Gia Lai: Đưa giống mới và cơ giới hóa vào sản xuất mía

24/09/2010 07:26 AM


Vùng nguyên liệu mía tại các huyện, thị xã phía Đông tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 16.000 ha, năng suất mía bình=- quân đạt 50 tấn/ha, sản lượng mía chưa đáp ứng đủ công suất hoạt động của các nhà máy đường. Vì vậy, việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía bền vững theo hướng tăng năng suất là một trong những nhiệm vụ mang tính chiến lược của các nhà máy đường.

Vùng nguyên liệu mía tại các huyện, thị xã phía Đông tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 16.000 ha, năng suất mía bình=- quân đạt 50 tấn/ha, sản lượng mía chưa đáp ứng đủ công suất hoạt động của các nhà máy đường. Vì vậy, việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía bền vững theo hướng tăng năng suất là một trong những nhiệm vụ mang tính chiến lược của các nhà máy đường.
 
Triển khai nhiệm vụ trên, niên vụ trồng mới 2010-2011, Nhà máy Đường An Khê đã đầu tư 18 tỷ đồng mua 26 máy cày MTZ 1221, công suất 130 mã lực giúp rút ngắn thời gian làm đất cho nông dân. Niên vụ trước, đơn vị này đã đầu tư 25 tỷ đồng mua 48 máy cày MTZ 892, công suất 90 mã lực để cơ giới hóa khâu làm đất. Theo phân tích của Đội trưởng Đội thi công cơ giới Nhà máy Đường An Khê Nguyễn Đình Chỉnh, tính ưu việt của máy cày MTZ 1221 là được lắp bộ máy phay trục đứng thực hiện cùng lúc các công đoạn: Cày, bừa, băm đất…; trong khi đó máy cày MTZ 892 thực hiện các công đoạn trên theo thứ tự từng phần, nên thời gian kéo dài.
 
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất mía. Ảnh: Quang Văn
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất mía. Ảnh: Quang Văn
Về lý thuyết, việc áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất là tăng độ tơi của đất, đảm bảo độ sâu theo đúng quy định của kỹ thuật trồng mía, phá vỡ lớp đất xơ cứng hình thành từ quy trình làm đất bằng phương pháp cày bừa thủ công, hạn chế về độ sâu trong nhiều năm qua. Khi lớp đất xơ cứng bị phá vỡ, rễ mía dễ dàng tiếp xúc với nguồn nước ngầm trong đất để phát triển. Hơn nữa làm đất bằng cơ giới, nông dân chủ động thời gian trồng mới phù hợp với diễn biến thời tiết, khắc phục tình trạng mía phát triển kém vì thiếu nước.
 
Tuy nhiên, tác động cơ giới hóa khâu làm đất sẽ phát huy hết hiệu quả khi có cơ cấu giống mía mới, phù hợp với chất đất đặc thù. Từ đúc kết này, những năm gần đây, Nhà máy Đường An Khê đã đưa các giống mía mới LK92-11, K88-65, K88-92, POJ 28-78, K94… vào trồng thử nghiệm tại các huyện Kbang, Đak Pơ, Kông Chro, thị xã An Khê, năng suất bình quân đạt 60-70 tấn/ha, cá biệt có vùng đạt 80-90 tấn/ha.
 
Kết quả trên là cơ sở để nông dân mạnh dạn cơ giới hóa và đưa giống mía mới vào trồng. Anh Nguyễn Văn Tiến, thôn 3, xã Hà Tam (huyện Đak Pơ) nói: Làm thế này, nông dân giảm chi phí khoảng 20%/ha so với phương pháp thủ công. Giống mới đạt năng suất bình quân 60-70 tấn/ha, tăng hơn 10 tấn/ha, nâng giá trị kinh tế 1 ha mía sau khi đã trừ chi phí 30-40 triệu đồng, tăng hơn 10 triệu đồng so với sử dụng giống cũ, trồng bằng phương pháp cũ.
 
Ông Nguyễn Hoàng Phước- Trưởng phòng Đầu tư- Nguyên liệu Nhà máy Đường An Khê cho biết: Vùng nguyên liệu mía của nhà máy đầu tư khoảng 14.000 ha, trong đó diện tích mía cơ giới hóa và sử dụng giống mới đến thời điểm này chiếm 5%. Sở dĩ tốc độ cơ giới hóa, chuyển giao giống mía mới đạt thấp vì yêu cầu cơ giới hóa phải là đất liền vùng, trong khi vùng mía phía Đông tỉnh phần lớn đất không liền vùng.
 
Để đạt mục tiêu diện tích mía trồng bằng cơ giới và giống mới là 10.000 ha trong vài năm tới, đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu giống mía trên diện rộng, nhà máy đã xây dựng cơ chế hỗ trợ phù hợp cho nông dân. Theo đó, nhà máy đầu tư 1 tỷ đồng mua giống mới, năng suất cao đã qua thử nghiệm với giá 1,5 triệu đồng/tấn cấp cho nông dân nhưng chỉ thu lại 500.000 đồng. Đến vụ thu hoạch, nhà máy mua giống của dân giá 900.000 đồng/tấn, cấp lại cho dân giá 700.000 đồng. Hỗ trợ 10 tấn giống mía/ha trồng mới, mía thu hoạch đợt II nông dân sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Xây dựng cơ chế giá sàn mua mía theo hướng đảm bảo có lợi cho nông dân.
 
Hy vọng với cơ chế hỗ trợ trên, nông dân sẽ mạnh dạn áp dụng cơ giới hóa và giống mới trong sản xuất mía, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển vùng mía nguyên liệu ổn định cung cấp cho nhà máy hoạt động.     

Theo Báo Gia Lai