Gia Lai: Kông Chro trăn trở để thoát nghèo

30/09/2010 07:23 AM


Kông Chro là địa phương… nghèo nhất tỉnh Gia Lai. Tài nguyên đất rộng lớn nhưng lại bạc màu, nên chuyện làm gì cho khát vọng thoát nghèo của hơn 40 ngàn người dân trong huyện vẫn là bài toán khó.

Kông Chro là địa phương… nghèo nhất tỉnh Gia Lai. Tài nguyên đất rộng lớn nhưng lại bạc màu, nên chuyện làm gì cho khát vọng thoát nghèo của hơn 40 ngàn người dân trong huyện vẫn là bài toán khó.
 
 
Kông Chro được xem là huyện nghèo nhất tỉnh, với 27,19% số hộ nghèo. Toàn huyện có 9 xã với 62 thôn làng đặc biệt khó khăn. Những xã được xem là “rốn nghèo” như Đak Pơ Pho, Đak Kơ Ning, Sơ Ró, Chư Krêy, Đak Tơ Pang.
 
 
Ông Trần Biểu- Chánh Văn phòng UBND huyện cho biết: “Dù đất rộng nhưng phần lớn là đất bạc màu nên không thể canh tác những loại cây có hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn thấp nên chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để đạt năng suất cao…”.
 
Đưa giống bắp mới vào sản xuất tại Kông Chro. Ảnh: L.A
Đưa giống bắp mới vào sản xuất tại Kông Chro. Ảnh: L.A
Hiện nay, người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Tuy nhiên với vùng không được “thiên thời, địa lợi…” như Kông Chro thì chuyện giải bài toán đói nghèo vẫn cần một thời gian dài. Bên cạnh đó, ý thức của người dân còn rất hạn chế. Nếu 10 năm trước khi cho người dân vay vốn làm ăn, nhưng không ai dám nhận do sợ làm không hiệu quả. Còn bây giờ, nhiều người sau khi vay được vốn, nhưng không dùng để phát triển kinh tế mà đi mua sắm xe máy, điện thoại, ti vi… nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Chính nếp nghĩ, cách làm như vậy nên hiện nay, rất nhiều người dân không chịu canh tác mà đem đất cho thuê lại với giá mỗi năm chỉ 3 triệu đồng/ha…

 
 
Chủ tịch UBND huyện Trần Cao Nguyên cho biết: “Chúng tôi luôn trăn trở tìm cách thế nào để người dân thoát nghèo. Dù những năm gần đây, đã có những chuyển biến nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Hiện nay, huyện từng bước thay đổi phương thức, tập quán sản xuất, đưa khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để tăng năng suất; phát huy tối đa nội lực của dân và tranh thủ ngoại lực để giúp kinh tế của huyện phát triển. Bên cạnh đó, huyện cũng xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả để người dân học tập”.

Theo Báo Gia Lai