Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức xây dựng Đảng

13/10/2010 05:38 AM


Toàn ngành tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo từng chuyên đề cụ thể do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giáo dục, rèn luyện đạo đức, nâng cao phẩm chất và năng lực đội ngũ cán bộ...

Ngành Tổ chức Xây dựng Đảng tỉnh Gia Lai được hình thành từ khi Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Gia Lai được thành lập 10-12-1945 lấy tên là Đảng bộ Tây Sơn. Cũng từ đó công tác tổ chức xây dựng Đảng được củng cố và phát triển qua từng giai đoạn của cách mạng, hệ thống các cơ quan tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng ở tỉnh nhà ngày càng trưởng thành. Từ chỗ chỉ có 1 đồng chí trong cấp ủy trực tiếp phụ trách công tác tổ chức, đến nay có hàng ngàn cấp ủy viên phụ trách công tác tổ chức và cán bộ chuyên trách công tác tổ chức cấp ủy ở các cấp.
 
 
Trong giai đoạn 2001-2010, khi Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai vừa bắt tay thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2001-2005) thì xảy ra vụ bạo loạn ngày 2-2-2001 và sau đó một thời gian là vụ bạo loạn chính trị ngày 10, 11-4-2004 ở 131 làng đồng bào dân tộc thiểu số của 33 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố.
 
Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật
Tình hình trên đã tác động xấu đến tất cả các mặt của đời sống xã hội gây tâm lý lo lắng cho một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân, ảnh hưởng tới khối đại đoàn kết các dân tộc.
 
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang đẩy mạnh công tác đấu tranh xóa bỏ tổ chức phản động FULRO, ngăn chặn hoạt động lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số biểu tình và vượt biên sang Campuchia; tập trung khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân, xa cơ sở. Đồng thời chỉ đạo làm tốt công tác vận động quần chúng, giải quyết các vấn đề bức xúc ở cơ sở.
 
Công tác tổ chức xây dựng Đảng đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị và Quyết định 132, 154, 234 và 168 của Chính phủ về phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010; Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn; gắn việc thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW với việc thực hiện Nghị quyết 42 của Bộ Chính trị: Đã quy hoạch 752 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và huyện, trên 2.000 cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn được quy hoạch vào các chức danh chủ chốt; nhằm tạo chủ động trong công tác cán bộ, khắc phục tình trạng hẫng hụt đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở. Công tác quy hoạch cán bộ những năm gần đây đã đi vào chiều sâu, phục vụ nhân sự Đại hội Đảng các cấp (nhiệm kỳ 2005-2010) và (nhiệm kỳ 2010-2015).
 
Thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW và Quy định số 75 của Bộ Chính trị khóa VIII, cơ quan tổ chức cấp ủy các cấp đã tham mưu giúp Ban Thường vụ cấp ủy rà soát những trường hợp cán bộ, đảng viên có vấn đề về lịch sử chính trị và liên quan chính trị cần phải xem xét làm rõ. Qua rà soát đã tiến hành thẩm tra, xác minh và đề xuất kết luận làm rõ nhiều trường hợp trong diện quy hoạch cán bộ có vấn đề liên quan về lịch sử chính trị gia đình. Phục vụ tích cực cho công tác nhân sự Hội đồng Nhân dân và Đại hội Đảng các cấp.
 
Ảnh: T.N
Ảnh: T.N
Công tác tổ chức xây dựng Đảng đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức 4 đợt tăng cường và luân chuyển cán bộ xuống cơ sở; quyết định phân bổ 47 sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh phụ trách 47 xã trọng điểm về an ninh chính trị. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức đảng ở xã, phường, thị trấn rà soát bổ sung quy chế hoạt động nhằm xây dựng tổ chức cơ sở đảng thật sự là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Quyết định một số chính sách đối với cán bộ cơ sở…
 
Cùng với việc tăng cường cán bộ cho cơ sở, công tác tổ chức xây dựng Đảng đã tham mưu với Ban Thường vụ các cấp ủy đảng chỉ đạo rà soát thanh loại những cán bộ có liên quan đến tổ chức FULRO. Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nâng giác ngộ cho cán bộ đảng viên và quần chúng tốt; chấn chỉnh việc đánh giá, phân tích chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng hàng năm. Đồng thời vận dụng linh hoạt tiêu chuẩn kết nạp đảng viên phù hợp với tình hình thực tế, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; số đảng viên mới kết nạp tăng cả về số lượng và chất lượng. Số tổ chức cơ sở đảng loại khá và trong sạch vững mạnh tăng lên, loại yếu kém giảm dần.
 
 
Tổng kết trên 20 năm đổi mới và chỉnh đốn Đảng, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp mới 21.400 đảng viên nâng tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ lên 33.859 đảng viên (tháng 9-2010). Năm 1983 chỉ có 9% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh, 21% cơ sở yếu kém, năm 2009 tỷ lệ cơ sở đảng trong sạch vững mạnh là 69,63% và tỷ lệ cơ sở yếu kém chỉ còn 1,33%, có gần 22 ngàn quần chúng ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thông qua công tác kết nạp đảng viên đã góp phần thu hẹp được 957 thôn, làng, tổ dân phố chưa có đảng viên và 560 thôn, làng, tổ dân phố chưa có chi bộ.
 
 
Từ năm 2008 đến nay, công tác tổ chức xây dựng Đảng đã chủ trì và phối hợp với các ngành chức năng tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng và ban hành các Đề án 01, 02, 03 tập trung chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng: Đẩy mạnh công tác kết nạp đảng viên, thành lập các tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân theo Đề án 01; đã tuyển dụng 2 đợt 105 sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác theo Đề án 03; việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn theo Đề án 02 đã đạt được kết quả đáng khích lệ, hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở được chú trọng và từng bước nâng cao, kinh tế nông nghiệp nông thôn có bước phát triển mới, đời sống và tinh thần của nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được cải thiện, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững đã góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh.
 
 
Trong 65 năm qua, ngành Tổ chức Xây dựng Đảng tỉnh Gia Lai luôn thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình góp phần tham mưu tích cực với Ban Thường vụ các cấp ủy Đảng, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức xây dựng Đảng ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị, đáp ứng kịp thời yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng. Đặc biệt là qua 24 năm đổi mới, công tác tổ chức xây dựng Đảng đã góp phần củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh.
 
 

Trong quá trình công tác, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba (năm 2003) và Huân chương Lao động hạng nhì (năm 2010); Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua đơn vị xuất sắc và đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua (năm 2008, 2009); Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tặng bức trướng 6 chữ vàng: Tận tụy, trung thực, công tâm (năm 2006); Ban Tổ chức Trung ương Đảng tặng bằng khen (2006, 2007, 2009). Từ năm 1996 đến nay chi bộ liên tục được công nhận là tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh 5 năm liên tục (1996-2001, 2003-2008) và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng cờ thi đua (năm 2008)…

Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, trong thời gian đến công tác tổ chức xây dựng Đảng cần tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau:

 
 
1. Tập trung chỉ đạo xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở và hướng về cơ sở, tạo sự chuyển biến rõ rệt, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, gắn xây dựng tổ chức Đảng với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đặc biệt là nâng chất lượng đội ngũ đảng viên và làm tốt công tác kết nạp đảng viên; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên năm 2010.
 
 
2. Toàn ngành tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo từng chuyên đề cụ thể do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giáo dục, rèn luyện đạo đức, nâng cao phẩm chất và năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên và cán bộ công chức trong ngành; quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành và cấp ủy giao.
 
 
3. Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ; đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình triển khai đồng bộ các mặt công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ, tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bộ, có chất lượng, đảm bảo tính kế thừa và phát triển.
 
 
4. Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần nâng cao năng lực, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, điều hành, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.
 
 
Nguyễn Mộng Hoàng
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban  Tổ chức Tỉnh ủy

Theo Báo Gia Lai