Nay Krôi- Chỗ dựa của buôn làng

01/10/2010 07:21 AM


“Yàng cho mình sống được ngày nào thì phải ráng mà vận động, giáo dục dân làng, con cháu sáng cái bụng để nhận biết lẽ phải và biết cách làm ăn”- già làng Nay Krôi tâm niệm thế.

“Yàng cho mình sống được ngày nào thì phải ráng mà vận động, giáo dục dân làng, con cháu sáng cái bụng để nhận biết lẽ phải và biết cách làm ăn”- già làng Nay Krôi tâm niệm thế.
 
 
Trời đã quá trưa nhưng vì đã có hẹn với chúng tôi từ trước, Già làng- Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Chư Drăng, huyện Krông Pa- Nay Krôi vẫn ngồi đợi chúng tôi ở phòng làm việc tại trụ sở UBND xã. Ông tranh thủ viết hết tập giấy mời các hội viên, tổ chức đến dự tọa đàm kỷ niệm Ngày Người cao tuổi 1-10 sắp đến.   
 
Già làng Nay Krôi vận động thanh niên thực hiện nếp sống mới. Ảnh: P.S
Già làng Nay Krôi vận động thanh niên thực hiện nếp sống mới. Ảnh: P.S
Sau ngày giải phóng miền Nam, Krôi tham gia dạy học tại Trường Tiểu học xã Chư Gu, sau này nghỉ chế độ và được bầu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Cuối năm 2008, cơn gió độc “Tin lành Đê-ga” len lỏi đến buôn làng của ông. Nay Lam và Ksor Dung đã trên 40 tuổi rồi, có ruộng đất, vợ con, cuộc sống ổn định, nhưng vì ít học nên đã lầm đường, nghe theo lời dụ dỗ của bọn phản động trốn sang Campuchia. Sau 3 tháng sống tù túng, tủi nhục “như con heo, con gà bị nhốt trong chuồng” ở trại tị nạn, cuối cùng bị chính quyền Campuchia trả về. Trước chính quyền và dân làng, cả hai đã ngoéo tay già làng Nay Krôi và hứa sẽ không bao giờ phạm lỗi lầm này nữa. Cả hai chuyên tâm làm ăn và nay đã có cuộc sống khá giả.

 
 
Tấm gương của Nay Lam và Ksor Dung những tưởng sẽ là bài học cho những người còn u mê nhưng cơn gió độc “Tin lành Đê-ga” vẫn len lỏi đến buôn Chai và cuốn theo 15 hộ dân khác. Được sự phân công của Đảng ủy xã, Nay Krôi lại sang buôn Chai để vận động, giáo dục người dân từ bỏ con đường tối để trở về với con đường sáng. “Lúc ấy, tôi gần như không đêm nào được yên giấc”- ông kể. Chư Drăng vốn là xã yên bình, xưa nay chưa hề có chuyện bất ổn về an ninh chính trị vậy mà bỗng dưng nảy nòi ra những kẻ có tư tưởng phản động, đòi ly khai, chia rẽ. Không biết bao nhiêu lần ông dự các cuộc họp với cán bộ huyện, xã để phát động quần chúng.
 
Riêng bản thân ông cứ đều đặn hai ba ngày lại cùng với Trưởng thôn Nay Drôh và Mặt trận, đoàn thể đến từng nhà để tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu ra lẽ phải. Ông vận động những hội viên cao tuổi của mình và những người có uy tín trong buôn trước, sau đó mới đến những gia đình khác. Bằng uy tín của một Chủ tịch Hội người cao tuổi và kiến thức của một cựu nhà giáo cùng lý lẽ thuyết phục và tình cảm ân cần, lần lượt Nay Krôi đã thuyết phục được cả 15 hộ dân buôn Chai từ bỏ “Tin lành Đê-ga”. Cuối năm 2008, tại lễ cam kết từ bỏ “Tin lành Đê-ga”, nhiều người dân buôn Chai đã bật khóc khi uống ngụm rượu ghè đầu tiên kể từ ngày họ lầm đường nghe theo lời bọn kẻ xấu.
 
Cuộc sống hàng ngày của người dân vẫn không ít lần xảy ra xích mích, nếu không giải quyết kịp thời và dứt điểm thì sẽ dễ bị kẻ xấu lợi dụng kích động. Gánh trên vai chức trách Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, hòa giải viên thôn và già làng buôn H’Ngôm, Nay Krôi đã hàng trăm lần đứng ra giải quyết. Từ năm 1998, khi ông làm già làng buôn H’Ngôm đến nay, tập tục lạc hậu đã dần được loại bỏ, thanh niên khi cưới vợ, gả chồng đã biết đi đăng ký kết hôn; đám cưới, đám ma đều thực hiện theo nếp sống mới.
 
 
Mặc dù cái chân đã yếu, con mắt đã mờ, nhưng vợ chồng ông cùng hai người con trai vẫn sản xuất 5 ha mì, 1 ha bắp, 3 sào lúa nước và nuôi 20 con bò. Ông nói: “Thu nhập của nhà mình mỗi năm 70 triệu đồng. Trong buôn cũng có 77 hộ thu nhập 30-50 triệu đồng, chỉ còn 20 hộ nghèo thôi”.
 
 
Đã 63 tuổi đời, việc nhà, việc nước cuốn chân tay, nhưng trông ông vẫn còn lạc quan lắm. Chỉ tay lên những bằng khen do Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Bộ Công an trao tặng treo trang trọng giữa nhà, ông cười khà: “Mình còn sống có ích cho dân làng thì ráng mà cống hiến để kiếm thêm mấy cái bằng khen nữa làm gương cho con cháu”.

Theo Báo Gia Lai