Khai thác tiềm năng kinh tế biên mậu chưa tương xứng

09/09/2010 07:26 AM


Hoạt động biên mậu giữa tỉnh Gia Lai với Campuchia các năm gần đây đã góp phần tạo động lực hợp tác kinh tế toàn diện giữa hai nước, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân các xã biên giới.

Trong những năm qua, nhờ được đầu tư nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh và địa phương nên bộ mặt trung tâm các xã biên giới và đời sống nhân dân trong vùng đang từng bước cải thiện. Tuy nhiên, 7 xã biên giới của huyện Đức Cơ, Ia Grai và Chư Prông (Gia Lai) phần lớn chưa có chợ, chỉ 2 xã có chợ nhưng quy mô nhỏ, tạm bợ, chưa được quy hoạch lâu dài. Hoạt động biên mậu phần lớn chỉ tập trung tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Lệ Thanh.
 
 
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (Đức Cơ). Ảnh: K.N.B
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (Đức Cơ). Ảnh: K.N.B
Hiện đã có 24 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nông sản, chế biến sinh học, vật liệu xây dựng, mở văn phòng... và 3 doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 31 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng thương mại tại khu kinh tế cửa khẩu đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, chưa hoàn chỉnh, ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển hoạt động giao thương. Tuy khối lượng hàng hóa xuất nhiều nhưng giá trị kim ngạch không cao; tái xuất xăng dầu vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hiện nay đã có một số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thường xuyên và ổn định với kim ngạch tương đối lớn như: Công ty cổ phần Sông Đà-Ia Ly, Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên, Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai... Kim ngạch hai chiều giữa Gia Lai và Campuchia có tăng hàng năm nhưng không đáng kể. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu còn đơn điệu như hàng tiêu dùng, xăng dầu, xi măng, hóa mỹ phẩm... Nhập khẩu mặt hàng chủ yếu là cao su tự nhiên, gỗ xẻ...
 
 
Hoạt động biên mậu giữa tỉnh Gia Lai với Campuchia các năm gần đây đã góp phần tạo động lực hợp tác kinh tế toàn diện giữa hai nước, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân các xã biên giới. Tuy vậy, nhu cầu mở rộng thị trường hàng hóa, dịch vụ chưa được doanh nghiệp chú trọng. Trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp chỉ tăng thêm 3, hiện mới chỉ có 6 doanh nghiệp tham gia là quá ít so với thực lực và nhu cầu của doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trên địa bàn.
 
 
 

Tổng kim ngạch xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh chỉ chiếm 24% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung của toàn tỉnh. 8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 25 triệu USD, và chỉ có 6 doanh nghiệp tham gia thị trường này.

Tiềm năng để phát triển quan hệ giao thương giữa hai nước rất lớn. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm và tiêu dùng của Việt Nam hiện đang chiếm lĩnh thị trường Campuchia- thị trường nhiều triển vọng. Ngoài ra, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học, nhà xưởng của các tỉnh ở nước này đang trong giai đoạn phát triển nên nhu cầu cũng lớn, do vậy, xuất khẩu hàng vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp Gia Lai sẽ nhanh chóng phát triển.

Theo Báo Gia Lai