Chính sách tín dụng NNNT: Cơ hội vàng cho nông dân

26/09/2010 06:50 AM


Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg về một số chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sau hơn 10 năm triển khai, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã khơi thông dòng vốn tín dụng đầu tư về khu vực nông thôn trên địa bàn Gia Lai.

Nông dân được hỗ trợ vay vốn trong sản xuất. Ảnh: Đ.P
Nông dân được hỗ trợ vay vốn trong sản xuất. Ảnh: Đ.P
Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg về một số chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sau hơn 10 năm triển khai, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã khơi thông dòng vốn tín dụng đầu tư về khu vực nông thôn trên địa bàn Gia Lai.
 
Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh qua các năm đều tăng khá với mức tăng trưởng bình quân hàng năm 32,6% cao hơn 10,8% so với tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cả nước (21,8%). Đến cuối tháng 6-2010, có 186.380 hộ dân và 379 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn dư nợ tại ngân hàng, với số dư nợ đạt 7.378 tỷ đồng, chiếm 37% so tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh, trong đó dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm 35%.
 
Chất lượng tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn được đảm bảo, nợ xấu được duy trì ở mức thấp. Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần hình thành những vùng cây công nghiệp trọng điểm của tỉnh như hồ tiêu ở Chư Sê, Cà phê ở Ia Sao, cao su ở Mang Yang, Chư Sê, Chư Pah, Chư Prông, Đức Cơ…; Bên cạnh việc cho vay đáp ứng nhu cầu vốn phát triển sản xuất, kinh doanh của các hộ nông dân, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đến nay, dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đạt 1.665 tỷ đồng, với mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 46,5%.
 
 
Tuy nhiên, quá trình triển khai Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg cũng đã bộc lộ một số bất cập. Vì vậy, tháng 4-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP thay thế Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg.
 
 
Nghị định số 41/2010/NĐ-CP có sự mở rộng về sự tham gia của các tổ chức tín dụng trong cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn: Nghị định cũng quy định cụ thể các đối tượng được vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm hộ gia đình, hộ kinh doanh trên địa bàn nông thôn; cá nhân; chủ trang trại; các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn nông thôn; các tổ chức và cá nhân cung ứng các dịch vụ phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản; các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp hoặc kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, cung ứng dịch vụ phi nông nghiệp, có cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn.
 
 
Lĩnh vực cho vay gồm: Cho vay chi phí sản xuất, phát triển ngành nghề, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn, cho vay kinh doanh sản phẩm, dịch vụ, phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn, cho vay tiêu dùng nhằm nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn và cho vay theo các chương trình kinh tế của Chính phủ.
 
Nghị định quy định cụ thể 4 nguồn vốn cho vay: Nguồn vốn huy động; vốn vay, nhận tài trợ, ủy thác; nguồn vốn ủy thác của Chính phủ và vốn vay Ngân hàng Nhà nước thông qua việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản cũng được nâng cao hơn đối với từng loại đối tượng, phù hợp với thực tế. Theo đó, Nghị định quy định khá rõ về nguyên tắc và quy trình xử lý nợ vay trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh trên diện rộng. Trường hợp có thiên tai, dịch bệnh trên diện rộng, sẽ được khoanh nợ không tính lãi cho người vay tối đa là 2 năm đối với dư nợ hiện còn tại thời điểm khoanh nợ và số lãi tổ chức tín dụng đã khoanh được giảm trừ vào lợi nhuận trước thuế của tổ chức tín dụng.
 
 
Với Nghị định 41, ngành Nông nghiệp, trực tiếp là nông dân có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất, thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Theo Báo Gia Lai