Làng thanh niên lập nghiệp: Hy vọng từ dự án mới

05/11/2010 12:02 PM


Những ngày đầu, vợ anh Đoàn Văn Thạch- chị Võ Thị Hoa vốn chưa quen cảnh xa nhà lại đối diện ngay với sự vắng vẻ và những chiều mưa buồn ở xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai); đất đai rộng, làng chỉ có 100 hộ thanh niên sinh sống.

Những ngày đầu, vợ anh Đoàn Văn Thạch- chị Võ Thị Hoa vốn chưa quen cảnh xa nhà lại đối diện ngay với  sự vắng vẻ và những chiều mưa buồn ở xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai); đất đai rộng, làng chỉ có 100 hộ thanh niên sinh sống. Nhà cách nhà tuy không xa nhưng chưa đủ để gần gũi, nhất là những con người đến đây vốn xuất thân từ nhiều vùng đất. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, Hoa đã hiểu vì sao chồng chị lại gắn bó với dải đất biên cương khắc nghiệt này.
 
Tìm hướng đi
 
“Đất đai không thiếu, chỉ sợ lòng người không bền. Những ngày đầu với muôn vàn gian khó, thiếu thốn, chúng tôi đã vượt qua. Vấn đề bây giờ là làm cách nào để lập nghiệp trên vùng đất mới này. Vụ lúa 2009, có hộ  thu hoạch đạt kỷ lục gần 30 tấn như gia đình anh Phạm Văn Hiển, Vũ Xuân Trăng. Nhưng lúa và một số cây trồng ngắn ngày không thể giúp chúng tôi ổn định kinh tế về lâu dài”- anh Thạch cho biết.
 
Kiểm tra kỹ thuật cây giống cao su cho mùa trồng mới. Ảnh: K.N.B
Kiểm tra kỹ thuật cây giống cao su cho mùa trồng mới. Ảnh: K.N.B
Mới đây, Tỉnh đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ cho làng 300 triệu đồng. Với số vốn ít ỏi này, các đội viên có lẽ phải “nhường nhau”, ưu tiên cho những hộ khó khăn hơn vay trước với số tiền 10 triệu đồng/hộ. Anh Nguyễn Mạnh Tuân, 28 tuổi, Bí thư chi đoàn làng, trăn trở: “Những thanh niên lên vùng đất mới lập nghiệp phần lớn có hoàn cảnh rất khó khăn, phải tự thân vận động. Vì thế, chúng tôi cần các cấp chính quyền hỗ trợ vốn để đầu tư sản xuất, mua bò, vật tư nông nghiệp”. Đàn bò của Làng Thanh niên lập nghiệp hiện có khoảng trên 100 con, có những hộ nuôi được 6 con như anh Đoàn Văn Thạch, có hộ nuôi từ 2 đến 3 con, nhưng cũng có hộ vì hoàn cảnh khó khăn, không mua được bò. Với diện tích đất nông nghiệp gần 550 ha, nếu phát triển đàn bò sẽ tận dụng được đồng cỏ rộng lớn tại đây.
 
Dù đời sống vật chất vẫn còn nhiều khó khăn, song các đội viên của làng đã biết tổ chức những buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ nâng cao đời sống tinh thần. Làng cũng đang dần hình thành hệ thống chính quyền với việc thành lập chi đoàn làng, Trung đội dân quân cơ động. Làng cũng đón nhận niềm vui lớn từ việc liên tục chào đón những “công dân nhí” chào đời tại làng. Có những công dân mới, là kết quả của những mối tình bén duyên từ vùng biên ải này. Đó là dấu hiệu của một cuộc sống mới đang bắt đầu…
 
Chọn cây trồng chiến lược
 
Quá trình tìm hướng đi cho Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Ia Mơr, sau bao thăng trầm, cuối cùng cũng mở ra những tín hiệu lạc quan. Dự án trồng 3.000 ha cao su (từ  năm 2010 đến 2012) của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah đang tiến những bước đầu tiên với việc trồng mới 460 ha từ đầu năm đến nay (kế hoạch năm 2010 là 500 ha), tỷ lệ sống đạt 97%.
 
Tiếng máy xe chở lúa, máy gặt lúa phá tan sự thinh lặng vốn có của một vùng rừng, cho thấy những tín hiệu lạc quan trên vùng đất mới. Ảnh: H.N
Tiếng máy xe chở lúa, máy gặt lúa phá tan sự thinh lặng vốn có của một vùng rừng, cho thấy những tín hiệu lạc quan trên vùng đất mới. Ảnh: H.N
Cùng với việc thành lập Nông trường Cao su Thanh niên Ia Mơr, cho thấy quyết tâm của Công ty này trong việc biến vùng rừng nghèo thành “lãnh địa” của cây cao su. Ông Nguyễn Thế Sỹ- Giám đốc Nông trường, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục trồng mới 1.500 ha trong năm 2011 và hoàn thành kế hoạch với tổng diện tích 3.000 ha vào cuối năm 2012. Nếu dự án khả quan sẽ giải quyết việc làm cho lượng lao động không nhỏ”. Theo ông Sỹ, thời gian trồng, chăm sóc, cần 1 người/6 ha. Giai đoạn khai thác sẽ tăng lượng nhân công gấp đôi với 1 người/3 ha.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng trong chuyến làm việc tại Làng Thanh niên lập nghiệp mới đây đã biểu dương sự phối hợp chặt chẽ giữa các đội viên trong làng, Bộ đội Biên phòng và Công ty trong việc trồng mới 460 ha cao su. Đồng thời, ông cũng chỉ đạo Công ty cần ưu tiên tuyển dụng đội viên của làng và đồng bào địa phương trên địa bàn xã Ia Mơr vào làm công nhân, giúp họ ổn định cuộc sống.
 
Dự án này mang lại không ít hy vọng cho các hộ thanh niên. Anh Nguyễn Mạnh Tuân chia sẻ: “Hiện tại có một số thanh niên vào làm công nhân hợp đồng thời vụ cho Công ty. Về lâu dài, chúng tôi muốn vào làm công nhân của Nông trường với mức thu nhập ổn định hơn. Cùng với việc phát triển cây cao su, hy vọng Công ty sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng để nâng cao đời sống cho đội viên trong làng”.
 

Theo Báo Gia Lai