Công nhân viên chức-lao động góp phần xây dựng tỉnh Gia Lai giàu mạnh

28/10/2010 10:31 AM


Sau khi cùng cả nước giành chính quyền thắng lợi, tổ chức Công đoàn Gia Lai chính thức được thành lập (ngày 28-10-1945 với tên gọi là Hội Công nhân Cứu quốc tỉnh) để lãnh đạo phong trào công nhân tại Gia Lai.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Bùi Văn Cường.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Bùi Văn Cường.
Cùng với sự hình thành và phát triển của Công đoàn Việt Nam, ở Gia Lai, từ năm 1930, tại đồn điền Bàu Cạn đã xuất hiện nhóm Công hội đỏ-đây là tổ chức sơ khai của Công đoàn Gia Lai và đến năm 1940, hình thành các Hội Ái hữu, Cứu tế đỏ trong các đồn điền. Dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Công hội đỏ, Cứu tế đỏ, Hội Ái hữu, phong trào đấu tranh của công nhân trong các đồn điền Bàu Cạn, Đak Đoa, Biển Hồ,… liên tiếp nổ ra với nhiều hình thức, đòi quyền dân sinh, dân chủ, thúc đẩy phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân các địa phương.
 
 
Sau khi cùng cả nước giành chính quyền thắng lợi, tổ chức Công đoàn Gia Lai chính thức được thành lập (ngày 28-10-1945 với tên gọi là Hội Công nhân Cứu quốc tỉnh) để lãnh đạo phong trào công nhân tại Gia Lai. Đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động đã không ngừng lớn mạnh với gần 120.000 người. Tổ chức Công đoàn tỉnh nhà được củng cố, mở rộng và phát triển với 1.461 Công đoàn cơ sở và hơn 65.000 đoàn viên công đoàn.
 
 
Những năm qua, Công đoàn Gia Lai đã có những bước trưởng thành vượt bậc. Vai trò đại diện của Công đoàn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức-lao động… ngày càng tốt hơn. Phong trào thi đua yêu nước của người lao động ngày càng phát triển sâu rộng gắn với việc tuyên truyền, giáo dục, động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ đất nước, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Công tác tuyên truyền, vận động người lao động trong các thành phần kinh tế gia nhập tổ chức Công đoàn, gắn với xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh, góp phần xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền, được quan tâm chú trọng hơn. Các hoạt động của tổ chức Công đoàn đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh ngày càng vững mạnh.
 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu và kết quả đã đạt được, công tác đoàn kết, tập hợp công nhân, viên chức-lao động khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Một số tổ chức công đoàn cơ sở chưa đảm đương được vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân-người lao động nên chưa phải là chỗ dựa để công nhân, viên chức-lao động tìm đến khi gặp khó khăn. Một bộ phận cán bộ Công đoàn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới...
 
 
Trong thời gian tới, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục song hành giữa thời cơ, thuận lợi và khó khăn thách thức. Những thành tựu, kinh nghiệm của 25 năm đổi mới đã tạo ra sức mạnh tổng hợp, thế và lực của đất nước trên trường quốc tế không ngừng lớn mạnh. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng kinh tế-xã hội của nước ta còn thấp; chênh lệch giàu nghèo còn lớn và có xu hướng tăng; tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh hơn; xu hướng tăng lao động ở khu vực công nghiệp, đô thị, giảm lao động ở khu vực nông nghiệp nông thôn diễn ra mạnh hơn; an ninh chính trị và trật tự xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, các thế lực thù địch và bọn phản động FULRO sẽ tiếp tục ra sức chống phá, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc;... Đây là những nguy cơ, thách thức ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội đối với cả nước và tỉnh Gia Lai, cũng như sẽ tác động đến hoạt động của tổ chức Công đoàn.
 
 
Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật
Do đó, tổ chức Công đoàn phải có sự đổi mới toàn diện hơn nữa cả về nội dung và phương thức hoạt động; phát huy mạnh mẽ vai trò tổ chức, tập hợp, đoàn kết đông đảo công nhân-viên chức-người lao động, đội ngũ trí thức; năng động, sáng tạo, đẩy mạnh hơn nữa các mặt hoạt động; thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh, đủ sức đảm đương các nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị nêu trên, trong thời gian đến, các cấp Công đoàn trong tỉnh và cán bộ, đoàn viên-người lao động cần quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; đồng thời tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
 
 
Một là, với vai trò là đại diện, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Công đoàn phải đi sâu nghiên cứu, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người lao động và những đòi hỏi bức xúc từ cơ sở, mọi hoạt động của Công đoàn  phải hướng về cơ sở, giải đáp những vấn đề thực tiễn sản xuất và đời sống đặt ra, gắn với phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy và phát huy tối đa các nguồn lực trong người lao động; tổ chức kiểm tra, giám sát có hiệu quả việc thực hiện pháp luật và các chế độ chính sách, tạo điều kiện cho người lao động phát huy quyền dân chủ trong sản xuất, kinh doanh,  góp phần lành mạnh hóa và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
 
 
Thứ hai, chú trọng phát huy vai trò xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh toàn diện, có bản lĩnh chính trị vững vàng; ngày càng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học-công nghệ tiên tiến, hiện đại; thích ứng nhanh với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cao, xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm nòng cốt vững chắc trong khối liên minh công-nông-trí thức, nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc. Quan tâm hơn nữa công tác bồi dưỡng phát triển Đảng trong công nhân lao động-nhất là công nhân lao động trẻ.
 
 
Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Trước mắt, cần tập trung thực hiện tốt Đề án 01-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết nạp đảng viên, đoàn viên, xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp doanh và doanh nghiệp tư nhân. Công tác xây dựng và phát triển tổ chức Công đoàn cần gắn liền với nâng cao chất lượng đoàn viên, củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh. Đồng thời cần phát huy vai trò, trách nhiệm của Công đoàn trong công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.
 
 
Thứ tư, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có phong cách ứng xử, khả năng tiếp cận các lĩnh vực nghề nghiệp của người lao động, tiếp cận khoa học-công nghệ hiện đại. Lựa chọn cán bộ Công đoàn từ phong trào người lao động, được quần chúng tín nhiệm, có khả năng và bản lĩnh đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
 
 
Phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, cũng như 65 năm xây dựng và trưởng thành của Công đoàn Gia Lai, chúng ta tin tưởng rằng, trong thời gian đến, Công đoàn Gia Lai sẽ có những bước tiến vượt bậc, vững vàng-năng động-sáng tạo, tích cực đổi mới để góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh khóa XIV (nhiệm kỳ 2010-2015).
 
 
Bùi Văn Cường (Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai)

Theo Báo Gia Lai