Ayun anh hùng

27/08/2010 09:03 AM


Kỳ lạ thay, sự đau đớn tận cùng ấy càng khiến người Ayun chiến đấu mạnh mẽ, ngoan cường hơn. Những người mẹ vẫn lặng lẽ vượt rừng, tránh giặc gùi gạo nuôi bộ đội giữa làn bom đạn; những thiếu niên chưa lớn cũng trở thành du kích gan dạ.

Ông Đinh Klung, là Dũng sĩ diệt Mỹ năm nay ngoài 80 tuổi hồi tưởng quá khứ với niềm kiêu hãnh không che giấu. Chuyện hôm qua hiện về giữa bao ưu tư đời thường…
 
 
Quá khứ hào hùng
 
 
Vốn là một trong những xã nghèo nhất huyện Chư Sê, Gia Lai, người dân Ayun vẫn đang oằn lưng trong cuộc mưu sinh. Nhưng, người Ayun có niềm kiêu hãnh riêng bởi quá khứ vẻ vang suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Quá khứ đó khiến họ có thêm niềm tin về ngày mai, về lẽ sống. Lật giở những trang thành tích của xã Ayun trong kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi mới thấm thía hết niềm vui của bà con nơi đây khi xã vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong số 4 “Dũng sĩ diệt Mỹ” của xã, một người đã sang thế giới bên kia. Ba người còn lại, là chứng nhân xác thực cho những câu chuyện kể về sự khốc liệt, mất mát của chiến tranh cũng như sự anh dũng của con người Ayun từ mấy mươi năm trước.
 
 
Không mất nhiều thời gian để chúng tôi đến được nhà của “dũng sĩ” Đinh Klung- làng Rung Reng II. Giữa trưa, ông ngồi hóng mát thảnh thơi trên cánh võng bên hiên nhà sàn. Klung chỉ vào tai, ra dấu cho chúng tôi nói to để ông nghe được rõ hơn: “Hồi tao đi đánh Pháp, bị bọn chúng bắt và dùng đủ đòn tra tấn mong tao khai. Chúng lấy dùi sắt đóng vào tai, máu chảy ròng ròng, đau buốt tận óc, nhưng tao quyết không khai.
 
 
…Nằm trên đường hành lang Trung ương Đông- Tây (CO8), lại là địa bàn giáp ranh giữa ta với địch, nhưng Ayun là nơi đóng quân, trú quân an toàn của các đơn vị chủ lực cấp trên do lợi thế có địa hình phức tạp, hiểm trở. Sau khi Mỹ- Ngụy phát hiện Ayun là căn cứ địa cách mạng, chúng tăng cường bắn phá, mở các cuộc càn quét lớn  vào một số làng của xã Ayun, dồn dân, lập ấp chiến lược, bắn giết người dân vô tội. Hai đứa con thơ dại của Klung cũng bị địch bắn trong những lần càn quét ấy (năm 1969). Lúc nghe tin dữ, Klung đang làm Trung đội trưởng đánh Mỹ tại xã. Nước mắt người cha chỉ có thể chảy ngược vào trong trước sự mất mát quá lớn ấy. Gia đình ông cũng chỉ là một thân phận nhỏ của chiến tranh, còn biết bao người cha, người mẹ trên mảnh đất Ayun anh hùng, chung nỗi đau như Klung. 
 
 Tập thể dục giữa giờ ở Trường Tiểu học Ayun. Ảnh: Thanh Phong
Tập thể dục giữa giờ ở Trường Tiểu học Ayun. Ảnh: Thanh Phong
Kỳ lạ thay, sự đau đớn tận cùng ấy càng khiến người Ayun chiến đấu mạnh mẽ, ngoan cường hơn. Những người mẹ vẫn lặng lẽ vượt rừng, tránh giặc gùi gạo nuôi bộ đội giữa làn bom đạn; những thiếu niên chưa lớn cũng trở thành du kích gan dạ. Nhiều thanh niên sớm gia nhập lực lượng vũ trang, cùng bộ đội Bác Hồ cầm súng giữ từng tấc đất của làng. Có thể nói, tất cả ý chí, nghị lực, con người, của cải được người Ayun toàn tâm, toàn ý đem phục vụ kháng chiến. Khu căn cứ địa Ayun, vì thế luôn được giữ vững trong những thời khắc cam go nhất của cuộc chiến, nhất là tuyến hành lang CO8 luôn vận hành an toàn.

 
 
Tháng 3-1975, chiến trường Tây Nguyên liên tiếp đón nhận những tin chiến thắng vang dội, trong đó có chiến thắng của quân và dân Ayun. Trận đánh cuối cùng trên đường 7, quân và dân Ayun phối hợp cùng các lực lượng chặn đánh cuộc tháo chạy hỗn loạn của tàn quân Mỹ- Ngụy chấm dứt cuộc kháng chiến gian khổ.
 
 
Ayun hôm nay
 
 
Cuộc sống thanh bình, từng là mơ ước lớn nhất của người Ayun, và họ phải trả bằng máu mới có được, đã thành hiện thực suốt mấy chục năm qua. Nhưng, cái nghèo, cái đói vẫn còn canh cánh.
 
 
Năm 1995, khi bắt tay thực hiện đại công trình thủy nông Ayun Hạ, nhân dân Ayun tự nguyện rời bỏ vùng đất trù phú trên lòng hồ Ayun, tạo điều kiện cho công trình sớm hoàn thành. Một lần nữa, người Ayun thể hiện phẩm chất hy sinh với sự nghiệp chung. Thế nhưng, cuộc sống nơi vùng đất mới không hề dễ dàng. Nếu địa hình hiểm trở là một lợi thế trong kháng chiến thì cũng chính nó, lại là một cản trở cho sự phát triển kinh tế-xã hội sau này.
 
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước,  quân và dân xã Ayun vừa phối hợp vừa độc lập tác chiến 96 trận vừa và nhỏ, trong đó có 45 trận đánh phối hợp; đốt cháy một trại lính ngụy, 2 nhà kho của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 179 tên địch (có 2 lính Mỹ), làm tan rã 2 Trung đội dân vệ, bắn rơi 1 máy bay, phá hủy 8 xe quân sự các loại, phá 2 ấp chiến lược, thu 23 khẩu súng các loại và gần 2.500 viên đạn, 3 máy thông tin và nhiều phương tiện tác chiến khác.
Đưa chúng tôi đi một vòng quanh các làng Rung Reng I, II, A Chông, Kpăih… anh Dương Mạnh Mẫn- Chủ tịch UBND xã vừa giới thiệu sơ về bức tranh kinh tế của xã: “Toàn xã hiện vẫn còn 369/661 số hộ nghèo (chiếm 55,8%). Tổng diện tích gieo trồng của xã là 836 ha với hai cây chủ lực là lúa rẫy và bắp, nhưng cũng bấp bênh lắm. Huyện đã nhiều lần cấp phát cây, con, giống nhưng hiệu quả chưa cao vì bà con vẫn giữ tập tục canh tác lạc hậu, chỉ quen với cây lúa rẫy”. Nói vậy, nhưng anh cán bộ trẻ vẫn nhìn về phía trước với sự lạc quan: “Nhân dân Ayun anh hùng và đoàn kết lắm, chúng tôi tin sức mạnh ấy sẽ phát huy trong cuộc chiến chống giặc đói, giặc dốt. Điều trăn trở lớn nhất của tôi là, Ayun được Nhà nước quan tâm bằng nhiều chương trình, nhưng riêng làng Kpăih, bà con vẫn phải đi lại bằng con đường duy nhất là lội qua phía thượng nguồn sông Ayun, mùa mưa rất nguy hiểm đến tính mạng, nhất là các em nhỏ đi học”.

 
 
Ông Đinh Anhur là lớp cán bộ đầu tiên đến Ayun gầy dựng vùng đất này từ những đổ nát của chiến tranh. Ông cũng là một cựu binh, từng chiến đấu khắp các chiến trường trong tỉnh. Năm 1994, khi Ayun tách ra từ xã Hbông, ông được cấp trên giao nhiệm vụ về công tác tại Ayun. Ông kinh qua hầu hết các chức vụ chủ chốt. Hiện tại, ông đang giữ chức Bí thư Đảng ủy xã. Nỗi buồn lớn nhất của ông là, sau 35 năm giải phóng, xã chưa có học sinh nào tốt nghiệp THPT. Ông tiếc rẻ: “Năm ngoái, cả xã có 14 cháu tốt nghiệp lớp 9. Huyện động viên các cháu tiếp tục học bằng cách đầu tư toàn bộ kinh phí, lo chỗ ăn, chỗ ở, cấp gạo, quần áo, sách vở. Buồn là chẳng cháu nào theo được đến cùng. Năm học vừa rồi, xã có 39 cháu tốt nghiệp lớp 9, chính quyền xã đã kiến nghị và được huyện đồng ý mở lớp học tiếp cho bọn trẻ ngay tại xã. Cơ sở vật chất đã chuẩn bị sẵn sàng, chúng tôi quyết tâm vận động khoảng 15-20 cháu đến lớp. Rồi ông khoe: “Năm học 2009-2010 toàn xã 40 lớp học ở 3 cấp mầm non, tiểu học và THCS với 818 em là con đồng bào dân tộc thiểu số. Các lớp học luôn duy trì sĩ số học sinh đạt 97%”.
 
 
Blí là lớp cán bộ trẻ ở xã nhưng rất năng nổ, Anhur cho biết. Khi nhắc tới lớp cán bộ 8X này, mắt “lão cựu binh” hấp háy: “Ayun tuy còn nghèo, nhưng lớp cán bộ trẻ, có trình độ và nhiệt tình như thằng Mẫn, thằng Blí ngày càng đông. Xây dựng Ayun ngày càng phát triển, thoát khỏi đói nghèo vừa là trách nhiệm của thế hệ trẻ, vừa phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của người Ayun từ mấy chục năm nay…”.

Theo Báo Gia Lai