộc sống người dân, giải quyết lao động nông thôn, thì lại chưa được thực hiện tốt. Một số doanh nghiệp được tỉnh giao đất rừng nghèo trồng cao su chỉ mới tiếp nhận lao động là đồng bào thiểu số làm việc thời vụ, còn làm việc lâu dài rất hạn chế, có doanh nghiệp chỉ tiếp nhận… 10 lao động.
 
 
 
Ông Rơ Mah Giáp, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Chư Pưh, cũng cho rằng hiện tại vẫn còn một số doanh nghiệp chưa có chiến lược trồng cao su gắn với vấn đề xã hội, thậm chí có doanh nghiệp không để lại quỹ đất dự phòng để bố trí dân cư sau này theo quy định của UBND tỉnh. Cá biệt, có doanh nghiệp được giao đất trồng cao su tại huyện Chư Pưh, song khi lãnh đạo xã mời dự họp của xã thì doanh nghiệp này… không thèm tới dự.

 
Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật
Về nông nghiệp, đại biểu Rơ Mah Giáp thừa nhận UBND tỉnh đã chỉ đạo kịp thời việc hỗ trợ kinh phí mua giống, cây trồng hỗ trợ cho nông dân khắc phục diện tích gieo trồng bị hạn. Thế nhưng thực tế hỗ trợ giống không đáp ứng được nguyện vọng của nông dân. Dân yêu cầu cấp giống ngô lai lại nhận được… giống lúa. Chưa kể giống được chuyển về một số địa phương quá chậm so với lịch thời vụ, người được hỗ trợ giống chẳng biết làm gì với số lượng giống, cây trồng được nhận, đành bỏ đi hoặc sử dụng sai mục đích, dẫn đến tiền ngân sách Nhà nước bỏ ra không phát huy được hiệu quả.
 
 
 
Tương tự, ông Nguyễn Phú Lộc, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Kông Chro, cũng than phiền: “Đặc điểm thổ nhưỡng của Kông Chro rất thích hợp với bắp lai và lúa rẫy, thế nhưng lại được cấp… lúa nước”. Liên quan đến một dự án cũng khá tréo nghoe là dự án “Đại  bò sữa” của Công ty Đồng Xanh có 100% vốn nước ngoài có trụ sở tại 250 Trường Chinh- TP. Pleiku, ông Rơchăm Keo, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Đức Cơ bức xúc nói: “Dự án bò sữa Úc nhưng đến nay chỉ có 3 con bò… bằng xi măng tọa lạc ngay cổng trụ sở. Khổ là khi cơ quan chức năng mời đến làm việc thì không đến. Đề nghị tỉnh cần có hướng xử lý”.

Cũng về phát triển nông nghiệp, ông Chử Lương Đào, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị TP.Pleiku, còn chỉ ra một thực tế: Vẫn còn một bộ phận nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thiếu vốn đầu tư nên tìm đến các đại lý trên địa bàn ứng trước phân bón, vật tư nông nghiệp; đến vụ thu hoạch phải mang sản phẩm ra trả nợ ứng như một hình thức “bán lúa non” cho các đại lý, từ đó “gánh” thiệt hại về mình. “Đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm can thiệp tình trạng này, hạn chế thiệt hại cho nông dân”- ông Đào nói.

 
Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật
Phát triển nguồn nhân lực- nhiều lo ngại


Tỉnh cần có kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo học sinh, đặc biệt là học sinh DTTS, vùng sâu vùng xa- đó cũng là kiến nghị của rất nhiều đại biểu tại kỳ họp lần này. Bởi, như thực tế mà đại biểu Nguyễn Phú Lộc trình bày, thì chất lượng giáo dục hiện nay rất thấp, đặc biệt ở những địa phương khó khăn. “Đến giờ, tôi vẫn chưa thấy có biện pháp cụ thể nào để nâng cao chất lượng dạy và học. Ngành Giáo dục vẫn cứ chạy theo thành tích, vẫn yêu cầu mỗi lớp phải có bao nhiêu học sinh giỏi thì giáo viên mới được khen thưởng, do vậy họ cứ phải “bơm” thành tích lên”- ông Lộc nói khá gay gắt. Một trong số những biện pháp mà ông đề nghị là nên xem xét hỗ trợ luôn cho học sinh bán trú lớp 8, 9 thay vì chỉ cho học sinh lớp 5, 6, vì nếu chỉ hỗ trợ đến lớp 5, 6 thì học sinh sẽ bỏ học, như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và vấn đề phát triển nguồn nhân lực của huyện.

Liên quan đến vấn đề nhân lực, đại biểu Hoàng Công Lự cũng bày tỏ sự phấn khởi với tờ trình về “Sửa đổi, bổ sung chế độ hỗ trợ, đào tạo sau ĐH và chính sách thu hút người có trình độ cao về công tác tại Gia Lai”. Theo tờ trình này, hầu như các khoản hỗ trợ đều tăng gấp đôi so với trước đây: Cán bộ, công chức, viên chức học tiến sĩ sẽ được hỗ trợ 35 triệu đồng, chuyên khoa cấp 2: 25 triệu đồng, thạc sĩ: 20 triệu đồng, chuyên khoa cấp 1: 15 triệu đồng; chưa kể, những người ôn thi cũng được nhận tiền hỗ trợ ôn thi, học phí, tài liệu… Người có trình độ cao có nhu cầu về công tác tại tỉnh cũng sẽ được hỗ trợ 55 triệu đồng đối với học vị tiến sĩ, 35 triệu đồng- chuyên khoa cấp 2, 25 triệu đồng- thạc sĩ và 20 triệu đồng- chuyên khoa cấp 1. Tuy vậy, ông Lự cũng bày tỏ không ít băn khoăn khi mà nhiều năm nay tỉnh chưa đón được “ông Tiến sĩ” nào về công tác, và nêu thực tế tại tỉnh bạn Lâm Đồng: Tỉnh này ra quyết định hỗ trợ 100 triệu đồng đối với chức danh tiến sĩ nhưng 3 năm nay không có ai về!
Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật
Cần quan tâm vấn đề dân sinh, xã hội

Tại buổi thảo luận, lãnh đạo ngành điện Gia Lai cũng đã phải nghe rất nhiều lời than phiền của cử tri. Ông Nguyễn Ngọc Thi, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Chư Pah, cho biết, qua tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến phản ánh: Ở các huyện, ngành điện quy định các khách hàng phải tập trung đóng tiền điện ở 1 địa điểm, chỉ cần chậm 2-3 ngày là đã bị ngắt điện, gây khó khăn cho sinh hoạt, sản xuất. Chẳng hạn, xã Hà Tây (Chư Pah) là một xã rất rộng, các làng lại cách xa nhau, nếu phải tập trung đóng tiền trong 1 ngày thì không kịp. Nhiều cử tri cũng cho rằng hợp đồng cung cấp điện là hợp đồng đã được soạn sẵn theo hướng có lợi cho ngành điện, nhưng nếu khách không đồng ý thì Công ty bèn… không bán điện. “Như thế là không công bằng và có biểu hiện dộc quyền”- ông Thi phản ánh các ý kiến. Ông Nguyễn Phú Lộc cũng kiến nghị, tại các huyện, nên dời công tơ điện vào nhà dân để người dân được biết số điện dùng trong tháng là bao nhiêu, “nếu cứ treo công tơ điện ở trụ điện như lâu nay thì chẳng ai dám trèo lên cột điện mà giám sát”.

 
Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật
Vụ thất thoát trong đấu thầu thuốc vừa qua cũng là nội dung được các đại biểu HĐND hết sức quan tâm. Theo đại biểu Đinh Duy Vượt, thất thoát trong đấu thầu thuốc đã được cơ quan chức năng điều tra, kết luận. Tuy nhiên, ông Vượt yêu cầu xem xét trách nhiệm của các cơ quan liên quan, bởi sai phạm này Sở Y tế không chỉ “gánh” một mình mà còn có trách nhiệm của các cơ quan đảm nhận công việc thẩm định, phê duyệt giá thuốc bao gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài Chính.


Bên cạnh đó, một vấn đề hết sức thời sự và bức thiết được phản ánh qua ý kiến của các đại  biểu là vấn đề ô nhiễm trầm trọng sông Ba do toàn bộ nước thải của nhà máy mì An Khê, nhà máy đường An Khê, nhà máy khai thác quặng của Hoàng Anh Gia Lai… đều đổ ra đây. Dòng sông cũng có nguy cơ bị bức tử vì lượng nước quá ít sau khi thủy điện An Khê- Ka Nát chặn dòng. “Cần có cách điều chỉnh lưu lượng nước, nếu không sông Ba sẽ chết”- ông Hồ Văn Điềm, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Kông Chro, cảnh báo.

Về vấn đề an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, các đại biểu cũng mong muốn tỉnh chỉ đạo quyết liệt để sớm giải quyết, khắc phục tình trạng an ninh học đường, phạm pháp tuổi vị thành niên tăng, tội phạm ma tuý, tệ nạn xã hội, trộm cắp... đang có chiều hướng gia tăng gây hoang mang tâm lý người dân. Do vậy, ông Nguyễn Ngọc Thi đã mạnh dạn đề nghị một trong số các giải pháp là tỉnh nên chi ngân sách 5-10 tỷ đồng/năm để ngành Tòa án tổ chức xét xử lưu động, bởi “đây là phương thức tuyên truyền Pháp luật hiệu quả nhất, trực quan nhất”.

Theo Báo Gia Lai