Tây Nguyên: Năm học mới còn đó những nỗi lo…

11/09/2010 01:55 PM


Cùng với cả nước, gần 1,5 triệu học sinh các cấp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã nô nức bước vào năm học 2010-2011. Bên cạnh niềm vui của học sinh ngày khai trường, thầy và trò còn đó những nỗi lo vì thiếu phòng học, trường lớp…

Cùng với cả nước, gần 1,5 triệu học sinh các cấp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã nô nức bước vào năm học 2010-2011. Bên cạnh niềm vui của học sinh ngày khai trường, thầy và trò còn đó những nỗi lo vì thiếu phòng học, trường lớp…
 
 
Cơ sở vật chất thiếu thốn
 
 
Năm học 2010-2011, các tỉnh Tây Nguyên có gần 1,5 triệu học sinh. Trong nỗi lo thiếu trường lớp, Đak Nông và Kon Tum là hai tỉnh gặp nhiều khó khăn hơn cả. Năm học này, tỉnh Kon Tum có hơn 130.000 học sinh. Đến nay, Kon Tum vẫn còn thiếu trên 100 phòng học, hơn 1.000 bộ bàn ghế, tập trung ở các huyện vùng xa, vùng sâu như Đak Glei, Sa Thầy, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi, Kon Plông… Nhiều lớp học phải mượn phòng làm việc, nhà dân. Trường lớp đã thiếu, thiết bị phục vụ dạy học lại càng thiếu thốn hơn, đặc biệt là phòng để trang-thiết bị phục vụ học tập. Nhiều trường tiểu học chưa có thư viện, phòng đọc.
 
 
Những lớp học thưa vắng học trò ở huyện Chư Sê. Ảnh: L.Q
Những lớp học thưa vắng học trò ở huyện Chư Sê, Gia Lai. Ảnh: L.Q
Là tỉnh mới thành lập nên Đak Nông cũng thiếu trường và lớp học. Bước vào năm học 2010-2011, Đak Nông có 310 trường học, tổng số học sinh trên 140.000 em, tăng 5.000 em so với năm học trước, trong đó có 1/3 là học sinh người dân tộc thiểu số. Trước lúc bước vào năm học mới, tỉnh đã huy động từ nhiều nguồn hơn 100 tỷ đồng để xây dựng 360 phòng học mới. Các ngành, các cấp và nhiều tổ chức xã hội đã tặng trên 3 ngàn suất học bổng động viên các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Song đến nay, tỉnh này mới chỉ kiên cố hóa được gần một nửa số phòng học, vẫn còn gần 100 phòng học tạm, phòng học mượn, chủ yếu ở các huyện Tuy Đức và Đak G’Long… Nhiều trường tiểu học và THCS vẫn chưa có thư viện và phòng thí nghiệm.
 
 
Để giúp học sinh nghèo, tỉnh Đak Nông đã chi hơn 6 tỷ đồng mua sách giáo khoa và vở viết cấp miễn phí cho các em, đồng thời hỗ trợ 70.000 đồng/tháng cho mỗi học sinh dân tộc thiểu số từ cấp trung học cơ sở trở lên.
 
 
Đak Lak, Lâm Đồng, Gia Lai là ba tỉnh được coi là có “tiềm lực” kinh tế nhất khu vực Tây Nguyên, nhưng bước vào năm học này, ngành Giáo dục vẫn còn sử dụng hàng chục phòng học tạm, phòng học đã xuống cấp. Nhiều xã, thôn làng vẫn chưa có trường mẫu giáo riêng, phải học ghép với trường tiểu học hoặc mượn hội trường thôn, buôn để học. Trên 500 phòng học đã xuống cấp và còn thiếu hơn 450 phòng ở công vụ cho giáo viên, gây khó khăn cho công tác giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh.
 
 
Thiếu giáo viên, học sinh cũng vắng
 
 
Để chuẩn bị giáo viên cho năm học 2010-2011, UBND 5 tỉnh Tây Nguyên đã chỉ đạo cho ngành Giáo dục-Đào tạo tổ chức thi tuyển và xét tuyển trên 2.750 giáo viên các cấp. Điều đáng buồn là nhiều sinh viên sau khi trúng tuyển, được điều động về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới như: Sa Thầy, Tu Mơ Rông, Đak Glei (tỉnh Kon Tum); Chư Prông, Kông Chro, Krông Pa (tỉnh Gia Lai), Ea H’Leo (tỉnh Đak Lak), Đak G’Long (tỉnh Đak Nông)... đã có tư tưởng bỏ việc. Trên 270 giáo viên trẻ được đào tạo ở các trường cao đẳng sư phạm của các tỉnh trên và cả đào tạo hệ đại học “liên kết” đã cố bám vào các trường ở thành phố, thị xã, thị trấn… chấp nhận dạy “hợp đồng” ăn lương theo tiết chứ không về vùng sâu, vùng xa.  
 
 
Trước tình trạng này, các tỉnh Tây Nguyên một mặt đầu tư xây dựng nhà ở, phòng làm việc… mặt khác tích cực hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên những vùng khó khăn. Đặc biệt là chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” nhằm thu hút sinh viên ra trường tình nguyện về dạy ở những vùng sâu, vùng xa. Cách làm này bước đầu đã thu hút một lượng lớn sinh viên.
 
 
Trong lúc “bài toán” thiếu giáo viên chưa được giải xong, ngành Giáo dục-Đào tạo ở các tỉnh Tây Nguyên phải đối mặt với vấn đề học sinh bỏ học. Do đời sống khó khăn, điều kiện học tập hạn chế nên một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa coi trọng việc học của con cái. Một số vùng ở Đak Lak, Gia Lai, con em những gia đình từ phía Bắc vào, hoàn cảnh khó khăn, trẻ em ít có điều kiện theo học đến nơi đến chốn. Nhiều học sinh nội trú, tuy đã học đến lớp 9, lớp 10 nhưng cũng bỏ về làng để “bắt chồng”. Riêng ở Kon Tum, năm học 2009-2010, toàn tỉnh có tới 1.237 học sinh bỏ học.
 
 
Để nâng cao chất lượng dạy và học, những năm qua, ngành Giáo dục-Đào tạo các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực đầu tư xây dựng trường học, nhà ở; thu hút giáo viên, học sinh đến lớp, tuy nhiên đến nay kết quả vẫn chưa như mong đợi. Thực tế ấy đang đòi hỏi những giải pháp mạnh hơn, phù hợp hơn từ phía ngành Giáo dục-Đào tạo và các địa phương trong thời gian tới.

Theo Báo Gia Lai