Gia Lai: Quản lý sinh viên ngoại trú- Lực bất tòng tâm

04/11/2010 08:42 AM


Quản lý và hỗ trợ cho sinh viên có môi trường ăn, ở, sinh hoạt lành mạnh, học tập và rèn luyện tốt, phòng- chống tội phạm và các tệ nạn xã hội đang là bài toán hóc búa đối với các trường cao đẳng, đại học hiện nay.

Quản lý và hỗ trợ cho sinh viên có môi trường ăn, ở, sinh hoạt lành mạnh, học tập và rèn luyện tốt, phòng- chống tội phạm và các tệ nạn xã hội đang là bài toán hóc búa đối với các trường cao đẳng, đại học hiện nay.
 
Muôn mặt sinh viên ở trọ
 
Ở Gia Lai, số lượng sinh viên không nhiều, có khoảng 5.000 sinh viên của các trường trung cấp, 1 trường cao đẳng và 1 phân hiệu đại học đứng chân ở TP. Pleiku. Số lượng sinh viên các trường trung cấp nghề, trung cấp văn hóa nghệ thuật, trung cấp lâm nghiệp, trung cấp y tế có khoảng 2.000 người, trong đó sinh viên ngoại trú (SVNT) chiếm khoảng 1.300 người ở rải rác các địa bàn phường Tây Sơn, Chi Lăng, Trà Đa (TP. Pleiku). Tình hình SVNT ở các trường này nhìn chung ổn định. Sinh viên tập trung nhiều nhất là địa bàn phường Ia Kring (TP. Pleiku), nơi có Phân hiệu Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Số lượng sinh viên của 2 cơ sở giáo dục này có trên 3.000, trong khi đó ký túc xá chỉ có 450 chỗ ở. Số còn lại ở chen chúc trong một địa bàn dân cư hẹp của 2 tổ dân phố 8 và 9 của phường Ia Kring. Điều này tăng thêm mối quan tâm của những người quản lý sinh viên và chính quyền sở tại.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tùy theo túi tiền và sở thích của sinh viên mà chọn một phòng trọ phù hợp. Sự đa dạng này làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, duy trì nếp sinh hoạt, học tập ổn định của SVNT. Ở khu vực này có thể có phần tử xấu len lỏi vào sinh viên, giả danh sinh viên làm những điều xấu, lôi kéo sinh viên vào con đường phạm tội như: Cá độ bóng đá, chơi lô đề, trộm cắp… Mặc dù các trường có quy định nghiêm ngặt và trừ điểm rèn luyện nếu không có sổ đăng ký ngoại trú và kê khai thông tin về nơi trọ nhưng cách làm này vẫn chưa cải thiện được tình hình sinh hoạt của SVNT ngoài giờ học trên lớp.
 
Chủ nhà trọ cũng thuộc nhiều thành phần xã hội nên cách quản lý sinh viên trong nhà trọ cũng khác nhau. Bạn Bùi Thị Tâm- sinh viên lớp Cao đẳng Tiểu học K30- Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, cho biết: “Em ở khu nhà trọ của cô B. trên đường Võ Trung Thành. Cô chú chủ nhà là Công an nên rất nghiêm khắc. Cô chú không bao giờ cho người lạ ở lại đêm và luôn nhắc nhở chuyện ăn ở của chúng em nên nền nếp và an ninh ở đây rất tốt”. Song, số người như cô B. rất ít, hầu như các chủ  nhà trọ ít quan tâm đến đời sống sinh hoạt của sinh viên ở trọ nhà mình, mà chủ yếu là thu đủ tiền trọ, tiền điện nước. Một số chủ nhà trọ khác lại sợ mếch lòng sinh viên, mất mối lợi nên cứ “sống chết mặc bay”.
 
Quản lý như thế nào?
 
Có nhiều sinh viên đủ tiêu chuẩn ở ký túc xá nhưng vẫn thuê trọ ở bên ngoài, vì ở trong ký túc xá phải đi về đúng giờ, sinh hoạt theo đúng nội quy, phải bị kiểm tra nền nếp sinh hoạt trong phòng rắc rối... Chính những điều này làm cho SVNT không sinh hoạt theo nền nếp, kỷ cương và khó bảo đảm được việc học hành, dễ bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội.
 
Một điều khó khăn nữa là sinh viên có thói quen luôn thay đổi chỗ ở. Một kỳ học, họ có thể chuyển chỗ ở tới vài ba lần với nhiều lý do khác nhau như: Giá nhà trọ, mâu thuẫn với bạn cùng phòng trọ, bạn cùng trọ có người yêu… Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, mỗi học kỳ yêu cầu sinh viên cung cấp thông tin nơi trọ hai lần nhưng khi có việc cần liên hệ với sinh viên thì phải tìm qua nhiều người, nhiều nơi mới gặp được. 
 
Thêm vào đó, việc kiểm tra tình hình sinh hoạt, ăn ở của SVNT cũng chưa được nhà trường và chính quyền tiến hành thường xuyên, liên tục nên đa số SVNT như sống ngoài nội quy, quy chế. Từ đó nền nếp và lối sống của họ càng tự do, phóng khoáng. Bạn Nguyễn Thị Tú- sinh viên K30- Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, cho biết: “Đã có tình trạng sống thử và “góp gạo nấu chung” trong sinh viên ở Gia Lai”. Tình hình trên báo động một thực trạng việc quản lý SVNT càng ngày càng khó khăn, phức tạp.
 
Từ thực trạng trên, thiết nghĩ nên kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường và chính quyền địa phương, đẩy mạnh công tác tự quản của sinh viên. Ngoài ra, đề nghị chính quyền nâng cao trách nhiệm của các chủ nhà trọ; các trường nên thường xuyên tổ chức các sân chơi và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… để thu hút sinh viên. Các hoạt động này sẽ hạn chế SVNT tham gia các sinh hoạt thiếu lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội.

Theo Báo Gia Lai