Nghịch lý giá vật liệu xây dựng ở Gia Lai

19/11/2010 07:12 AM


Mặc dù giá vật liệu xây dựng trên thị trường liên tục tăng (chỉ tính riêng giá thép nội từ tháng 7 trở lại đây đã tăng liên tục từ 200.000 đồng đến 700.000 đồng/tấn- (theo Vnecomnomy), tuy nhiên thông báo giá của Liên sở Xây dựng- Tài chính lại không hề thay đổi từ tháng 4-2010 đến nay.

Mặc dù giá vật liệu xây dựng trên thị trường liên tục tăng (chỉ tính riêng giá thép nội từ tháng 7 trở lại đây đã tăng liên tục từ 200.000 đồng đến 700.000 đồng/tấn- (theo Vnecomnomy), tuy nhiên thông báo giá của Liên sở Xây dựng- Tài chính lại không hề thay đổi từ tháng 4-2010 đến nay. Sự bất hợp lý này khiến nhiều nhà thầu đau đầu, và là nguyên nhân làm chậm tiến độ, kém chất lượng của một số công trình xây dựng cơ bản.
 
Khảo sát giá vật liệu xây dựng trên thị trường TP. Pleiku (Gia Lai) trong những ngày gần đây cho thấy, hầu hết đều tăng giá. Chẳng hạn: Xi măng Nghi Sơn hiện nay là 1.330.000 đồng/tấn (tăng 10.000 đồng/tấn); giá gạch Bình Định 540 đồng/viên (tăng 20 đồng). Đặc biệt, giá thép tăng đáng kể, thép liên doanh Việt-Ý tăng lên 900 đồng/kg, cụ thể thép phi 6+8LD có giá 15.300 đồng/kg; thép phi 10: 115.000 đồng/cây; thép phi 12: 165.000 đồng/kg… Tuy nhiên, đem so sánh với bảng giá do Liên sở Tài chính- Xây dựng ban hành ngày 1-4-2010 (áp dụng tại TP. Pleiku) thì chênh lệch khá lớn. Cụ thể: Giá xi măng là 1.191.000 đồng/tấn (thấp hơn thực tế 139.000 đồng/tấn); giá cát 132.000 đồng/m3 trong khi thực tế là 140.000 đồng/m3, đá 4x6 có giá 150.000 đồng/m3 (thấp hơn thực tế 20.000 đồng/m3); giá thép phi 6-8 (liên doanh Việt- Ý) là 14.182 đồng/kg (thấp hơn giá thực tế 1.218 đồng/kg)…
 
Nhiều công trình xây dựng bị ảnh hưởng do vật liệu tăng giá. Ảnh: Lê Lan
Nhiều công trình xây dựng bị ảnh hưởng do vật liệu tăng giá. Ảnh: Lê Lan
Ông Lê Đình Tuấn- một nhà thầu xây dựng cho biết: “Bảng công bố giá của Liên sở Xây dựng- Tài chính ban hành từ tháng 4-2010 (cách đây tới 6-7 tháng) trong khi giá thực tế tăng liên tục. Sự chậm trễ trong việc điều chỉnh giá vật liệu phù hợp với tình hình thực tế đã gây khó khăn cho doanh nghiệp rất nhiều khi lập dự toán tham gia đấu thầu hoặc khi thanh toán tại Kho bạc Nhà nước”.
 
Trao đổi vấn đề này với ông Đặng Tùng- Phó Giám đốc Sở Tài chính Gia Lai, được biết: “Theo nguyên tắc khi nào giá tăng vượt quá 20% thì Liên sở Tài chính- Xây dựng mới bổ sung chỉnh sửa”. Trong khi đó, theo tìm hiểu tại một số địa phương khác như Kon Tum, Đak Lak (những tỉnh sát Gia Lai) thì giá vật liệu xây dựng đều được điều chỉnh phù hợp theo từng tháng. Ở Gia Lai từ đầu năm đến nay mới chỉ có 2 lần điều chỉnh giá, lần cuối là tháng 4-2010.
 
“Vậy trong khi chờ đợi bổ sung giá thì phần tăng giá vật liệu xây dựng 20% đó nhà thầu phải chịu. Nếu là công trình bạc tỷ thì đây là khoản kinh phí không nhỏ”- ông Tuấn bức xúc.
 
Cũng theo ông Tùng thì Thông tư 05/2007/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể về việc xác định đơn giá vật liệu: Đó là giá vật liệu đến hiện trường xây dựng được xác định phù hợp với công trình và gắn với vị trí nơi xây dựng công trình. Giá vật liệu phải hợp lý và phù hợp với mặt bằng giá thị trường nơi xây dựng công trình, xác định trên cơ sở báo giá của các nhà sản xuất, thông tin giá của nhà cung cấp hoặc giá đã được áp dụng cho công trình khác có cùng tiêu chuẩn về chất lượng hoặc giá do địa phương công bố và phải đảm bảo tính cạnh tranh.
 
Tình hình này đặt ra cho nhà thầu có thể lựa chọn một trong 3 cách xác định giá trên. Tuy nhiên, như một lệ “bất thành văn” dù nói là giá công bố chỉ để tham khảo nhưng trên thực tế hầu hết hồ sơ dự toán đều lấy giá công bố do Liên sở Xây dựng- Tài chính đưa ra làm chuẩn, nhất là đối với các công trình thuộc ngân sách nhà nước. “Vì không thể trúng thầu nếu giá đưa ra cao hơn giá Liên sở Xây dựng- Tài chính công bố, ngay cả khi đi thanh toán cũng sẽ gặp nhiều khó khăn nếu giá trong hồ sơ cao hơn giá công bố”-đa số các nhà thầu được hỏi khẳng định như vậy.
 
Điều này có thể lý giải phần nào tình trạng một số công trình công cộng thường bị xuống cấp nhanh, kém chất lượng và chậm tiến độ bị tỉnh thanh tra liên tục trong thời gian qua. Bởi như một nhà thầu tiết lộ: “Phải có cách chứ, làm ăn thì phải lời mới làm”.

Theo Báo Gia Lai