Tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo: Chính xác, công bằng, dân chủ, công khai

18/11/2010 01:52 PM


Cuộc tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo đang thu hút sự quan tâm của cả xã hội, là cơ sở cho nhiều quyết sách, nền tảng thực hiện các vấn đề an sinh xã hội trong giai đoạn mới. Yêu cầu đặt ra cho cuộc tổng điều tra là phải chính xác, đánh giá thực tế của từng hộ nghèo, cận nghèo, tránh “bệnh thành tích” dẫn đến phản ánh sai thực tế.

Cuộc tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo đang thu hút sự quan tâm của cả xã hội, là cơ sở cho nhiều quyết sách, nền tảng thực hiện các vấn đề an sinh xã hội trong giai đoạn mới. Yêu cầu đặt ra cho cuộc tổng điều tra là phải chính xác, đánh giá thực tế của từng hộ nghèo, cận nghèo, tránh “bệnh thành tích” dẫn đến phản ánh sai thực tế.
 
 
Cuộc tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang được gấp rút triển khai. Theo kế hoạch, kết quả phải được báo cáo sơ bộ lên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trước ngày 30-11-2010. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo tỉnh, kế hoạch khó có thể đảm bảo vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ sự chậm trễ trong việc hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tổ chức thực hiện. Được biết, đến ngày 14-11-2010, 16 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai điều tra, đạt trên 50% tiến độ, chỉ huyện Ia Pa đến ngày 15-11-2010 mới bắt đầu tập huấn cho các điều tra viên và giám sát viên.
 
Bà con nông dân xã Sơ Ró, huyện Kông Chro. Ảnh: Đinh Yến
Bà con nông dân xã Sơ Ró, huyện Kông Chro. Ảnh: Đinh Yến
Ông Nguyễn Văn Nông- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Gia Lai cho biết: “Đến ngày 14-11-2010, các đơn vị cũng chưa nhận được kinh phí hỗ trợ. Tuy nhiên, để theo kịp tiến độ, hầu hết các địa phương đã “tự thân vận động”, trích từ nguồn ngân sách địa phương để triển khai tập huấn, hỗ trợ các điều tra viên, giám sát viên. Đó là chưa kể đến sức ép của hai cuộc điều tra cung cầu lao động và nhu cầu học nghề cũng đang được triển khai”.
 
 
Thực tế triển khai cũng đã lộ ra hàng loạt khó khăn. Theo ông Nguyễn Hữu Quế- Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú (huyện Chư Pah): Tổng số hộ trên địa bàn xã là 1.289 hộ, sinh sống ở 6 thôn, làng. Qua các bước tập huấn, nhận dạng tài sản của gia đình, chấm điểm để phân loại, cho thấy toàn xã còn 183 hộ nghèo, trong đó có 60 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, dự kiến hoàn thành điều tra hết ngày 20-11 nhưng các điều tra viên và giám sát viên đã rất vất vả, chủ yếu tiếp cận các hộ đồng bào vào các buổi sáng và tối. Cái khó nữa là khi thu nhập số liệu, nhận dạng về tài sản hộ nghèo, đồng bào không biết tính nên điều tra viên phải linh hoạt trong cách điều tra và chấm điểm, hay phải hỏi bà con xung quanh mới biết rõ thu nhập, đời sống của từng hộ. 
 
 
Vấn đề khác là ranh giới giữa hộ nghèo và cận nghèo chỉ chênh lệch có 1.000 đồng, việc phân định chính xác là rất khó. Trưng cầu ý kiến của người dân sinh sống tại thôn làng, họp bình xét dưới sự chứng kiến của người dân để có danh sách hộ nghèo và cận nghèo mới có kết quả chính xác.  
 
 
Nhằm đảm bảo tính chính xác, dân chủ, công khai, vừa qua, đoàn công tác của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã có chuyến kiểm tra, giám sát công tác điều tra hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chí mới tại địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo ông Ngô Trường Thi- Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) thành viên trong đoàn thì: Điều tra hộ nghèo, cận nghèo yêu cầu phải làm theo đúng quy trình. Danh sách công bố hộ nghèo và cận nghèo phải được họp bình xét công khai và có sự nhất trí, thống nhất của người dân nơi cư trú. Tỷ lệ hộ nghèo không quan trọng về sự chính xác tuyệt đối nhưng phải công bằng, dân chủ, công khai, kết quả cuộc điều tra phải thực sự thuyết phục nhân dân, tránh thiếu chính xác.

Theo Báo Gia Lai