Xây dựng An Khê xứng tầm vùng kinh tế động lực

09/10/2010 11:52 AM


Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã An Khê (Gia Lai) lần thứ XV nêu rõ: “Phấn đấu đến trước năm 2020 thị xã An Khê sẽ trở thành đô thị loại III”. Mục tiêu phấn đấu đã đặt ra, nhưng để đạt được mục tiêu ấy thì thị xã An Khê cần nhiều chính sách cụ thể hơn nữa.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã An Khê (Gia Lai) lần thứ XV nêu rõ: “Phấn đấu đến trước năm 2020 thị xã An Khê sẽ trở thành đô thị loại III”. Mục tiêu phấn đấu đã đặt ra, nhưng để đạt được mục tiêu ấy thì thị xã An Khê cần nhiều chính sách cụ thể hơn nữa.
 
 
Những chuyển biến tích cực
 
 
Gần 10 năm lên thị xã, An Khê đã có một diện mạo mới, xứng đáng là vùng kinh tế động lực phía Đông của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn có 7 chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại. Hệ thống dịch vụ tài chính ngân hàng phát triển mạnh đáp ứng được nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của người dân và các doanh nghiệp. Ngoài ra, thị xã còn có 68 doanh nghiệp hoạt động tương đối hiệu quả, hàng năm đóng góp vào ngân sách địa phương trên 10 tỷ đồng. Nhiều cơ sở sản xuất và xí nghiệp được thành lập, thu hút hàng trăm lao động của địa phương. Bên cạnh đó, thị xã cũng đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu, cung cấp cho các nhà máy, xí nghiệp, nên nông dân từng bước hình thành nền  sản xuất hàng hóa, đáp ứng được nhu cầu tại chỗ.
 
Đường vào trung tâm thị xã. Ảnh: V.H
Đường vào trung tâm thị xã. Ảnh: V.H
Trong giai đoạn 2005-2010, kinh tế An Khê có sự chuyển dịch mạnh mẽ, tỷ trọng các ngành công nghiệp- xây dựng, thương mại-dịch vụ đã tăng lên, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2010 đạt 710 tỷ đồng, tăng hơn 11 lần so với năm 2005. Số vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao, cơ sở hạ tầng được xây dựng khá đồng bộ đã đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Nhiều công trình trọng điểm có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội của thị xã được quan tâm đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả cao.
 
Từ năm 2006 đến năm 2010, thị xã An Khê đã quy hoạch chi tiết 38 khu dân cư với diện tích 32 ha, quy hoạch các khu đô thị và cụm công nghiệp với diện tích 305 ha. Hệ thống giao thông và kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư đồng bộ. Đến nay, toàn thị xã có hơn 15 km đường nội thị được nhựa hóa, 50 km đường bê tông. Bên cạnh đó, trong quy hoạch phát triển tổng thể và từng giai đoạn, thị xã đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng đô thị. Bộ mặt của thị xã đã có những thay đổi đáng kể, kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế đa ngành của thị xã.
 
Cần sự đầu tư tập trung
 
 
Hiện nay, thị xã An Khê có 11 xã, phường với hơn 65 ngàn dân. Để xây dựng An Khê trở thành một vùng kinh tế động lực và một đô thị lớn, mới đây hệ thống kè dọc sông Ba đã được đầu tư xây dựng với nguồn vốn 43 tỷ đồng. Nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, thị xã cũng đã quy hoạch hai cụm công nghiệp tại xã Song An và phường An Bình. Thị xã cũng đã ban hành chính sách thu hút đầu tư vào địa phương, đặc biệt là các cụm công nghiệp. Mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới, thị xã sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, tiểu- thủ công nghiệp và xây dựng. Theo đó, đến cuối năm 2015, cơ cấu kinh tế sẽ là công nghiệp- xây dựng chiếm 54,22%, thương mại- dịch vụ chiếm 33,23%, nông- lâm nghiệp chiếm 12,55%. Tập trung mọi nguồn lực  để xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị.
 
 
Tín hiệu đã bật, tuy nhiên để xây dựng An Khê sớm trở thành đô thị loại III trước năm 2020 thì thị xã cần có những chính sách cụ thể hơn nữa. Để trở thành một đô thị lớn và là vùng kinh tế động lực phía Đông của tỉnh thì cơ cấu kinh tế của thị xã cần có sự chuyển dịch nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp- xây dựng, thương mại- dịch vụ. Hệ thống tài chính, ngân hàng cần được phát triển mạnh hơn để có thể cung cấp vốn cho các doanh nghiệp phục vụ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của thị xã cần được chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa và đảm bảo được nguyên liệu cho các nhà máy đứng chân trên địa bàn.
 
 
Với lợi thế là cửa ngõ phía Đông của tỉnh, thị xã An Khê cần nắm bắt được thế mạnh của các huyện lân cận. Các huyện Kông Chro, Kbang là vùng có số lượng, trữ lượng khoáng sản và lâm sản tương đối lớn của tỉnh. Đây sẽ là nơi cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy đứng chân trên địa bàn thị xã. Bên cạnh đó, các chính sách thu hút đầu tư đã được thị xã triển khai nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả cao, vì vậy cần tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị thu hút đầu tư.
 
 
Cùng với đó, xây dựng đô thị An Khê phát triển mạnh không chỉ là đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp mà cần đầu tư phát triển văn hóa, giáo dục, y tế. Đặc biệt hiện nay, bộ mặt đô thị An Khê đã có nhiều thay đổi nhưng hệ thống cây xanh, vệ sinh môi trường chưa được cải thiện. Chính vì thế đầu tư mạnh vào hai lĩnh vực này là yếu tố quan trọng để tạo ra một đô thị trẻ năng động và phát triển, đây là một trong những yếu tố để công nhận và xếp hạng đô thị.
 
 
Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp để xây dựng An Khê sớm trở thành đô thị loại III, ông Lê Thanh Tâm- Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Thị xã đã có những chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Cùng với đó là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhằm tạo sự chuyển biến trong cơ cấu kinh tế của thị xã. Thời gian tới thị xã sẽ có nhiều chính sách ưu tiên hơn nữa và sẽ từng bước đơn giản hóa các thủ tục để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.
 
 

Theo Báo Gia Lai