Gia Lai: Giá phân bón tăng- Nhà nông lo lắng

17/11/2010 07:43 AM


Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Gia Lai cơ bản đã thu hoạch xong vụ mùa và chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân 2010-2011. Các hợp tác xã, cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp cũng đã chuẩn bị đủ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cung ứng cho sản xuất. Tuy nhiên giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao khiến nông dân không khỏi lo lắng...

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Gia Lai cơ bản đã thu hoạch xong vụ mùa và chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân 2010-2011. Các hợp tác xã, cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp cũng đã chuẩn bị đủ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cung ứng cho sản xuất. Tuy nhiên giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao khiến nông dân không khỏi lo lắng... 
 
Thời gian gần đây, giá phân bón có chiều hướng tăng mạnh khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong hạch toán chi phí đầu tư cho sản xuất. Hầu hết các loại phân bón đều tăng từ 10% đến 30% so với vụ trước. Có loại tăng vọt từ 300 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng/tấn. Cụ thể: Phân urê tăng từ 6.500 đồng lên 7.200 đồng/kg, kali từ 8.000 đồng lên 9.500 đồng/kg, NPK từ 7.400 đồng lên 8.000 đồng/kg, DAP tăng mạnh nhất từ 9.500 đồng lên 13.000 đồng/kg.
 
Giá phân bón tăng cao khiến nông dân lo lắng. Ảnh: A.K
Giá phân bón tăng cao khiến nông dân lo lắng. Ảnh: A.K
Theo tính toán của nhiều nông dân, với giá phân bón như hiện nay, mỗi ha lúa nước phải đầu tư từ 3 đến 4 triệu đồng cả tiền phân và thuốc trừ sâu. Nếu năng suất trung bình như mọi năm (khoảng 6,5 tấn/ha) và phân chưa tăng giá như hiện nay thì sau thu hoạch còn lãi khoảng trên 4 triệu đồng, nhưng giá phân bón tăng, tiền thuê nhân công, máy làm đất cũng tăng, e rằng không có lãi, thậm chí thua lỗ.
 
Giá lúa hiện vẫn dao động ở mức 4.000 đồng đến 4.500 đồng/kg mà giá phân lại liên tục tăng nên đã tạo áp lực cho người làm nông. Bà Hồ Thị Ánh, ở xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa nhẩm tính: “Các năm trước, mỗi sào ruộng chúng tôi còn lãi khoảng 400 ngàn đồng. Vụ này, dự tính lãi chưa đến 200 ngàn đồng”.
 
Còn ông Lê Văn Hải lắc đầu ngao ngán: “Nông dân thời “bão giá” càng làm càng thấy lỗ. Bây giờ làm ruộng chỉ còn lấy công để làm lời chứ nếu thuê mướn từ khâu chuẩn bị gieo trồng đến lúc thu hoạch chắc chắn lỗ”.
 
Theo các chủ đại lý phân bón thì mỗi khi bước vào vụ sản xuất mới giá phân bón đều tăng nhưng mức tăng không đáng kể. Năm nay, giá phân bón lại tăng khá cao.
 
Theo nhận định của các chuyên gia, giá vật tư nông nghiệp tăng cao là do nhiều loại phân bón trên thị trường trong nước phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất. Ước tính hiện nay, các nhà máy sản xuất phân đạm trong nước mới chỉ đáp ứng được 25 đến 30% nhu cầu tiêu thụ nội địa. Phân kali hầu như nhập khẩu 100%, còn các loại phận bón khác cũng mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu sản xuất của nông dân. Trong khi phân bón nhập khẩu từ các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippine, Indonesia... cũng đang lên “cơn sốt” giá tại chính quốc đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình nhập khẩu và phân phối phân bón cho các đại lý và đến người nông dân. Thêm vào đó, sự biến động tỷ giá của đồng tiền Việt Nam so với đô la Mỹ, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp cũng tác động đến giá của vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp.
 
Với diễn biến của thị trường hiện nay, dự báo giá vật tư nông nghiệp sẽ còn tăng cao trong thời gian tới, nhất là vào thời điểm sản xuất vụ Đông Xuân 2010-2011 chính thức bắt đầu, khi mà nhu cầu sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tăng lên. Các chuyên gia khuyến cáo: Ngay từ bây giờ, các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, các hợp tác xã cần có kế hoạch dự trữ nguồn hàng, cung ứng đủ vật tư nông nghiệp chất lượng, giá cả hợp lý cho nông dân.
 
Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tiến hành kiểm tra, giám sát các đơn vị cung ứng nhằm tránh xảy ra tình trạng nâng giá bán bất hợp lý hoặc lợi dụng cung ứng các mặt hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất của nông dân trên địa bàn tỉnh.
 

Theo Báo Gia Lai