Gia Lai: Tiềm ẩn nguy cơ tái phát dịch bệnh gia súc

12/10/2010 07:26 AM


Sau hơn một tháng bùng phát và lây lan tại 5 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh gồm: Chư Pah, Ia Grai, Phú Thiện, Ayun Pa và thành phố Pleiku, đến nay dịch heo tai xanh đã được khống chế.

Đàn heo tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah. Ảnh: N.H
Đàn heo tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah. Ảnh: N.H
Sau hơn một tháng bùng phát và lây lan tại 5 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh gồm: Chư Pah, Ia Grai, Phú Thiện, Ayun Pa và thành phố Pleiku, đến nay dịch heo tai xanh đã được khống chế.
 
Tuy nhiên, bệnh lở mồm long móng xuất hiện trở lại ở một số địa phương đang có dịch heo tai xanh khiến cơ quan chuyên môn cũng như người chăn nuôi không khỏi lo lắng. Mặc dù hai loại bệnh này đã được ngăn chặn nhưng nguy cơ tái phát vẫn còn rất lớn.
 
Những con heo bị bệnh ở vùng trọng điểm dịch heo tai xanh tại các huyện Phú Thiện, Chư Pah, thị xã Ayun Pa và thành phố Pleiku cuối cùng cũng đã được ngành chuyên môn và người dân khống chế không để lây lan sang các vùng khác. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận trong công tác phòng- chống dịch bệnh gia súc trên địa bàn tỉnh của cơ quan chuyên môn và ngành chức năng. Song những thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra cho người chăn nuôi là rất lớn, sau nhiều năm dịch heo tai xanh xuất hiện tổng số heo mắc bệnh lên đến 2.745 con ở 26 xã, phường, thị trấn, làm 674 con chết, 931 con phải tiêu hủy để tránh lây lan, số còn lại được cơ quan chuyên môn và người chăn nuôi phối kết hợp chữa trị theo đúng phác đồ, đã điều trị khỏi bệnh 1.654 con, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi. Mặc dù vậy, dịch heo tai xanh khiến nhiều hộ chăn nuôi lâm vào cảnh trắng tay khi toàn bộ gia sản bị dịch bệnh cuốn phăng chỉ trong chốc lát.
 
 
Không chỉ dịch bệnh heo tai xanh, bệnh lở mồm long móng (LMLM) cũng đã xuất hiện trở lại tại huyện Ia Pa, thị xã Ayun Pa và thành phố Pleiku- nơi bệnh heo tai xanh vừa lan rộng khiến người chăn nuôi cũng như cơ quan chuyên môn hết sức lo lắng. Nguy hiểm hơn tại thôn 5 xã Trà Đa (TP. Pleiku), bệnh LMLM còn lây từ đàn bò sang đàn heo ở một hộ gia đình, buộc cơ quan chuyên môn phải tiêu hủy số heo bị LMLM đồng thời tìm ra những giải pháp để ngăn chặn sự lây lan này.
 
 
Mặc dù hai loại dịch bệnh xảy ra cùng thời điểm, nhưng nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa người chăn nuôi, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương nên bệnh dần được khống chế theo từng vùng không để lây lan sang những khu vực khác. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chuyên môn trong thời điểm hiện nay, nguy cơ tái bùng phát các loại dịch bệnh này vẫn còn rất lớn.
 
 
Ông Dương Ngọc Thanh- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho hay: Về cơ bản, hai loại bệnh trên đàn gia súc đã được khống chế, khoanh vùng không để lây lan. Mặc dù vậy, nguy cơ dịch tái bùng phát trở lại vẫn còn rất lớn. Đặc biệt là bệnh LMLM khi vẫn còn 60 ngàn con trâu, bò chưa được tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Bên cạnh đó, chương trình mục tiêu quốc gia về khống chế loại bệnh này từ 5 năm qua (2005-2010) đã phát huy tác dụng nhưng vắc xin hỗ trợ của Trung ương là điều còn đáng lo ngại trong thời gian tới.

Theo Báo Gia Lai