Thêm gánh nặng cho nhiều gia đình vì học phí

28/11/2010 05:30 AM


Khi những buổi tham vấn ý kiến nhân dân về mức thu học phí mới đang “nóng” lên tại một số địa phương thì các bậc phụ huynh- nhất là những gia đình khó khăn- cũng ngay ngáy lo gánh nặng gia đình sẽ càng đè nặng thêm nếu tăng học phí.

Khi những buổi tham vấn ý kiến nhân dân về mức thu học phí mới đang “nóng” lên tại một số địa phương thì các bậc phụ huynh- nhất là những gia đình khó khăn- cũng ngay ngáy lo gánh nặng gia đình sẽ càng đè nặng thêm nếu tăng học phí.
 
 
“Mong được mùa để nuôi con ăn học”
 
 
Từ một vùng quê nghèo ở Thái Bình, ông Trịnh Văn Di (SN 1954) vào Gia Lai lập nghiệp năm 1984 theo diện kinh tế mới tại thôn Hưng Phú, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa. Sau 26 năm lập nghiệp, giờ đây gia đình ông có 5 ha bắp, 3 con heo nái, 3 con bò và một ao cá. Thế nhưng, cuộc sống gia đình vẫn còn chật vật lắm khi ông có tới 7 mặt con, trong đó 5 đứa đang tuổi ăn học. Sức già, một mình lao động cật lực ông vẫn khốn khó trong kế mưu sinh. Ông cho biết: “Đầu năm học tôi phải bán 2 con bò để trang trải cuộc sống và lo cho lũ nhỏ đi học”.
 
 
Ông Trịnh Văn Di, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa: “Chắc tôi phải bán rẫy nuôi 5 đứa con ăn học...”. Ảnh: Hồng Sơn
Ông Trịnh Văn Di, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa: “Chắc tôi phải bán rẫy nuôi 5 đứa con ăn học...”. Ảnh: Hồng Sơn
Dự buổi tham vấn về mức tăng học phí tại UBND xã Ia Rsươm, ông Di kể: “Đầu năm, đứa con gái Trịnh Thị Tưởng xin tiền nhập học tại Trường Cao đẳng Hải Dương. Nhà đang cảnh tù túng vì mùa màng thất bát, cả bốn đứa em đang cần tiền đóng học phí nên ông đành phải bán 2 con bò để các con có tiền đi học”.

 
 
Cứ bám vào 5 ha bắp thì không đủ cho cuộc sống, liệu kế mưu sinh, ông vừa vay nóng một số tiền để đầu tư mua 3 con heo nái và 8 triệu đồng mua cá giống, mong kiếm tiền nuôi con ăn học. “Mong rằng được mùa, chăn nuôi thuận lợi, có thế thì 5 đứa nhỏ mới có điều kiện ăn học. Học phí sắp tới có thể tăng nhưng không thể để các con thất học”-ông nói. Ông lại dự liệu: “Nếu khó khăn quá, chắc tôi phải bán bớt rẫy để trang trải tiền cho 5 đứa ăn học”.
 
 
“Không nên tăng học phí quá cao”
 
 
Không chỉ ở các xã khó khăn hoặc các xã vùng sâu, ngay tại TP. Pleiku, nhiều gia đình mưu sinh bằng các nghề lao động chân tay cũng gặp không ít khó khăn nếu học phí tăng cao. Trong căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa một con hẻm ở tổ 16, phường Hội Thương, chị Châu Thị Tâm khá mỏi mệt khi liệt kê các khoản học phí và chi phí học tập của 4 đứa con: Mỗi tháng gia đình phải gửi 3 triệu đồng cho 2 đứa con lớn đang học tại Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Bình Dương, chưa kể học phí 4,8 triệu đồng/năm cho mỗi đứa; đứa thứ 3 đang học tại một trường THCS chi phí cũng không ít, kể cả tiền học thêm; đứa út đang học mầm non, mỗi tháng phải chi 365.000 đồng tiền học phí và tiền ăn. Vị chi mỗi tháng anh chị đầu tư cho các con ăn học xấp xỉ 4 triệu đồng, trong khi thu nhập của chồng chị là anh Đặng Văn Sâm-công nhân kỹ thuật của một công ty cổ phần- chỉ 3-4 triệu đồng/tháng; nồi bánh canh của chị mỗi sáng cũng chỉ phụ thêm cho gia đình chừng hơn 2 triệu đồng/tháng. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều phải tằn tiện mới đủ lo cho con cái học hành.
 
  

Nguyên tắc xác định học phí mầm non và giáo dục phổ thông quy định tại chương III, điều 10 của Nghị định 49/2010/NĐ-CP: Mức học phí đề nghị điều chỉnh được xác định theo thu nhập bình quân hộ gia đình với mức học phí và chi phí học tập  không vượt quá 5% thu nhập của hộ gia đình của mỗi vùng. Theo quy định, Gia Lai là tỉnh vùng cao nên khung học phí đối với giáo dục mầm non và giáo dục công lập của tỉnh được phép thu từ 5.000 đồng đến 40.000 đồng/học sinh/tháng.

Khó khăn là vậy nhưng vì không thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo nên các con chị không được miễn giảm học phí. Xem qua mức học phí đề nghị điều chỉnh tại các phường và thị trấn (do Sở Giáo dục-Đào tạo trình UBND tỉnh), cụ thể học phí của nhóm trẻ mẫu giáo học 2 buổi/ngày được đề nghị tăng từ 15.000 đồng lên 40.000 đồng/tháng; lớp 6, 7 tăng từ 8.000 đồng lên 25.000 đồng/tháng, lớp 8, 9 tăng từ 12.000 đồng lên 30.000 đồng/tháng, cấp THPT tăng từ 18.000 đồng lên 40.000 đồng/tháng, chị Tâm chỉ biết thở dài. “Nếu tăng học phí mà giảm các khoản thu khác thì gia đình cũng phải cố gắng thôi”- chị nói, bởi thực tế các khoản thu ngoài học phí (xây dựng cơ sở vật chất, vệ sinh, đồng phục…) của các trường hiện nay cũng không hề nhỏ. Chị cũng đề xuất: “Bây giờ thứ gì cũng tăng giá, cuộc sống đã rất khó khăn, cho nên theo tôi nếu học phí có tăng thì cũng tăng vừa phải thôi. Khó khăn đến mấy vợ chồng tôi cũng cố gắng cho con học cái chữ để nuôi thân. Đời cha mẹ đã khổ rồi, không muốn con cái cũng khổ như mình”.

Theo Báo Gia Lai