Từ mô hình làng văn hóa kiểu mẫu ở Ayun Pa

08/10/2010 07:29 AM


Với những con số khá ấn tượng: 55% số hộ có kinh tế khá và giàu, gần 20% số hộ có nhà xây kiên cố, 95% có phương tiện nghe nhìn, 100% hộ dân có điện thắp sáng và sử dụng nước sạch, 100% đường làng được bê tông hóa…

Với những con số khá ấn tượng: 55% số hộ có kinh tế khá và giàu, gần 20% số hộ có nhà xây kiên cố, 95% có phương tiện nghe nhìn, 100% hộ dân có điện thắp sáng và sử dụng nước sạch, 100% đường làng được bê tông hóa… điều đó ghi nhận quá trình phấn đấu xây dựng phát triển kinh tế và khối đại đoàn kết của một khu dân cư có 100% người dân tộc thiểu số, có lẽ vì vậy mà khu dân cư này được thị xã Ayun Pa  (Gia Lai) chọn làm điểm cho việc xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu.
 
Một góc làng văn hóa ở Ayun Pa. Ảnh: K.N.B
Một góc làng văn hóa ở Ayun Pa. Ảnh: K.N.B
Cách trung tâm thị xã Ayun Pa gần 10 km, thôn Jư Ma Nai, xã Ia Rtô có 90 hộ dân với 455 nhân khẩu sinh sống trên 3 trục đường làng trong khoảng diện tích 12 ha.
 
Khi được thị xã Ayun Pa chọn xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu, làng đã đạt chuẩn văn hóa với các tiêu chí của làng văn hóa đề ra trên cơ sở cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, vì vậy khi phát động thi đua thực hiện 4 tiêu chí của mô hình làng văn hóa kiểu mẫu là kinh tế phát triển, văn hóa lành mạnh, môi trường xanh- sạch- đẹp và chấp hành đầy đủ chủ trương đường lối của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước theo Quyết định 62 của Bộ Văn hóa Thông tin thì 100% hộ dân trong làng đăng ký thực hiện, theo đó các phong trào thi đua với những việc làm cụ thể như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp gắn với áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để tăng năng suất cây trồng, tăng giá trị thu nhập, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, ăn ở hợp vệ sinh, làm chuồng nhốt gia súc cách xa nhà ở… được bà con đồng lòng thực hiện. Nhiều hộ nhanh nhạy trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những cây màu thời vụ giá trị kinh tế thấp chuyển sang trồng thuốc lá, bắp lai có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
 
Đến nay sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, làng văn hóa Jư Ma Nai cơ bản đã hoàn thiện mô hình làng văn hóa kiểu mẫu theo 4 tiêu chí, từ 15% hộ khá và giàu khi triển khai mô hình tháng 5-2009 đến nay đã tăng lên 55%, từ gần 20% hộ nghèo nay giảm xuống còn 6%, trên 80% hộ dân đạt gia đình văn hóa, gần 20% hộ dân xây được nhà kiên cố, 100% đường làng được bê tông hóa, trồng mới hàng trăm cây xanh bóng mát, 100% hộ dân được sử dụng điện và dùng nước sạch, 95% hộ dân có phương tiện nghe nhìn, trên 80% hộ dân làm hàng rào quanh vườn nhà, 99% hộ dân làm chuồng trại nhốt gia súc cách xa nhà ở, các hủ tục lạc hậu trong ma chay cưới hỏi đã hoàn toàn xóa bỏ, những nét đẹp văn hóa truyền thống như cồng chiêng, múa xoang, rượu cần luôn được bà con gìn giữ và phát huy.
 
Hiện thôn duy trì và kế thừa tốt một đội chiêng trẻ dành cho thanh niên và thường xuyên phục vụ các lễ hội của làng, của xã, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, trong thôn không có ai vi phạm pháp luật. Ngoài hoàn thành kế hoạch bê tông hóa giao thông nông thôn trong làng, bà con còn đóng góp làm đường bến nước, và đang chuẩn bị làm đường vành đai dài 250 mét thuộc Chương trình 135 để phục vụ cho nhu cầu tách hộ vào năm 2011.
 
Đạt được kết quả này, bên cạnh tinh thần phấn đấu của hệ thống chính trị cơ sở, còn có sự giúp đỡ về chuyên môn của cơ quan chủ trì là Phòng Văn hóa- Thông tin thị xã. Từ những việc làm mang tính cộng đồng, những hoạt động thể hiện tính văn hóa đã không ngừng nâng cao nhận thức cho nhân dân, bộ mặt làng buôn thêm khởi sắc, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, đặc biệt còn tạo được lòng tin tuyệt đối vào đường lối của Đảng. Cũng từ kết quả này thị xã Ayun Pa sẽ nhân rộng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn toàn thị xã trong thời gian tới. 

Theo Báo Gia Lai