Gia Lai: Nhân giống hoa bằng công nghệ nuôi cấy mô

25/11/2010 07:32 AM


Năm 2007, Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh Gia Lai chủ trì đề tài khoa học cấp tỉnh: Nhân giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô. Đến năm 2010, đề tài trên được cụ thể hóa bằng dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất hoa thương phẩm tại vùng ven TP. Pleiku và vùng phụ cận.

Năm 2007, Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh Gia Lai chủ trì đề tài khoa học cấp tỉnh: Nhân giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô. Đến năm 2010, đề tài trên được cụ thể hóa bằng dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất hoa thương phẩm tại vùng ven TP. Pleiku và vùng phụ cận.
 
Đề tài được đánh giá là tiền đề nâng cao trình độ canh tác cho nông dân, thay đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chủ động nguồn giống tại chỗ đảm bảo chất lượng tốt mới chính thức đưa vào ứng dụng.
 
Ảnh: Quang Văn
Ảnh: Quang Văn
Theo kỹ sư Nguyễn Hoàng Bảo Ngân- Chủ nhiệm dự án, Trung tâm đã đưa giống vào trồng thử nghiệm tại thị xã An Khê, xã An Phú và Chư Á (TP. Pleiku). Các loại hoa được nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô là hoa cúc, cẩm chướng. Trong đó, hoa trồng ở môi trường mùn, đất mùn cộng với cát mịn kết hợp dùng phân hữu cơ vi sinh tỷ lệ cây hoa sống đạt 100%. Các môi trường còn lại là cát mịn, đất mùn kết hợp với cát mịn sử dụng phân hữu cơ vi sinh tỷ lệ cây sống đạt 85-90%.
 
Cũng từ kết quả thử nghiệm cho thấy thời gian trồng đến ngày ra hoa, thu hoạch từ 3,5 đến 4 tháng. Hoa cúc nở đồng đều, đường kính trung bình từ 7 cm đến 8 cm. Đường kính trung bình của hoa cẩm chướng là 3 cm với nhiều màu sắc như: Hồng phấn, hồng cánh sen, cam, đỏ… Quá trình sinh trưởng, phát triển, giống hoa đã khắc chế được các loại bệnh về lá như mụn cóc, gỉ sắt và một số loại bệnh khác làm mất tính thẩm mỹ và giá trị cây hoa thương phẩm mà người trồng hoa gặp phải khi sử dụng giống hoa thường.
 
Theo quy trình, để có được 1 loại giống hoa phải qua 3 giai đoạn tạo giống trong phòng thí nghiệm nuôi cấy mô, đưa giống ra ngoài nhà mạ để theo dõi và đưa giống vào sản xuất đại trà. Trong 3 giai đoạn trên, giai đoạn tạo giống trong phòng thí nghiệm được đánh giá là yếu tố quyết định khả năng kháng bệnh của giống hoa. Vì, mẫu chọn thí nghiệm được lấy từ vườn cây đầu dòng đã qua kiểm nghiệm cây có phẩm chất tốt. Bộ phận chọn lấy mẫu không có dấu hiệu mầm bệnh. Tiếp đến, công việc tách mẫu, khử trùng được tiến hành trong môi trường kín và vô trùng… Nhờ vậy, tự thân giống hoa được tạo ra đã không mang trong mình mầm bệnh, nên khi đưa vào sản xuất đại trà cây phát triển tốt, khả năng kháng bệnh rất cao. 
 
Khảo nghiệm thực tế cho thấy, với diện tích đất 500 m2, nông dân trồng được 16.000 cây hoa cúc (riêng cẩm chướng là 3.500 cây). Ở thời điểm trồng thử nghiệm, giá 1 cành hoa cúc thấp là 1.500 đồng, hoa cẩm chướng 2.000 đồng/cành, người trồng hoa thu nhập từ 25 triệu đồng đến 29 triệu đồng/vụ hoa. Khấu trừ đầu tư giống, phân bón, vôi, thuốc bảo vệ thực vật… hơn 15 triệu đồng, người trồng hoa lời từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Một năm trồng 3 vụ hoa, thì 500 m2 đất sẽ góp thêm cho nông dân nguồn thu nhập  30-45 triệu đồng. Hiệu quả thử nghiệm trên là cơ sở để Trung tâm quyết định biến đề án thành dự án sản xuất hoa thương phẩm bằng công nghệ nuôi cấy mô đại trà. Dự án được thực hiện từ năm 2010 đến năm 2012. Tổng kinh phí đầu tư hơn 968 triệu đồng, trong đó vốn sự nghiệp khoa học tỉnh đầu tư gần 595 triệu đồng, phần vốn đầu tư còn lại do nhân dân tham gia dự án đóng góp.
 
Các địa phương được hưởng lợi dự án là: Phường Thắng Lợi, xã Chư Á, An Phú, Trà Đa (TP. Pleiku); quy mô thực hiện trên diện tích đất 5.000 m2, hình thành 5 mô hình trồng hoa cúc, cẩm chướng, đồng tiền, ngàn sao. Hộ tham gia dự án sẽ được hỗ trợ 60% giá thành cây giống bán ra trên thị trường, 40% tổng chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và 60% tổng chi phí xây dựng nhà kính trồng hoa. Tính toán sơ bộ của cơ quan chuyên môn, với diện tích 1.000 m2, nông dân sản xuất được 3 vụ hoa cúc, 2 vụ hoa cẩm chướng, 1 vụ hoa đồng tiền lưu gốc, 1 vụ hoa ngàn sao lưu gốc (loại hoa lưu gốc tiếp tục cho thu hoạch thêm 2 năm tiếp theo). Tạm lấy tỷ lệ cây hoa sống đạt 85% thì tổng thu nhập từ mô hình trồng hoa đạt trên 103 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, nông dân thu lợi gần 40 triệu đồng/vụ trồng hoa.

Theo Báo Gia Lai