Krông Pa: Điểm sáng về giáo dục của Gia Lai

27/08/2010 07:37 AM


Trong những năm qua, huyện Krông Pa được đánh giá là một địa phương đi đầu của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tỷ lệ học sinh đến lớp hàng năm đạt trên 97%, tỷ lệ duy trì sĩ số gần 98%.

Trong những năm qua, huyện Krông Pa được đánh giá là một địa phương đi đầu của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tỷ lệ học sinh đến lớp hàng năm đạt trên 97%, tỷ lệ duy trì sĩ số gần 98%.
 
Trường Tiểu học xã Đất Bằng, huyện Krông Pa. Ảnh: Sông Ba
Trường Tiểu học xã Đất Bằng, huyện Krông Pa. Ảnh: Sông Ba
Trong 5 năm (2005-2010), huyện Krông Pa đã tập trung nguồn lực để đầu tư cho sự nghiệp giáo dục. Với nguồn vốn đầu tư chưa phải dồi dào, huyện ưu tiên xây dựng các cụm công trình, các phòng học ở các điểm trường đã xuống cấp và ở các trường thiếu phòng học. Từ các nguồn đầu tư kiên cố hóa trường lớp, Chương trình 135, dự án tiểu học cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn, chương trình trung tâm cụm xã... Đến nay Krông Pa đã xóa được tình trạng phòng học tạm bợ, xóa lớp học ca ba, cơ sở vật chất từng bước đáp ứng nhu cầu dạy và học.
 
Trong 5 năm qua đã có hàng chục tỷ đồng được đầu tư cho xây dựng và sửa chữa trường học. Nhiều ngôi trường đã được đầu tư xây dựng mới khang trang như: Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Trường THCS Lương Thế Vinh; Trường THCS Nguyễn Trãi, Trường THCS Nguyễn Huệ, Trường Mầm non Bán trú... Ông Nguyễn Văn Vĩnh- Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo huyện cho biết: Đến nay, 12/14 xã, thị trấn đã có trường học cao tầng, trang, thiết bị phục vụ dạy và học thường xuyên được đầu tư, do đó đã cơ bản đáp ứng được việc dạy và học. Bên cạnh đó, hàng năm được tỉnh bổ sung chỉ tiêu biên chế cho nên đội ngũ giáo viên đã cơ bản đảm bảo số lượng cũng như chất lượng từng bước nâng cao. Hàng năm, Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên được bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Nhờ vậy đến nay đã có trên 98% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn.

Từ chỗ không có gì, đến nay 100% trường học có nhà thư viện, kho chứa thiết bị đồ dùng dạy học, nhà hiệu bộ nơi làm việc cho Ban Giám hiệu và nơi họp của Hội đồng sư phạm.
 
 
Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, Krông Pa còn chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học. Đến nay, toàn huyện có 48 đơn vị trường ở các cấp học (tăng 13 đơn vị trường so với năm học 2005-2006), trong đó 3 trường THPT, 1 trường PTDT Nội trú; còn lại là các trường ở bậc THCS, Tiểu học, Mầm non bán trú và Mẫu giáo. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi ra lớp đạt trên 98%, tỷ lệ duy trì sĩ số đạt trên 97%. Đặc biệt, khoảng cách về chất lượng giáo dục ở vùng thuận lợi và vùng khó khăn ngày càng được thu hẹp. Cuối năm 2009, huyện Krông Pa đã được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục THCS.
 
 
Để nâng cao hiệu quả công tác dạy và học, thời gian qua, ngành Giáo dục- Đào tạo huyện đã triển khai nhiều biện pháp phù hợp. Đối với bậc học Mầm non, huyện triển khai thực hiện đúng theo từng loại chương trình, đặc biệt triển khai buổi học thứ hai theo Thông tư 71 của Bộ Giáo dục- Đào tạo. Đối với bậc học phổ thông, việc thực hiện giảng dạy đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng, tiếp tục duy trì các lớp học hai buổi/ngày cũng như dạy tiếng Jrai như một bộ môn đối với bậc học tiểu học; tăng cường các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ, hội giảng liên trường, hoạt động kết nghĩa theo định hướng mới... nhằm đảm bảo các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng trong giáo dục; giữ vững nền nếp, kỷ cương, kỷ luật lao động; tăng cường và phát huy vai trò, hiệu quả của tổ chuyên môn ở các bậc học đúng theo điều lệ quy định. Các trường học tích cực đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, trong đó chú trọng đến yêu cầu thí nghiệm, thực hành, ứng dụng công nghệ, đồng thời đánh giá một cách trung thực, khách quan, công bằng kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.
 
 
Ông Nguyễn Văn Vĩnh- Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Krông Pa cho biết: Thực hiện các cuộc vận động của Bộ Giáo dục- Đào tạo, những năm qua, công tác dạy và học trên địa bàn huyện đã đi vào thực chất hơn, trong khâu kiểm tra, đánh giá chất lượng có nhiều bước tiến bộ rõ nét, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngành Giáo dục- Đào tạo huyện được đánh giá là điểm sáng về giáo dục của tỉnh.

Theo Báo Gia Lai