Để ngành nông nghiệp Gia Lai phát triển bền vững

12/10/2010 07:33 AM


Ở tỉnh ta, tổng giá trị sản phẩm trên lĩnh vực trồng trọt chiếm gần 95% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Kết quả này dựa trên cơ cấu cây trồng phát triển theo hướng hình thành vùng chuyên canh: Cà phê, hồ tiêu, bông vải, mì, điều… gắn với các nhà máy chế biến, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ của thị trường.

Ở tỉnh ta, tổng giá trị sản phẩm trên lĩnh vực trồng trọt chiếm gần 95% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Kết quả này dựa trên cơ cấu cây trồng phát triển theo hướng hình thành vùng chuyên canh: Cà phê, hồ tiêu, bông vải, mì, điều… gắn với các nhà máy chế biến, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ của thị trường.
 
Đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp. Ảnh: Đ.T
Đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp. Ảnh: Đ.T
Thế nhưng, theo khảo sát của Phân viện Quy hoạch Thiết kế miền Trung (Bộ Nông nghiệp và PTNT), quy trình phát triển lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là cây trồng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh hiện còn không ít bất cập. Công tác quản lý thực hiện quy hoạch cây trồng của các địa phương chưa sát thực tế, dẫn đến quá trình phát triển vùng nguyên liệu chồng chéo, làm nảy sinh sự cạnh tranh đất đai. Cơ cấu giống cây trồng chủ lực như: Mía, mì, bông vải, cà phê, hồ tiêu… đa phần là giống cũ đã và đang thoái hóa, năng suất đạt thấp. Chi phí vận chuyển cao vì khoảng cách từ vùng nguyên liệu đến nhà máy còn xa.
 
Mối quan hệ giữa các nhà máy với vùng nguyên liệu chưa chặt chẽ cả về cơ chế lẫn lợi ích kinh tế, nên vùng nguyên liệu phát triển chưa bền vững. Vùng nguyên liệu bông vải dự kiến mở rộng từ 9.500 ha đến 10.000 ha, nhưng đến năm 2009 thì chỉ còn 977 ha, giảm gần 4.800 ha so với năm 2005. Nguyên nhân giảm vì hiệu quả kinh tế của cây bông vải kém hơn các loại cây trồng khác nên nông dân không còn thiết tha. Vùng nguyên liệu điều đến thời điểm này đạt trên 20.000 ha, tăng gần 11.000 ha so với năm 2001. Tổng sản lượng điều năm 2009 đạt 10.629 tấn, nhưng cơ sở chế biến hạt điều thu mua không quá 50% tổng sản lượng điều...
 
Để phát triển theo hướng hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đòi hỏi lĩnh vực trồng trọt phải chuyển mình bắt kịp xu thế nông phẩm trở thành sản phẩm hàng hóa. Cần sớm xác định thể chế đầu tư, phát triển các loại cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng của tỉnh gắn với hoạt động chế biến, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở chế biến mới giải quyết đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản, khắc phục tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu giữa nhà máy và nông dân. Quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh từ nay đến 2015, tầm nhìn đến năm 2020 đang được Phân viện Quy hoạch và Thiết kế miền Trung gấp rút hoàn thành trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Theo đó, bước đầu đã xác định được các loại cây trồng chủ lực đưa vào quy hoạch vùng nguyên liệu là: Mía, mì, bông vải, điều, hồ tiêu, cà phê, cao su, chè và đậu đỗ các loại. Tổng diện tích đất quy hoạch phát triển các loại cây trồng trên đến năm 2015 là 333.810 ha, tăng 2,47% so với năm 2010; dự ước đến năm 2020 đạt diện tích 344.600 ha, tăng 0,64% so với năm 2015.
 
 
Mục tiêu của việc xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu là khơi thông tiềm năng đất đai, truyền thống sản xuất nông nghiệp vốn có của các địa phương; hình thành vùng sản xuất cây trồng tập trung quy mô lớn; tạo bước chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn kết với các nhà máy, cơ sở chế biến để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác, tăng thu nhập cho nông dân. Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Bùi Bá Sơn- thành viên Hội đồng Thẩm định quy hoạch trồng trọt gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2015, tầm nhìn năm 2020: Cần phải tính toán lại tốc độ phát triển cây lâm nghiệp cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Ván sợi MDF để đưa vào quy hoạch, tạo điều kiện cho vùng nguyên liệu này phát triển ổn định.
 
Cây thuốc lá- một loại cây trồng đưa vào quy hoạch, diện tích phát triển đến năm 2020 là 5.000 ha, tăng hơn 1.500 ha so với diện tích hiện nay. Đây là cây trồng phát triển phụ thuộc vào thị trường nên việc quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển cây thuốc lá thành vùng nguyên liệu là không cần thiết, cơ quan chuyên môn cần tìm loại cây trồng khác thay thế. Xây dựng quy hoạch dự kiến quỹ đất phát triển vùng nguyên liệu mì đến năm 2020 là 50.000 ha cung cấp cho nhà máy mì hoạt động, sản lượng sẽ được chia sẻ cho nhà máy cồn khi dư sản lượng là không có cơ sở. Liên quan đến cây mì, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Đình Chung cho rằng: Diện tích mì phát triển thường đi đôi với nạn phá rừng. Do vậy việc đưa cây mì vào quy hoạch liệu có đảm bảo tính ổn định vùng nguyên liệu?
 
Dù còn một số ý kiến chưa đồng tình cao với cơ cấu cây trồng đưa vào quy hoạch, song không thể phủ nhận xây dựng quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 là động lực để ngành nông nghiệp phát triển. Ông Kpă Thuyên- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Trên cơ sở diện tích quy hoạch, các nhà máy muốn đảm bảo nguyên liệu hoạt động phải phát huy hết giá trị của mối liên kết “4 nhà”; mạnh dạn đầu tư hạ tầng cơ sở thúc đẩy vùng nguyên liệu phát triển theo chiều sâu, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Theo Báo Gia Lai