Nông nghiệp Gia Lai tăng trưởng ổn định

30/11/2010 07:29 AM


Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị trên lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Gia Lai đạt được những thành tựu khả quan. Nổi bật là trên 3 lĩnh vực chủ lực: Trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất lâm nghiệp, góp phần tạo bước tăng trưởng ổn định ngành nông nghiệp giai đoạn 2006-2010 là 7,62%.

Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị trên lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Gia Lai đạt được những thành tựu khả quan. Nổi bật là trên 3 lĩnh vực chủ lực: Trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất lâm nghiệp, góp phần tạo bước tăng trưởng ổn định ngành nông nghiệp giai đoạn 2006-2010 là 7,62%.
 
 
Có được kết quả này phải kể đến sự chỉ đạo có trọng tâm của tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở vùng nông thôn làm tiền đề đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Tập trung khai thác tối đa quỹ đất sản xuất của từng địa phương để tăng diện tích cây trồng chủ lực, hình thành vùng chuyên canh cây trồng ngắn-dài ngày như: Lúa nước, cà phê, hồ tiêu, điều, chè, mía, bắp lai... gắn với các nhà máy chế biến, nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
 
 
Thu hoạch bắp. Ảnh: Đức Thụy
Thu hoạch bắp. Ảnh: Đức Thụy
Ước tính, năm 2010, tổng diện tích gieo trồng đạt 447.588 ha, tăng 142.472 ha so với năm 2001. Trong đó, nhóm cây công nghiệp dài ngày là 204.558 ha, tăng 56.496 ha; nhóm cây lương thực 130.280 ha, tăng 41.950 ha; nhóm cây công nghiệp ngắn ngày 31.500 ha, tăng 6.654 ha so với năm 2001.
 
 
Đi cùng tốc độ tăng trưởng diện tích, tác động các dự án phát triển giống lúa nước năng suất, chất lượng cao; chương trình phát triển giống cây trồng tạo ra cơ cấu giống thích nghi điều kiện thổ nhưỡng từng vùng để thay thế giống cũ thoái hóa; cải tiến nông cụ sản xuất từng bước ứng dụng và mở rộng phạm vi cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng..., góp phần làm cho năng suất các loại cây trồng tăng từng vụ, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác được cải thiện.
 
 
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2010 đạt 539.200 tấn, tăng 299.340 tấn so với năm 2001. Tổng sản lượng mủ cao su năm 2009 đạt 68.183 tấn, tăng 53.433 tấn. Sản lượng cà phê năm 2010 ước đạt trên 145.509 tấn...
 
 
Trên lĩnh vực chăn nuôi cũng được quan tâm đầu tư đúng mức, dự án lai đàn bò, nạc hóa đàn heo, chương trình phát triển giống vật nuôi...; đã chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, giống bò chuyên thịt, giống Brahman thuần, bò lai hướng thịt giữa bò đực các giống Red Angus, Limousime và Drought với bò cái lai Sindhi; heo nái ngoại tổng hợp chất lượng cao, heo nái Móng Cái MC15 dòng có năng suất sinh sản cao và dòng MC3000 tỷ lệ nạc cao cho nông dân. Nhờ vậy, tỷ lệ bò lai đến thời điểm này đạt 35% so với tổng đàn 336.363 con; tỷ lệ heo hướng nạc chiếm 65% so với tổng đàn 353.622 con. Đã hình thành vùng chăn nuôi bò lai tập trung tại các huyện, thị xã như: Kbang, Đak Pơ, An Khê; heo hướng nạc ở thành phố Pleiku và vùng phụ cận huyện Chư Pah, Đak Đoa; gà công nghiệp, gà thả vườn tập trung ở thành phố Pleiku; dê Bách Thảo tại huyện Krông Pa.
 
 
Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh lên 6.550 ha mặt nước, chiếm 51,8% tổng diện tích mặt nước nuôi trồng. Chất lượng sản phẩm vật nuôi được thị trường trong và ngoài tỉnh chấp nhận góp phần vào kết quả tổng giá trị sản xuất của lĩnh vực này đạt 326,940 tỷ đồng, tăng 5,7648 tỷ đồng so với năm 2005.
 
 
Cùng với sự phát triển trên, toàn tỉnh trồng mới hơn 48.324 ha rừng phòng hộ, đặc dụng và rừng sản xuất được đánh giá là thành công lớn và có ý nghĩa quan trọng trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị trên lĩnh vực nông nghiệp. Kết quả trên đã góp phần vào thành công của chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng trên phạm vi cả nước; nâng cao độ che phủ của rừng, cải thiện môi trường sống, giải quyết việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
 
 
Tiếp tục khai thác hiệu quả diện tích rừng, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng quy hoạch giống cây lâm nghiệp đưa vào trồng mới, làm phong phú vốn rừng; rà soát quy hoạch sử dụng bền vững 3 loại rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất gắn với triển khai đồng bộ các chương trình giao khoán bảo vệ rừng; giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất. Tổng diện tích rừng khoán quản lý, bảo vệ hàng năm đạt 86.000 ha; diện tích rừng giao khoanh nuôi tái sinh rừng bình quân 2.888 ha/năm.
 
 
Nhờ làm tốt công tác trồng rừng, quản lý bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng, nên mức tăng trưởng rừng tự nhiên hàng năm đạt 2% đảm bảo chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiêm. Mức tăng trưởng rừng trồng đạt 8%, sản lượng gỗ khai thác cung cấp cho nhà máy chế biến đạt 76.000 m3/năm.

Theo Báo Gia Lai